Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một cuộc khảo sát mới đây cho thấy khoảng một nửa người giàu có ở Trung Quốc đang cân nhắc việc rời khỏi quê hương di cư đến một đất nước khác.

Theo báo cáo khảo sát của Hurun Research Institute, công ty nghiên cứu về tài sản có trụ sở tại Trung Quốc, và Visas Consulting Group, một công ty tư vấn nhập cư, được thực hiện trên 224 người Trung Quốc có mức tài sản trung bình khoảng 4,5 triệu USD cho hay:

Những công dân giàu có của Trung Quốc muốn rời xa quê hương để tìm kiếm hệ thống giáo dục tốt hơn, chạy trốn khỏi các thành phố bị ô nhiễm và chính phủ nghiêm ngặt. Đặc biệt, họ đang tìm cách bảo vệ tài sản của mình. Theo báo cáo, tài sản ở nước ngoài chiếm trung bình 11% tổng tài sản của các triệu phú Trung Quốc.

Los Angeles là thành phố hàng đầu cho các triệu phú Trung Quốc mua bất động sản (Ảnh: Bloomberg)

Với hệ thống giáo dục vững mạnh, không khí trong sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt, đặc biệt là chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ đứng đầu danh sách các điểm đến được yêu thích nhất của giới giàu có trung Quốc năm thứ tư liên tiếp.

Cũng theo báo cáo, các đại gia Trung Quốc chi trung bình khoảng 800.000 USD để mua một tài sản ở nước ngoài. Los Angeles là thành phố hàng đầu cho các triệu phú quốc gia châu Á mua bất động sản, tiếp theo là New York, Boston và San Francisco. Đối với giới nhà giàu Trung Quốc, mua bất động sản ở nước ngoài là cách đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là có “quyền sở hữu vĩnh viễn”.

Tìm kiếm hệ thống giáo dục hiệu quả và cơ hội việc làm cho con cái

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Trong những động cơ thôi thúc giới nhà giàu mới nổi Trung Quốc muốn rời bỏ đất nước đi định cư ở nước ngoài, giáo dục và cơ hội việc làm cho con cái được đặt lên hàng đầu (chiếm 78%). Tiếp theo là môi trường đầu tư kinh tế và an ninh (73%), chất lượng y tế và các dịch vụ xã hội (18%).

Mặc dù trong năm 2014, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã dẫn đầu bảng xếp hạng Chương trình đánh giá học sinh toàn cầu (PISA) thuộc Hiệp hội các nước phát triển (OECD) về trình độ học môn toán, khoa học và sức đọc của học sinh ở độ tuổi 15. Nhưng thực tế cho thấy, bản thân người Trung Quốc không hề tin tưởng vào bảng xếp hạng này và đang không ngừng chỉ trích cách dạy, cách học làm thui chột óc sáng tạo ở Đại lục.

Các đại gia Trung Quốc tỏ ra cực kỳ hào phóng khi hiến tặng cho các trường đại học thuộc nhóm Ivy League (Ảnh minh họa: lacuarta.com)

Cũng bởi lý do đó mà giới nhà giàu ở đất nước này luôn tìm cách kiếm một chỗ con cái mình đi du học ở ngoại quốc. Trung Quốc là quốc gia có số sinh viên theo học tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Các đại gia Trung Quốc cũng tỏ ra cực kỳ hào phóng khi hiến tặng cho các trường đại học thuộc nhóm Ivy League (tên gọi của nhóm 8 trường hàng đầu nước Mỹ).

Trong đó, phải kể đến khoản tài trợ lớn nhất từ trước đến nay – 350 triệu USD cho trường Đại học Harvard của cựu sinh viên trường này – tỷ phú địa ốc Hongkong Gerald Chan vào tháng 9/2014; khoản tặng 15 triệu USD cho Đại học Harvard trong tháng 7/2014 của nhà sáng lập đế chế bất động sản Soho ở Trung Quốc, hai vợ chồng tỉ phú Phan Thạch Ngật và Trương Hân; hoặc món tiền 8.888.888USD do người sáng lập Quỹ đầu tư Hillhouse Capital Management – ông Lei Zhang tặng Đại học Yale hồi năm 2010.

Tìm cách bảo vệ tài sản

Vấn đề an ninh cũng là mối lo hàng đầu của các nhà giàu Trung Quốc, đặc biệt là những người giàu có do tham nhũng. Bởi vì Trung Quốc đang ngày càng mạnh tay đối với những tài sản bất chính và nạn tham nhũng nên những người giàu có liên quan mật thiết với chính trị ở nước này luôn nghĩ đến việc tìm kiếm những “thiên đường” an toàn hơn ở nước ngoài.

Đặc biệt, hiện tượng “lõa quan” – tức là quan chức chính phủ có gia đình sinh sống ở nước ngoài và sử dụng mối quan hệ đó để tuồn tài sản bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc, nhằm tránh bị phát hiện, điều tra, hoặc chuẩn bị ra nước ngoài sinh sống khi cần “hạ cánh”, gia tăng chóng mặt. Trong tháng 7/2014, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông nhận dạng được 2.190 vị, trong đó có 866 quan chức bị sa thải ngay.

Mặc cho những hình ảnh “đẹp” về một nền kinh tế đang tăng trưởng chóng mặt, người ta vẫn không thể phủ nhận được sự thực về những điều xấu xí đang tồn tại trong xã hội Trung Quốc Đại lục. (Ảnh: voa)

Nhìn chung, dù nguyên nhân những người giàu Trung Quốc muốn tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài là vì những lo ngại liên quan đến chính trị hay tìm kiếm môi trường giáo dục tốt cho con cái, hay vì tình trạng ô nhiễm đô thị nghiêm trọng, hay do sự quản lý nghiêm ngặt của Chính phủ… thì đây chắc chắn là một sự thất bại trong cải tạo chất lượng cuộc sống ở đất nước này. Mặc cho những hình ảnh “đẹp” về một nền kinh tế đang tăng trưởng chóng mặt, người ta vẫn không thể phủ nhận được sự thực về những điều xấu xí đang tồn tại trong xã hội Trung Quốc Đại lục.

Hiểu Minh