Ước mơ lớn nhất của người nội trợ là gì? Được làm bếp trưởng trong một khách sạn sang trọng và xa hoa; đạt giải quán quân trong cuộc thi “Vua đầu bếp” danh giá; hay làm ông chủ của cả chuỗi nhà hàng lừng lẫy, tiếng tăm? Riêng đối với đầu bếp Narayanan Krishnan, giấc mơ của anh là được nấu ăn phục vụ người nghèo.

Narayanan Krishnan xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp chủ lưu của Ấn Độ. Sinh năm 1981 tại thành phố Madurai thuộc bang Tamil Nadu, anh từng là đầu bếp có tiếng của chuỗi khách sạn 5 sao Taj Hotel ở thành phố Bangalore. Khi mới hơn 20 tuổi, Krishnan có trong tay cơ hội được làm bếp trưởng cho một khách sạn lớn tại Thụy Sỹ. Tương lai sáng lạn, con đường sự nghiệp cũng mở rộng thênh thang, Krishnan dường như đã có tất cả những gì mà một người đầu bếp hằng ao ước. Thế nhưng, đây mới là lúc anh nhận ra sứ mệnh chân chính của cuộc đời mình.

Narayanan Krishnan (Ảnh: Akshaya Trust, Facebook)
Narayanan Krishnan (Ảnh: Akshaya Trust, Facebook)

Đó là một ngày vào năm 2002, Krishnan trở về quê hương để tạm biệt cha mẹ trước khi khởi hành sang châu Âu. Trên con đường dẫn tới ngôi đền lịch sử Meenakshi nằm giữa thành phố Madurai, anh vô tình gặp một ông lão vô gia cư. Hình ảnh những người vô gia cư sống vất vưởng trên các đường phố Ấn Độ không còn là điều hiếm gặp. Nhưng, chứng kiến ông lão ăn chất thải của chính mình vì quá đói đã khiến Krishnan hoàn toàn chấn động.

“Tôi bước vào khách sạn gần đó và hỏi họ còn đồ ăn nào không. Họ có bánh idli, tôi đã mua và mang đến cho ông. Hãy tin tôi, tôi chưa từng thấy một ai ăn ngấu nghiến đến vậy. Khi ông ngoạm chiếc bánh, đôi mắt ông đẫm lệ. Đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc”, Krishnan kể lại.

(Ảnh minh họa: Twitter)
(Ảnh minh họa: Twitter)

Sau này, khi chia sẻ với các kênh truyền thông, anh nói: “Tôi đã mất ngủ cả đêm hôm đó bởi hình ảnh ông lão cứ chờn vờn trong tâm trí tôi”. “Đêm ấy tôi nghĩ rằng, mình đang làm gì thế này? Tôi đang bán một đĩa cơm chiên với giá 10 đô la trong khách sạn – nơi mọi người đến để thưởng thức vì muốn được vui vẻ và giải trí – chứ không phải vì đói. Họ chỉ ăn một nửa và bỏ nửa còn lại trên đĩa. Đó là tia lửa, một tia lửa mạnh mẽ trong tôi”, Krishnan tâm sự. “Tia lửa và nguồn cảm hứng ấy chính là động lực thôi thúc tôi giống như một ngọn lửa – để phục vụ tất cả những người khốn cùng, những người mắc bệnh tâm thần, và những ai không thể chăm sóc cho chính mình”.

Đối với Krishnan, cuộc sống của ông là để phục vụ tất cả những người khốn cùng, những người mắc bệnh tâm thần, và những ai không thể chăm sóc cho chính mình... (Ảnh: @Chopsyturvey, Twitter)
Đối với Krishnan, cuộc sống của anh là để phục vụ tất cả những người khốn cùng, những người mắc bệnh tâm thần, và những ai không thể chăm sóc cho chính mình… (Ảnh: @Chopsyturvey, Twitter)

Và như thế, người đầu bếp sáng giá quyết định rời bỏ đỉnh cao sự nghiệp để trở về quê nhà và nấu ăn cứu lấy người nghèo. Trong vòng một tuần sau đó, anh nộp đơn xin thôi việc, đồng thời hủy công việc hứa hẹn tại Thụy Sỹ. Quyết định này để lại cho cha mẹ của Krishnan một nỗi thất vọng lớn lao, nhưng sau đó, công việc cao quý của anh đã khiến họ hoàn toàn thuyết phục. “Tôi nói với mẹ rằng, ‘xin hãy đi cùng con và hãy xem việc con đang làm’. Sau khi trở về nhà, mẹ tôi nói: ‘Con đã nuôi sống tất cả những người ấy, suốt phần đời còn lại, mẹ sẽ nuôi dưỡng con’. Tôi sống là vì Akshaya. Còn cha mẹ thì chăm sóc cho tôi”.

(Ảnh: akshayatrust.org)
(Ảnh: akshayatrust.org)

Trong suốt hai tháng đầu, Krishnan lái xe khắp thành phố Madurai để phân phát thức ăn cho những con người dưới đáy xã hội. Anh sử dụng tiền tiết kiệm cá nhân để mua nguyên liệu và mượn phòng bếp của cha mẹ để nấu nướng. Một mình vào bếp, Krishnan vẫn có thể chuẩn bị đầy đủ 3 bữa ăn mỗi ngày với khẩu phần cho khoảng 30 người. Nhưng bấy nhiêu vẫn là con số quá nhỏ, bởi có ít nhất 400 người vô gia cư, người cơ nhỡ, và người già không nơi nương tựa sống trong cảnh màn trời chiếu đất ở Madurai.

Năm 2003, Krishnan thành lập tổ chức phi lợi nhuận Akshaya Trust với sứ mệnh mang lại cái ăn, cái mặc cho những người vô gia cư ở Ấn Độ. Anh cho biết, cái tên “Akshaya” trong tiếng Phạn nghĩa là “bất diệt”. Anh lựa chọn cái tên này để gửi gắm thông điệp rằng, lòng nhân ái nên là điều trường tồn mãi mãi. Thêm vào đó, thần thoại của người Hindu cũng kể về “chiếc bát Akshaya” của Nữ thần Annapoorani – đó là chiếc bát giúp thỏa mãn cơn đói và không bao giờ vơi cạn.

Akshaya Trust - nơi đem lại hy vọng cho những người vô gia cư ở Madurai, Ấn Độ (Ảnh: AkshayaTrust, Facebook)
Akshaya Trust – nơi đem lại hy vọng cho những người vô gia cư ở Madurai, Ấn Độ (Ảnh: AkshayaTrust, Facebook)

Mỗi ngày, Krishnan đều dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa ăn. Sau đó, cùng với nhóm tình nguyện của mình, anh lại chở thức ăn đi khắp thành phố để phân phát cho những người có nhu cầu. Cho dù ngày nắng hay mưa, anh đều kiên trì làm việc bởi “nếu tôi để họ đói trong một ngày thôi, họ sẽ lại tìm đến thùng rác để kiếm ăn”. Trên con đường tận tụy của mình, Krishnan đã gặp những người bần cùng và khốn khổ nhất. Có những người vẫn đủ tỉnh táo để nhớ được mình là ai, nhưng cũng có những người không còn biết tên gọi của chính mình; có những người từng bị ngược đãi, bị bỏ rơi, bị đánh đập, và bị khước từ bởi chính gia đình của họ; một số mỉm cười khi nhận đồ ăn từ Krishnan, nhưng cũng có một số không đủ tỉnh táo để biết rằng họ đang cầm đồ ăn trên tay…

(Ảnh: AkshayaTrust, Facebook)
(Ảnh: AkshayaTrust, Facebook)

Trong 13 năm cần mẫn phục vụ, Krishnan đã mang đến hàng triệu bữa ăn cho hơn 400 người vô gia cư tại Madurai. Nhưng anh còn muốn làm nhiều điều hơn thế. Krishnan cho biết, anh thường mang theo mình lược chải đầu, kéo cắt tóc, và dao cạo râu để giúp họ có được diện mạo mới. Với ước mơ đem lại mái ấm và làm nơi nương tựa cho những người cơ nhỡ, anh đã xây dựng khu nhà ở Akshaya Home vào năm 2013. Khoảng 450 người từng sống lang bạt trên hè phố đã được đưa về chăm sóc tại đây. Họ được cung cấp đồ ăn, nước uống, quần áo, được khám và điều trị y tế, và được đào tạo việc làm.

“Đồ ăn chỉ là một phần, còn tình yêu lại là một phần khác. Tôi đã cắt tóc, cạo râu, và giúp họ được tắm gội. Đối với họ, điều đó mang lại cảm nhận rằng họ cũng là một con người, vẫn có nhiều người quan tâm đến họ, họ có được một bàn tay để nắm lấy và một hy vọng để tiếp tục sống. Vì thế, thức ăn sẽ cho họ dinh dưỡng về mặt thể chất. Còn yêu thương và tình cảm mà bạn thể hiện sẽ cho họ dĩnh dưỡng về mặt tinh thần”, Krishnan nói.

Năm 2010, Krishnan được CNN bình chọn là một trong 10 anh hùng “CNN Heroes” của năm. Câu chuyện của Krishnan kể với chúng ta rằng, “anh hùng” rất có thể là những con người bình dị giữa đời thường. Họ không cao sang, không quyền quý, không hào hoa hay nổi bật; mà có lẽ chỉ âm thầm mang hơi ấm của mình để thế giới này ngày một tốt đẹp hơn lên.

Đoạn phóng sự về anh hùng Krishnan của CNN trên Youtube:

Hồng Liên

Xem thêm: