Không chỉ có buồn đau và nước mắt của những người con xa xứ, “Bay lên” còn thắp bừng lên ngọn lửa tin yêu về một ngày mai tươi sáng hơn. Mỗi câu chuyện là một mảnh đời, một số phận trái ngang nhưng chưa bao giờ tắt hi vọng về tương lai.

'Bay lên' - nỗi lòng của những người con xa xứ
Bìa cuốn sách “Bay lên”.

“Bay lên” là tuyển tập những câu chuyện của 19 tác giả đến từ nhiều đất nước như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pakistan, Philippines… Cuốn sách giúp người đọc có cái nhìn đa chiều về cuộc sống của hàng triệu người đã và đang sinh tồn trong cảnh tị nạn, xa quê hương vì mưu sinh, chiến tranh. Những trang sách chạm đến phận người nhỏ bé nhưng vẫn mang trong mình ước vọng lớn lao.

“Tiền”, “Cá nhiệt đới”, “Những quả bom”, “Quê cha”, “Những mảnh vỡ gia đình”… là những truyện ngắn tiêu biểu của tuyển tập.

Tiền là câu chuyện về cậu bé người Dominica sống trên đất Mỹ không đành lòng chứng kiến “hai trăm đô la và mấy đồng bạc lẻ” mà mẹ mình ki cóp dành dụm gửi về quê nhà bỗng dưng bị trộm mất nên phải mạo hiểm lẻn vào thế giới của bọn trộm.

Cá nhiệt đới kể về Christine, cô gái người Uganda có một mối quan hệ gần như là tình yêu với người đàn ông da trắng đến làm ăn ở đất nước cô, nhưng những người xung quanh cô, thậm chí cả người tình của cô mặc nhiên coi đó là một mối quan hệ vụ lợi.

19 tác giả trong tập sách này từng đoạt một số giải thưởng văn học uy tín nhất của thế giới, bao gồm giải thưởng văn học Pulitzer. Đặc biệt trong tuyển tập này có sự hiện diện của Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt) – nhà văn Mỹ gốc Việt đầu tiên được vinh danh với giải thưởng Pulitzer năm 2016.

'Bay lên' - nỗi lòng của những người con xa xứ
Dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai – người chọn lọc và chuyển ngữ 20 truyện ngắn.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đã dành 3 năm cho công việc tuyển chọn và chuyển ngữ tập truyện tâm sự: “Trong thế giới của những nhân vật nói trên, tôi đã không khỏi cúi mình trước những khắc khoải và buồn đau để rồi ngước lên và nhìn thấy một bầu trời, nơi ấy yêu thương và hy vọng đang rạng rỡ bay lên. Tôi đã lựa chọn và chuyển ngữ tập truyện này với ước muốn cháy bỏng rằng: con người sẽ yêu con người hơn nữa, và văn học sẽ là cầu nối cho sự cảm thông và hòa giải”.

Đặc biệt, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai và các tác giả đã thống nhất dành tặng toàn bộ tiền bản quyền dịch và nhuận bút liên quan đến cuốn sách cho chương trình học bổng Ban Mai – chương trình học bổng giúp trẻ em nghèo ở Ninh Bình và Hòa Bình tiếp tục đến trường.

H.H