Đôi nét về tác giả: Tác giả Phạm Hoàng Hải sinh năm 1948 tại Hà Nội, còn có bút danh là Hoàng Đại Dương. Ông từng công tác tại NXB Thế giới và là thư ký tòa soạn tạp chí Vietnam Cultural Window.
“Mọi người dừng lại nghe ngóng, mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, tưởng rằng hổ đã vồ mất thợ săn. Sợ quá, chúng tôi bảo nhau tản ra trèo lên cây phòng hổ quay lại. Bỗng, có người phát hiện thấy xác một con hổ rõ to. Lại gần con thú, người ta mới nhận ra một cái bẫy bằng dây rừng nối với một khẩu súng kíp đã lên đạn sẵn, buộc chặt vào thân cây. Hổ vấp phải dây, đạn bắn trúng vào sọ chết ngay tại chỗ”.
Lời bình của nhà giáo Thái Quang Vinh:
“Ban đầu, đọc những con số lạnh lùng chỉ cần thiết cho các nhà khoa học và các bản báo cáo, tôi không muốn đọc nữa, cứ muốn tìm những tác phẩm khác, có cái lạ, có cái hợp gu hơn.
Tội tình gì trong cái thời buổi thông tin chật đầy trên mạng…
Vâng, có bao nhiêu thứ lạ, chỉ cần xem qua…
Nhưng thật bất ngờ! Phần sau của tác phẩm này mới thật đáng giá.
Những câu chuyện chân thực nơi miền núi xa lạ về những con người cứ ngỡ như vừa bước ra từ thuở hồng hoang của Trái đất. Tôi cảm nhận rằng những gì thuộc về quá khứ của núi rừng hoang sơ, của thú vật mới cho ta những giá trị đáng sống.
Hình như tác giả cũng ngậm ngùi:
“Nghe kể những câu chuyện sống động đến từng chi tiết như trong phim bom tấn, cứ ngỡ mọi chuyện chỉ vừa mới xảy ra hôm qua hôm kia thôi. Nhưng rồi chợt nhận ra, tất cả đều là kí ức của núi rừng bí ẩn, âm u huyền thoại, nơi có thú dữ, có ma thiêng, có những nàng tiên, bà chúa thượng ngàn và có cả những kho báu vô hình mà từ ngàn xưa loài người từ đó bước ra. Cùng với cái chết của những con thú hoang dã, những cánh rừng ôm trọn bóng hình huyền thoại cũng đang chết dần trong tiềm thức của loài người hiện đại, những con người đang chạy đua trên những cung đường cao tốc tiến đến những cao ốc bê tông lạnh lẽo, không kí ức, không kỉ niệm và cũng chẳng có chút mộng mơ”.
Con người tưởng mình văn minh. Thực ra, đã đến lúc họ cần thấm thía câu chuyện Trương Quả Lão trong Bát Tiên cưỡi lừa ngược. Vị Tiên ấy đang gửi một thông điệp cho con người hôm nay: “Tiến lên cũng chính là thụt lùi”.
Sau những câu chuyện, có một dư âm hoang hoải… Nó khiến chúng ta ngậm ngùi, khắc khoải, đau đáu hoài bão một ước mơ trở về… Nếu chưa có cách thoát khỏi chốn phồn hoa hỗn loạn nơi hồng trần, nếu vẫn phải nhốt mình trong nỗi cô đơn giữa những khối bê-tông câm lặng. Hãy làm vị lữ khách thong dong về chốn miền rừng xưa và để văn chương dẫn lối. Xin hãy đọc hết tác phẩm này, sẽ rất ý vị đó!”
*****
Từ Sapa nhìn ra những mảnh rừng xanh, ôm lấy núi rừng trùng trùng điệp điệp, nhiều du khách phân vân tự hỏi: “Liệu bên dưới những tán cây rậm rạp đó có còn thú rừng không nhỉ? Đêm đêm, lợn lòi hổ báo có còn tìm xuống bản kiếm ăn nữa không?”
Để trả lời những câu hỏi này xin giới thiệu các bạn một số nội dung trích ra từ “Báo cáo kỹ thuật số 13” của Chương trình Nghiên cứu rừng Frontier-Việt Nam, với sự cộng tác của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, công bố vào năm 1998.
Tại khu bảo tồn Hoàng Liên Sơn, 2 tổ chức này đã tiến hành 4 đợt nghiên cứu về đa dạng sinh học núi rừng tại đây. Các chuyên gia đã đặt bẫy thú nhỏ, chăng lưới bắt dơi, quan sát dấu vết trực tiếp, gián tiếp và phỏng vấn những thợ săn thông thạo. Kết quả là người ta đã nhận dạng được 66 loài thú, trong đó có 31 loài thú nhỏ bị sập bẫy, 17 loài dơi sa lưới, 5 loài được quan sát thấy và 1 loài để lại dấu vết. Tuy nhiên, họ không phát hiện thấy có con thú lớn nào, mặc dù vẫn còn một số rất ít đang ở đâu đó trong những hẻm núi xa xôi hiểm trở. Theo lời kể của các thợ săn, trong khu rừng này có khoảng 34 loài thú. Trước đây, họ từng bắn cả hổ và báo mây, nhưng từ rất lâu rồi họ không còn gặp chúng nữa.
Trong các loài thú còn tồn tại ở Hoàng Liên Sơn, có 16 loài hiện đang nằm trong danh sách đỏ những loài động vật bị đe dọa. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến 3 loài là: Vượn đen, cu li nhỏ và gấu đen châu Á.
Vượn đen có tên khoa học là Hylobates concolor, loài này gần như đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, trong nhà của một vài thợ săn, người ta vẫn có thể trông thấy bộ da của loài thú này. Một nhân viên kiểm lâm tại đây kể rằng, năm 1998, vẫn còn được nghe thấy tiếng hú của vượn đen trong khu rừng già gần bản Khoang.
Cu li nhỏ có tên khoa học là Nyticebus pygmaeus, thường bị săn bắt để bán làm cảnh. Loài này thường sinh sống trong các khu rừng ven chân núi, nhưng sau này những nơi này thường bị khai hoang để trồng trọt nên chúng cũng dần mất đi môi trường sống của mình.
Gấu đen châu Á có tên khoa học là Ursus thibetanus. Khoảng 7 năm về trước, các phóng viên địa phương vẫn có thể chụp được những tấm ảnh thợ săn đang bắt hoặc giết một con gấu loại này. Tại một số nhà dân vẫn còn giữ những bộ da trên vách tường hay những bộ bàn chân, móng vuốt gấu đen được ngâm làm rượu bổ. Một thợ săn H’mông kể rằng, anh đã bẫy được một con gấu khá lớn ngay tại nương ngô gần thôn Séo Mí Tỷ hồi năm 1995. Tháng 2/1995, một người H’mông ở thôn Tả Van bắt được con gấu 25kg, anh ta đem bán với giá 380 USD (khoảng hơn 7 triệu đồng). Còn ở Trung Quốc, con gấu này phải có giá tới 1.150 USD. Người ta ước tính, mỗi năm có khoảng 5 con gấu bị bắt ở Hoàng Liên Sơn và cho đến nay, loài gấu này rất hiếm khi xuất hiện.
Cách đây hơn 10 năm, trong những phiên chợ Sapa, người ta bày bán rất nhiều culi, sóc và khỉ trong những chiếc lồng. Nhiều khách thậm chí còn mua được cả sừng sơn dương và da báo nhỏ. Vậy nhưng 5-6 năm đổ lại đây, người ta chỉ thấy những chiếc sừng hoẵng ngẳn chừng gang tay. Cho tới thời điểm hiện tại, tôi có anh bạn làm họa sỹ, lên Sapa đi khắp nơi cũng chỉ mua được đôi sừng trâu. Nghe người ta giới thiệu là sừng trâu rừng, nhưng lúc đem về hỏi, mới té ra là bộ sừng sần sùi của một con trâu đã quá già. Tuy vậy, anh chàng vẫn đắc chí mua về treo trên đầu giường cưới cho “ấn tượng”.
Thực ra cách đây không lâu, Sapa vẫn còn là thiên đường của thú rừng. Người H’mông ở Sapa có câu tục ngữ: “Chăn nuôi trong nhà là việc của đàn bà, vào rừng săn thú là việc của đàn ông”. Chỉ vài năm trước, người ta vẫn thấy cảnh những người đàn ông dân tộc Dao hay H’mông, dù là lúc đưa vợ con đi chợ vẫn đeo trên vai một khẩu súng kíp và một túi đạn thuốc. Trên đường đi, gặp chồn cáo, chim chóc là họ kê súng lên vai bắn liền. Bây giờ, không còn thấy ai đeo súng nữa, tức là chẳng còn gì để bắn hay việc kêu gọi bảo vệ thú hoang đã có hiệu quả rồi chăng? Và có lẽ cũng chính bởi vậy mà những kí ức về thời núi rừng ngày ấy được đám đàn ông trong bản kể lại với sự luyến tiếc và xót xa.
Một cụ ông gần 90 tuổi, từng là chiến sỹ Điện Biên, hiện đang sống trên sườn núi ở khu dốc Trạm Tôn, nơi tiếp giáp giữa Lào Cai và Lai Châu chỉ tay về phía đáy thung lũng Ô Quy Hồ kể lại: “Ngày ấy, con đường nhựa dưới kia mới chỉ là con đường mòn. Cây rừng hai bên đan cành vào nhau, không nhìn thấy trời. Mỗi nhóm ít nhất có 5-6 người, đi kề lưng vào nhau, cầm giáo, chĩa theo phòng hổ vồ. Hồi chiến dịch bom đạn, người chết nhiều, đâm ra hổ nó mới quen ăn thịt người. Một buổi chiều muộn, khi chúng tôi đang đi bỗng nghe tiếng súng nổ rồi sau là tiếng hổ gầm. Mọi người dừng lại nghe ngóng, mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, tưởng rằng hổ đã vồ mất thợ săn. Sợ quá, chúng tôi bảo nhau tản ra trèo lên cây phòng hổ quay lại. Bỗng, có người phát hiện thấy xác một con hổ rõ to. Lại gần con thú, người ta mới nhận ra một cái bẫy bằng dây rừng nối với một khẩu súng kíp đã lên đạn sẵn, buộc chặt vào thân cây. Hổ vấp phải dây, đạn bắn trúng vào sọ chết ngay tại chỗ. Cả đám hoảng hồn, chỉ đi sớm chút nữa thì không gặp hổ cũng vướng bẫy mà ăn đạn. Con hổ này to lắm, sáu người khiêng còn nặng. Người ta mổ thịt ăn, còn bộ da nghe đâu có người bên Bình Lư sang mua. Ngày ấy người ở đây chưa biết nấu cao, xương xẩu vứt lung tung cả, bây giờ mà còn thì được cả khối tiền chứ ít à”.
Một người đàn ông dân tộc Giáy, chừng độ 40 tuổi cũng kể lại câu chuyện ly kỳ về cuộc đi săn sơn dương mà anh được nghe hồi nhỏ. Thuở đó, ngày nào anh cũng cùng lũ trẻ trong bản vào rừng. Thời đó, lũ nhóc cứ vào rừng kiếm được gánh củi con con đem về là ngoan lắm. Mùa xuân đến, anh thường rũ lũ bạn đi vào những cánh rừng tre gai kiếm măng đem xuống chợ đổi lấy mấy món quà bánh lặt vặt. Nô đùa, chạy trốn trong rừng đối với đám trẻ như anh thì còn gì thích bằng. Một buổi theo nhau rong ruổi vào tít vạt rừng sâu trên sườn núi cao, đám trẻ gặp một người đàn ông H’mông đang nằm chết ngất, tay ôm chặt khẩu súng kíp. Mấy đứa ở lại canh chừng, còn anh chạy về tìm người lớn. Khi anh quay trở lại, thấy người đàn ông đã tỉnh nhưng người đàn ông cứ khóc nấc lên, tay vẫn ôm khẩu súng, người run lên bần bật. Mọi người phải lấy võng khiêng về. Sau này, anh nghe bố mẹ kể lại mới rõ đầu đuôi câu chuyện.
Hôm đó, người đàn ông dắt chó săn của mình đi theo dấu chân một con sơn dương già rất to. Tốn công rình mò lắm ông ấy mới tiếp xúc gần con vật được. Ai trong bản cũng biết ông có con chó săn vừa to vừa khỏe, rất giỏi săn mồi, cũng nhờ nó mà ông đã hạ được nhiều con thú lớn. Thoáng đánh hơi thấy con mồi, con chó của ông lao lên, đuổi theo sơn dương rồi mất hút sau đám cây rừng. Băng qua khu cành lá rậm rạp, phải mất một lúc sau ông mới đuổi theo được hai con vật. Lúc này, con chó săn của ông đang ghìm chân, đứng gầm ghè đối diện với con mồi to lớn cũng đang chĩa sừng ra đe dọa. Cả hai con vật giữ thế thủ, không nhúc nhích. Thấy có chủ đến, chó săn bật lên, lao vào đối thủ. Bị dồn vào bước đường cùng, sơn dương già liều mình húc thẳng vào con chó. Người thợ săn thấy rõ con chó săn quý của mình bị hất tung lên, rồi giãy mình rơi xuống. Nhưng lạ thay, tiếng chu thảm thiết của nó cứ xa dần, xa dần nhưng mãi vẫn chưa dứt hẳn. Ngay lập tức, người thợ săn phát hiện ra, ông đang đứng mấp mé bên một chiếc vực sâu có mép thẳng đứng, nhưng lá cây phủ kín nên ông không biết. Sau đó, ông nghe thấy con chó quý của mình kêu lên một tiếng thảm thiết rồi mất hút dưới đáy vực sâu thẳm. Thương chó, người thợ săn nhắm thẳng con thú lớn, siết mạnh tay cò. Vậy là, sơn dương già cũng theo đó ngã nhào xuống sau làn khói súng, tiếng kêu của nó cũng thảm thiết vọng mãi, vọng mãi rồi mới dứt. Khói súng tan đi, người thợ săn mới thấy nổi gai ốc khi trông xuống vực sâu thăm thẳm ngay dưới chân mình.
Choáng váng vì sợ hãi, ông ta lăn ra bất tỉnh nhân sự. Đến lúc tỉnh lại, không hiểu sao trở nên phát rồ phát dại. Có lẽ, một phần vì thương con chó quý, một phần vì tiếc con thú lớn bị bắn hạ mà không thu được xác. Ông biết rõ nếu muốn tới đáy vực, phải phát cây rừng, tìm đường đi vòng sang sườn núi bên kia rồi thả mình theo các vách núi ít dốc hơn mà lần xuống. Nhưng dù đi nhanh cỡ nào, cũng phải mất trọn hai ngày đêm. Ai cũng biết đến được đáy vực đã khó, việc tìm xác của hai con thú giữa các khe núi hiểm hóc, chìm nghỉm trong đám cây lá lại còn khó hơn, đó dường như là chuyện không tưởng.
Từ sau chuyện đó, lũ trẻ bị bố mẹ cấm không cho vào cánh rừng già nguy hiểm ấy nữa. Lúc nghe anh bạn người Giáy kể câu chuyện này, cánh rừng đó còn nằm sau một dải mây lớn, trắng xốp, lơ lửng ngang trời như một dải lụa mềm hòa cùng những tia nắng ấm áp của Mặt trời tháng Tư.
Còn câu chuyện khác cũng ly kỳ không kém, kể về hai cậu bé bị đưa đi cấp cứu gấp vì căn bệnh lạ. Một cu cậu thì bỗng nhiên da dẻ nứt nở, mủ vàng chảy ra ròng ròng; cậu bé kia thì bụng trương lên như người có chửa, chỉ nằm mà thở không ra hơi. Chẳng ai biết hai cậu bé mắc bệnh lạ gì, gia đình phải khiêng gấp ra bệnh viện. Đến nơi, vị bác sỹ già không khám bệnh mà lại lần hỏi chuyện với hai đứa nhỏ, sau một lúc thì tìm ra căn nguyên của bệnh.
Thời gian đó đang mùa lũ, mưa dai dẳng mấy ngày không dứt. Nắng vừa lên, hai cậu nhóc rủ nhau vào rừng chơi, đến ven suối phát hiện ra con hươu đực bị trúng thương đang kẹt trong khe đá. Chắc nó đã cố chạy nhưng nước lũ cao quá nên bị kẹt lại ở đó. Chúng nghe người lớn nói, gạc hươu bổ, ăn vào vừa khỏe vừa sống lâu. Nên thấy con hươu có đôi gạc non to, chúng bàn nhau lấy dao rừng cắt đầu con hươu, về nhà lấy nồi đem vào rừng thổi lửa hầm rồi cùng nhau ăn uống một bữa no nê.
Vậy là chuyện đã rõ. Ai cũng biết, nhung hươu là một chất bổ cực mạnh, thường dùng cho những người già, mỗi liều chỉ dùng chút xíu. Hai cậu nhỏ không biết, ăn một lúc hết cả đôi gạc to của con hươu rừng, vậy nên da dẻ nứt toác, bụng trương phình lên cũng không có gì là khó hiểu.
Cũng còn vài câu chuyện nữa về việc ăn thú rừng ở Sapa. Ngày ấy, ở bản Hồ có người bắn được một con gấu mèo. Có ông khách ở Tả Van đi chơi qua đó, được mời ở lại qua đêm ăn thịt gấu. Con gấu này bị trúng mấy phát đạn, thủng túi mật, nước mật chảy ra bám đầy vào gan. Khi làm thịt người ta vẫn cố vét lấy nước mật, cho vào hũ rượu để dành làm thuốc, còn bộ gan to thì ai nếm cũng lắc đầu vì đắng quá không nuốt nổi. Không biết vì tiếc rẻ mấy miếng gan hay vì ham mật gấu bổ gân bổ xương, ông khách vẫn cắn răng chịu đựng ăn hết mấy miếng gan to đặt trên mảnh lá chuối ở góc mâm. Rượu thịt no say, sáng ra chủ khách lưu luyến tiễn nhau ra về. Mãi mấy ngày sau, những người săn gấu ở bản Hồ mới hay tin ông khách quý hôm đó bị bục dạ dày. Chắc tại mật gấu nóng quá, ông ấy ăn nhiều gan lại uống thêm rượu như vậy, dạ dày nào chịu cho nổi.
Nghe kể những câu chuyện sống động đến từng chi tiết như trong phim bom tấn cứ ngỡ mọi chuyện chỉ vừa mới xảy ra hôm qua hôm kia thôi. Nhưng rồi chợt nhận ra, tất cả đều là kí ức của núi rừng bí ẩn, âm u huyền thoại, nơi có thú dữ, có ma thiêng, có những nàng tiên, bà chúa thượng ngàn và có cả những kho báu vô hình mà từ ngàn xưa loài người từ đó bước ra. Cùng với cái chết của những con thú hoang dã, những cánh rừng ôm trọn bóng hình huyền thoại cũng đang chết dần trong tiềm thức của loài người hiện đại, những con người đang chạy đua trên những cung đường cao tốc tiến đến những cao ốc bê tông lạnh lẽo, không kí ức, không kỉ niệm và cũng chẳng có chút mộng mơ. Nhưng ít ra, chúng ta vẫn còn được an ủi vì vẫn còn được ngồi đây, bên những ánh lửa bập bùng đầy những trăng sao của đất trời Sapa tươi đẹp này, mà nghe chuyện của những ngày xưa.
Hoàng Đại Dương
Nhà văn, nguyên Thư ký toà soạn báo Vietnam Cultural Window