Trước những công trình kiến trúc thời cổ đại như cung điện, nha môn, lăng tẩm, lâm viên, cầu… thường bài trí một cặp sư tử đá ở hai bên trái phải. Trong sách «Vấn kiến ngẫu lục» của Chu Tượng Hiền đời triều Thanh cũng ghi lại: “Hai bên cửa các nha môn lăng tẩm có bài trí con vật bằng đá, lông quăn mắt to, miệng giương vuốt giơ, người ta thường gọi là sư tử đá”.

Nguồn gốc sư tử có liên quan đến Phật giáo

Sư tử có hình dáng oai nghiêm, lông màu nâu nhạt, sư tử đực phần gáy có bờm dài, tiếng rống rất lớn, sinh sống ở châu Phi và phía Tây Á. Mồi của chúng có nhiều loại động vật to lớn như ngựa vằn, hươu cao cổ, linh dương…, được mệnh danh là “chúa sơn lâm”. Nguồn gốc của sư tử không phải ở Trung Quốc, tại sao lại xuất hiện phổ biến trong văn hóa Trung Quốc như vậy?

Theo tài liệu lịch sử ghi chép lại, chuyện sư tử xâm nhập vào Trung Quốc khởi đầu từ khi Hán Vũ Đế phái Trương Khiên đi sứ Tây Vực, mở rộng quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Tây Vực. Trong «Hậu Hán thư – Quyển 88 – Tây Vực truyện» có ghi: “Năm đầu Chương Đế – Chương Hòa, nước Parthia cho sứ giả đến dâng sư tử, phù bạt. Phù bạt trông giống kỳ lân nhưng không có sừng”.

Cùng với đạo Phật du nhập vào Trung Quốc, con sư tử dần thay thế địa vị của con hổ, trở thành vua của các loài vật. Trong «Cảnh Đức truyền đăng lục» của thiền sư Đạo Nguyên có ghi: “Khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni giáng sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, nói như tiếng gầm sư tử: Trên trời dưới trời, chỉ có ta là độc tôn”. Sau này “sư tử gầm” dùng để so sánh với Phật Đà thuyết pháp, có thần uy làm kinh sợ mọi tà thuyết. Còn hình tượng con sư tử ngày càng quan trọng, được tín đồ Phật giáo xem là thần thú trang nghiêm mang đến may mắn.

Tại sao trước công trình kiến trúc thời cổ đại thường bài trí cặp sư tử đá?

Do việc sùng bái sư tử, mọi người xem sư tử là con vật đem lại may mắn, vừa tôn quý lại trang nghiêm, từ đó nhanh chóng thành đề tài của nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc. Từ đây các lăng tẩm vua chúa, vườn mộ nhà quý tộc quyền thế bắt đầu có hình ảnh sư tử đá. Vào khi đó việc sử dụng sư tử đá chưa phổ biến, chỉ xuất hiện trước lăng tẩm, nhà mồ, thường bố trí cùng ngựa đá, dê đá nhằm tạo uy nghiêm để mọi người kính sợ.

Sau thời Đường – Tống, sư tử đá được phổ biến rộng rãi trong dân gian, trước cửa chính bài trí sư tử đá cũng giống như trên cửa dán Môn Thần, ngoài mục đích để xua đuổi ma quỷ cũng là cách trang trí mang lại vẻ đẹp. Mỗi triều đại tạo hình sư tử đá lại có những khác biệt, nhưng đến triều nhà Thanh, trạm khắc sư tử đá về cơ bản đã được định hình. Thời Hán – Đường, tạo hình sư tử đá trông dũng mãnh oai phong, triều Nguyên thì trông gầy nhưng hùng tráng đầy sức sống, Minh – Thanh thì trông có vẻ hòa nhã.

Trạm khắc sư tử đá trong các thời đại khác nhau thể hiện những đặc điểm khác nhau. Ngoài ra sư tử đá còn mang tính địa phương vùng miền, như sư tử phía nam khác phía bắc. Sư tử phía bắc trạm khắc đơn giản hơn nhưng trông hùng dũng uy nghiêm; sư tử phía nam trạm khắc phức tạp hơn, trông sống động mềm mại hơn.

Người xưa cho rằng vạn vật có âm có dương, theo tiêu chí âm dương hài hòa nên sư tử đá cũng có quy củ nhất định. Thông thường là một đực một cái, đực bên trái cái bên phải, phù hợp với thuyết âm dương nam tả nữ hữu. Trong dân gian, sư tử đá có ý nghĩa trừ tà, thường để giữ cửa. Thường thường sư tử đực bài trí bên trái cửa, dưới chân có quả tú cầu, biểu hiện cho quyền lực vô hạn; sư tử cái bên phải ở dưới chân có sư tử con, biểu trưng cho con cháu đủ đầy.

Người xưa xem sư tử đá là biểu tượng của may mắn, ngoài dùng trấn nơi ở trừ tà, trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc còn áp dụng như nghệ thuật trang sức. Ví dụ cầu Lư Câu ở Bắc Kinh khắc hơn 400 con sư tử đá lớn nhỏ đủ loại, có đực có cái, sinh động giống như thật.

Cầu Lư Câu ở Bắc Kinh. (Ảnh: wiki)
Cầu Lư Câu ở Bắc Kinh. (Ảnh: wiki)

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: