Nhật Bản nổi tiếng là một “quốc gia văn minh sạch sẽ”; không riêng gì thành phố Tokyo, dù đặt chân đến bất kỳ ngóc ngách nào trên nước Nhật, cũng thật khó để bạn tìm thấy một vẩn rác. Đây được xem là hệ quả của cuộc cải cách giáo dục đạo đức con người.
Nếu có cơ hội đến xứ sở hoa anh đào, bạn có thể dễ dàng bắt gặp một người Nhật dù già hay trẻ tự giác nhặt rác bỏ vào túi của mình hoặc đem đến thùng rác để bỏ. Những thùng rác công cộng ở đây hầu như đều được phân loại theo các ngăn như hộp, chai nhựa, túi ni-lon và rác thông thường. Điều này không chỉ giảm phần lớn áp lực cho các nhân viên thu gom rác mà còn góp phần làm cho môi trường sống thêm lành mạnh. Đây là lý do vì sao đường phố Nhật dù có ít thùng rác công cộng nhưng cảnh quan vẫn rất sạch sẽ và thoáng đãng.
Ngay những năm đầu lớp 1, các em nhỏ người Nhật đã được làm quen với việc trực nhật như lau sàn nhà, hành lang, phục vụ bữa ăn trưa cho bạn học và dọn nhà vệ sinh. Theo quy định của giáo dục Nhật Bản có 4 nội dung trọng yếu trong chương trình giáo dục đạo đức cho học sinh đó là: Đối với bản thân, phải độc lập, tự mình làm theo khả năng, sống điều độ, khiêm nhường; Đối với người khác phải lịch thiệp và trung thực trong giao tiếp và hành động; Đối với tự nhiên phải gìn giữ môi trường sống và trân quý các sinh linh; Đối với cộng đồng, xã hội phải giữ chữ tín, thượng tôn pháp luật và ý thức về bổn phận cống hiến.
Đây không phải chỉ thị từ chính phủ, nhưng mọi trường học trên toàn quốc đều tự giác tuân thủ quy tắc này. Có thể dễ dàng thấy trên các bộ truyện tranh hay phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật đều có hình ảnh các em học sinh đang hăng say lau dọn trường học. Người Nhật xem đây là cách hiệu quả để giáo dục con trẻ trở thành những người có trách nhiệm trong tương lai.
Tại Nhật Bản, bên dưới các công trình đang xây dựng, hoạt động buôn bán, vui chơi tập thể vẫn có thể diễn ra bình thường mà không bị ảnh hưởng bởi khói bụi hay các vật liệu xây dựng nguy hiểm. Lý do là tất cả các công trình đang xây đều được che chắn cẩn thận, đặc biệt bên ngoài còn được gắn các thiết bị báo ồn và rung để kiểm soát công trình. Vậy tại sao người Nhật lại xem trọng việc dọn dẹp đến vậy?
Tính trách nhiệm
Người Nhật cho rằng nếu bạn sử dụng một không gian cụ thể nào đó, bạn cần có trách nhiệm giữ sạch nơi đó cho đến khi rời đi. Xem ra, chính lối suy nghĩ này đã hình thành tính ngăn nắp và sạch sẽ cho những người dân đến từ xứ sở hoa anh đào.
Soji (dọn dẹp) trong tiếng Nhật có nguồn gốc từ những lời răn dạy của Đức Phật, nhắc nhở con người về tầm quan trọng của việc giữ gìn không gian xung quanh và cơ thể sạch sẽ.
Tính tối giản
Marie Kondo – một chuyên gia tư vấn dịch vụ dọn dẹp bắt đầu trở nên nổi tiếng tại Mỹ từ năm 2014 khi cuốn sách “The Life-Changing Magic of Tidying Up” (Tạm dịch: Phép thuật thay đổi cuộc sống nhờ việc dọn dẹp) của cô lọt top những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Điều bất ngờ là nó đã trở thành cuốn sách được hàng triệu người tìm kiếm trên toàn thế giới. Tại sao người Mỹ lại cần Marie Kondo lúc này?
Vài năm gần đây, nước Mỹ đang phải chứng kiến sự gia tăng mức tiêu thụ và đô thị hóa đại trà khiến người dân hình thành tư duy rằng càng nhiều càng đảm bảo cuộc sống tốt hơn. Jericho Apo, chiến lược gia kỹ thuật số của The Story Of Stuff chia sẻ với tờ HuffPost rằng: “Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế tiêu dùng và chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy vật. Chúng ta thường có xu hướng gắn giá trị bản thân đi kèm với những đồ vặt mà chúng ta sở hữu, đó là hậu quả của lối sống tiêu dùng tại thành phố này”.
Về cơ bản, mọi người đều đã tích lũy quá nhiều thứ, phần lớn không cần thiết nhưng lại không muốn bỏ đi. Theo Apo, lý do là bởi vì chúng ta gán ghép những gì chúng ta sở hữu với giá trị thành công của bản thân mình.
Người Mỹ chi tiêu rất nhiều cho việc mua sắm tiêu dùng. Theo báo cáo năm 2017 của tờ The Boston Globe, đàn ông Mỹ đã chi trả khoảng 26 triệu đô-la vào việc mua giày vào năm 2016, trong khi đó phụ nữ đã tiêu tốn hơn 30 triệu đô-la vào “phi vụ này”. Hãng thời trang The Balance báo cáo rằng doanh số của họ đã chạm mốc cao kỷ lục là 5,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ vào năm 2017.
Người Mỹ không phải là nhóm người duy nhất thích tích lũy và lưu giữ những sản phẩm thừa thãi không cần thiết. Sau nhiều năm đi đến nhiều quốc gia, Kondo chia sẻ rằng cô thấy rằng hầu hết mọi người trên khắp thế giới đều gặp phải khó khăn với việc dọn dẹp đồ đạc.
Marie Kondo chia sẻ về triết lý Wabi-sabi cổ xưa của người Nhật đã đem đến cho cô những trải nghiệm tuyệt vời về vẻ đẹp của sự giản đơn và điềm tĩnh, và đây cũng là “một trong những nguồn cảm hứng hình thành phương pháp dọn dẹp” của Marie Kondo. Wabi-sabi có nguồn gốc từ triết lý của Phật gia hướng dẫn con người tìm kiếm cái đẹp trong những điều không hoàn hảo, vô thường và không hoàn chỉnh.
Các phương pháp dọn dẹp của Kondo không nhất thiết yêu cầu sự đột phá, mới mẻ; chỉ đơn giản là nếu bạn yêu thích chiếc áo len, chiếc quần dài, hay bất cứ thứ gì bạn có thể giữ lại, nhưng nếu nó không có ích gì đối với bạn, bạn có thể gửi lời cảm ơn nó vì đã phục vụ và sau đó để nó rời đi.
John Lie, Giáo sư xã hội học tại Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Califonia, Berkeley giải thích rằng điều này có thể là kết quả của việc xem trọng Thiền định trong nền văn hóa Nhật, coi trọng chủ nghĩa tối giản.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Trường Đại học kinh doanh Harvard đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị:
Những người thành công có cảm giác hạnh phúc mạnh mẽ thường thì nhà của họ vô cùng sạch sẽ, ngăn nắp, Còn những người bất hạnh thường sống trong môi trường bừa bộn, bẩn thỉu.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, môi trường sống lộn xộn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trí não, gây căng thẳng và làm tổn hại sức khỏe tinh thần… Vậy nên bạn còn chần chừ gì nữa mà không lo dọn dẹp ngôi nhà hay căn phòng của mình trở thành một nơi đáng để sống, đáng để ở và đáng để thư giãn. Cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn nếu ta biết cách biến mình trở thành người hạnh phúc.
Hồng Tâm