Khi nhìn thấy cô Shanti Devi chuẩn bị vật lộn với chiếc lốp xe tải khổng lồ, các thợ cơ khí cũng như khách hàng trong xưởng sửa chữa xe nhanh chóng chạy tới trợ giúp. Nhưng mọi người ngay lập tức lùi lại trước những động tác thuần thục và nhẹ nhàng của người phụ nữ trong trang phục sari truyền thống này.
Hai mươi năm trước, Shanti cùng chồng của cô, anh Ram đã từ Madhya Pradesh chuyển tới sinh sống tại Delhi. Để trang trải cho cuộc sống của mình, chồng của Shanti đã làm rất nhiều nghề nghiệp: từ kéo xe cho tới làm nông nghiệp. Tuy nhiên, hai vợ chồng cô chưa bao giờ có được mức thu nhập cần thiết. Hai người đã quyết định mở một quán trà tại Sanjay Gandhi Transport Nagar (SGTN), đây là bước đầu tiên trên chuyến phiêu lưu của họ.
SGTN là một trong những trạm dừng xe tải lớn nhất châu Á, nó có sức chứa đến 70.000 xe cùng một lúc và trung bình hàng ngày có khoảng 20.000 xe tải đi qua trạm dừng này. Đó là lý do hai vợ chồng chị Shanti đã làm ăn rất khấm khá với quán trà của mình. Nhận thấy lưu lượng xe tải qua đây mỗi ngày là một tiềm năng lớn, hai vợ chồng chị quyết định mở rộng dịch vụ của mình bằng cách thành lập một cửa hàng sửa chữa dành cho các xe tải. Dịch vụ của họ ngay lập tức thu hút được rất nhiều sự quan tâm.
Shanti là một người phụ nữ rất nhanh nhạy. Cô không chỉ quán xuyến công việc của cửa hàng trà, mà còn tham gia rất nhiệt tình vào công việc tại xưởng sửa xe. Người phụ nữ này cảm thấy hứng thú với công việc vốn được biết đến là nghề của các đấng mày râu. Shanti luôn chăm chú quan sát chồng và các thợ cơ khí trong xưởng làm việc với các xe tải cỡ lớn. Điều đó đã giúp cô nhanh chóng năm bắt được “bí quyết” của nghề. Cộng thêm sự chăm chỉ sẵn có, rất nhanh chóng, người phụ nữ này trở thành một trong những thợ sửa xe lành nghề nhất của xưởng.
Giống như rất nhiều người phụ nữ Ấn Độ khác, Shanti có thể chăm sóc tốt cho 8 đứa con của mình. Nhưng bên cạnh đó, cô còn có thể sửa bất cứ chiếc lốp thủng nào nhanh, gọn và đơn giản như khi làm việc nhà. Chồng cô vì thế cũng rất hạnh phúc khi có được sự trợ giúp đắc lực, đáng ngưỡng mộ của vợ.
Làm những công việc nặng nhọc không phải là một điều gì quá xa lạ với Shanti. Cô lớn lên trong một gia đình nghèo khó, bố cô làm thợ kim hoàn trong một tiệm trang sức, trong khi đó, mẹ của Shanti làm những công việc nhỏ để nuôi sống gia đình. Là chị cả, cô gái khi đó đã tình nguyện từ bỏ việc học của mình để nhường cơ hội tới trường cho hai em. Cô cũng luôn động viên hai em của mình phải học thật chăm chỉ để có thể có được cuộc sống đối với cô sẽ luôn là mơ ước.
“Giỏi một kỹ năng cụ thể sẽ luôn là một điều hữu ích. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi mình đã tận dụng tối đa những cơ hội mà cuộc sống đã ban tặng”, Shanti tâm sự với báo Gulf News.
Mặc dù không được học qua một trường lớp chính quy nào, nhưng ngay từ khi mới trưởng thành, Shanti đã có một tâm nguyện, cô sẽ đóng góp hết mức có thể để đảm bảo được cuộc sống cho gia đình. Nghĩ là làm, thời điểm đó cô đã thuê một chiếc máy may và tự mày mò học những kỹ thuật cơ bản nhất của việc cắt may quần áo. Sau đó, Shanti đã bắt đầu nhận những đơn đặt hàng đầu tiên. Đó là cách mà cô gái trẻ trở thành trụ cột trong gia đình trong thời điểm khó khăn ấy.
Hiện tại, sau rất nhiều năm cố gắng, em trai của Shanti đã trở thành một luật sư. Còn bản thân cô cũng có thể đóng góp vào việc tổ chức các lễ cưới trong nhà, kể cả đám cưới của cô. Tại Ấn Độ, đây là một trong những công việc trọng đại và tốn kém nhất trong cuộc đời của một người. Đây cũng chính là lý do khiến Shanti trở thành người rất coi trọng sự giáo dục. Cô tin tưởng chắc chắn rằng việc dạy cho một người một kỹ năng cụ thể mới có thể giúp họ thực sự trở thành một con người độc lập.
Shanti cũng chia sẻ cụ thể hơn với báo Gulf về những điều mà cô đã học được từ cuộc sống của chính mình:
“Cuộc sống đã dạy cho tôi không ngồi yên và than vãn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngược lại, tôi cần làm việc thật nhiều để khiến mọi thứ tốt hơn. Chính việc trải qua những giờ phút khó khăn nhất của cuộc sống mà tôi đã học được những bài học giá trị nhất. Những giây phút khó khăn không bao giờ kéo dài mãi mãi. Cuộc sống là một chuỗi những học hỏi không ngừng.Tôi tin rằng thành công phụ thuộc vào quyết tâm đi đến thành công của chính họ“.
Thông thường, khi lâm vào một tình huống khó khăn, chúng ta đều có xu hướng bị những suy nghĩ tiêu cực như: Tôi không làm được, tôi sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi tình cảnh khốn khó này, tại sao tôi lại khổ thế này … vây hãm. Xu hướng này khiến ta càng trở nên bi quan và vô hình trung tự biến mình trở thành nhỏ bé hơn so với nghịch cảnh. Đó là lý do tại sao, rất nhiều người chọn rượu chè, ma túy để xua đuổi và khỏa lấp những thất vọng về bản thân, đặc biệt là những suy nghĩ tiêu cực về tương lai. Nhưng thật không may, những chất kích thích này không thể giúp họ thay đổi bất kỳ điều gì.
Shanti, một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng có thể có một cuộc sống tốt bằng việc sửa chữa, thay thế những chiếc lốp xe tải lớn hơn cả thân hình của mình, đã nhận ra điều làm nên sự khác biệt: Đó chính là thái độ học hỏi và bền bỉ cố gắng. Việc bỏ thời gian để học và trở nên thuần thục trong bất kỳ một công việc nào cũng không bao giờ là hoang phí. Nó sẽ giúp bạn có được sự hiểu biết về chính mình, sau đó là sự tự tin sẽ dần được hình thành trong quá trình luyện tập. Thành công dường như không nằm ở đâu xa, nó nằm ở ngay lần bạn vấp ngã, rồi đứng lên và đi tiếp cùng hiểu biết rõ ràng “tại sao mình ngã”, “mình phải làm gì để không còn ngã nữa”. Nếu bạn tiến lên, đến đích chỉ là vấn đề về thời gian.
Người thợ cơ khí nữ duy nhất tại Ấn Độ – Shanti Devi là một bằng chứng sống cho hiện thực: Với một thái độ đúng đắn, một trái tim rộng mở và một cái tâm sẵn sàng đón nhận những bài học mới, bạn có thể làm tất cả những gì mình mong muốn.
Hy Văn