Nhiều nhà đầu tư đã “một đi không trở lại” sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, theo hãng tin CNN.
Ngày 29/9 được cho là một trong những khoảnh khắc khủng khiếp nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 780 điểm, tương đương mức giảm 7%, sau khi Hạ viện Mỹ bác bỏ gói cứu trợ cho các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn nhất nước này.
Và rất nhiều nhà đầu tư từ đó đã “một đi không trở lại”.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường đồng loạt lao dốc sau khi gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD cho các ngân hàng và tổ chức tài chính bị bác bỏ. Và thậm chí khi nghị viện Mỹ phê duyệt một kế hoạch mới, động thái này vẫn không thể ngăn cản được những biến động đang diễn ra.
Giới đầu bị bỏ mặc và bối rối. Năm trong số những cổ phiếu giảm giá lớn nhất trong chỉ số Dow Jones đều xảy ra từ tháng 9/2008 khi tổ chức tài chính lâu đời nhất nước Mỹ Lehnam Brothers sụp đổ, tập đoàn bảo hiểm AIG buộc phải xin cứu trợ, ngân hàng Wells Fargo rơi vào khủng hoảng, ngân hàng Bank of Amercia mua lại công ty chứng khoán Merrill Lynch và ngân hàng J.P. Morgan “nuốt chửng” Washington Mutual.
Những “cơn bão” trên đã góp phần tạo ra cuộc “đại suy thoái” và nó tạo ra các vết “sẹo” vĩnh viễn không mờ trong giới đầu tư.
“Có quá nhiều người không thể phục hồi”, Giám đốc điều hàng Kevin Miller của quỹ E-Valuator cho biết.
Theo số liệu từ Investment Company Institute, chỉ khoảng 67 tỷ USD mới đã chảy vào quỹ tương hỗ chứng khoán và trái phiếu vào năm 2018, giảm 637 tỷ USD so với năm 2008.
“Một số nhà đầu tư sẽ không bao giờ quên được năm 2008 và họ đã thận trọng hơn”, Giám đốc điều hành Tony Bedikian thuộc ngân hàng Citizens Bank cho hay.
Ông Tony Bedikian cho biết thị trường đã có thời gian để phục hồi, nhưng sự tự tin của giới đầu tư còn rất yếu cho dù các cổ phiếu có sự phục hồi mạnh mẽ kể từ khi chạm đáy vào tháng 3/3009. Chỉ số chứng khoán Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều lên ngưỡng cao kỷ lục trong thời gian gần đây.
Giới đầu tư luôn dồn tiền vào bộ ngũ quyền lực của thị trường chứng khoán Mỹ như Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google Alphabet. Một số nhà đầu tư cũng đang cố gắng kiếm tiền vào các loại cổ phiếu được mệnh danh là “kỳ quặc”, bao gồm bitcoin và các đồng tiền điện tử khác.
Tuy nhiên, rất ít người đặt tiền vào các cổ phiếu kém tiếng. Thực chất, giới đầu tư đang chọn cho mình loại cổ phiếu ít rủi ro hơn.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang hoài nghi về chu kỳ tăng trưởng hiện có của thị trường chứng khoán Mỹ và cho rằng nguyên nhân khiến chứng khoán đang làm rất tốt trong thập kỷ qua là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) luôn giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp bất thường trong thời gian dài. FED đã tham gia vào chu kỳ nới lỏng định lượng khi mua vào 3,6 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản khác để đẩy lãi suất dài hạn xuống.
Sự kích thích này có thể tạo ra một môi trường dễ dãi cho đồng tiền và nhen nhóm vụ bong bóng tiếp theo, đặc biệt khi FED bắt đầu tăng lãi suất thêm 0,25% một lần nữa.
Chiến lược gia David Lafferty thuộc Natixis Investment Managers nhận định các nhà đầu tư trẻ tuổi bây giờ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ những gì họ đang đầu tư chứ không chú trọng vào lợi nhuận khổng lồ.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)