Con là hơi thở sưởi ấm lòng cha, nung nóng tình mẹ, kéo những bước chân vội vã dừng lại đúng điểm khi bị cuộc sống cuốn đi ngày một xa hơn. Bức thư của cô bé An Nhiên, 9 tuổi, sống tại Hà Nội gửi bố mẹ của mình dưới đây, là một trong những dấu chấm than đầy giật mình như thế!
“Trong đôi mắt con, cha là điểm tựa, cho con hoài xanh cỏ dại; mẹ là bất tận, suốt đời trọn vẹn yêu thương”. Tuy vậy, với An Nhiên, em chưa một lần cảm nhận được điều đó.
Ở nhà, bố em hay nóng giận khi nghe điện thoại, vì thường phải xử lý công việc cơ quan nên chẳng có thời gian nào dành cho hai chị em. Có lần, bố vừa về nhà nhưng lại phải đi ngay. Em ước mong một ngày được nằm trong vòng tay yêu thương của bố, em mơ về những bữa ăn ấm áp cả gia đình quây quần bên nhau, nhưng đợi hoài vẫn không thấy.
Mẹ em thích thời trang và mua sắm, thời gian mẹ chọn những chiếc váy và thử đi thử lại nhiều hơn cả thời gian mẹ dành chơi với hai chị em. Mẹ lo cho những chuyến công tác xa nhà, những bộ cánh đẹp mà chẳng để ý rằng hai chị em đang ngóng được mẹ an ủi và dỗ dành. Nghĩ mãi, rồi An Nhiên quyết định viết cho bố mẹ một lá thư, kể hết những nỗi lòng của mình.
“Kính gửi bố mẹ!
Con tên là An Nhiên. Bình thường, con thấy bố rất hay nổi cáu vì công việc cứ chồng chất lên đầu của bố. Bố cứ về nhà được một lúc là lại đi ngay. Chỉ vì công việc mà làm bố già đi ngày tháng. Khi nào về nhà thì lại vùi đầu vào máy tính, điện thoại, hết công việc rồi lại nhậu nhẹt. Con muốn bố giảm bớt công việc đi, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Mẹ thì lúc nào cũng thích váy đẹp, mỗi lần đi du lịch xa, mẹ lại chuẩn bị vài chục bộ váy. Mỗi năm Tết đến, mẹ lại bảo đưa mẹ tiền to để mẹ giữ. Vậy mà kết quả lại là: mẹ dùng tiền to để mua váy và đồ trang điểm mất rồi. Nếu là con, con giữ đến bao nhiêu năm cũng được. Con muốn mẹ để dành tiền cho việc có ích hơn.
Cảm ơn bố mẹ nhiều!
Con của bố mẹ”
Về đến nhà vào sáng sớm sau chuyến công tác xa, bố của An Nhiên nhận được bức thư của cô con gái nhỏ đặt ở trên bàn. Đọc xong thư con, anh rất ngạc nhiên và nghĩ rằng, cô bé còn quá nhỏ để hiểu hết những khó nhọc và mệt mỏi của người lớn đang phải đối diện. Tuy nhiên, khi bình tâm xuống để tự nhắc nhở mình rằng An Nhiên của anh là một cô bé sống nội tâm, thích đọc truyện và suy nghĩ rất người lớn. Anh quyết định cầm lá thư lên và đọc lại lần nữa, và anh chợt nhận ra đây là tình yêu mà cô con gái bé bỏng muốn dành cho cha mẹ, chứ không phải là lời nhắc nhở hay giận dỗi nhất thời, cô bé sợ anh vất vả mà già đi nhanh hơn, muốn tiết kiệm tiền để bố mẹ đỡ vất vả.
Hối hận vì những thiếu sót của mình, ông bố trẻ bắt đầu học cách thay đổi. Anh tập thói quen nói chuyện nhẹ nhàng, và cố gắng hoàn thành sớm công việc để dành ra thời gian còn lại bên gia đình. Anh cũng không quên hồi đáp lại cho cô con gái bé bỏng một lá thư kèm những lời hứa:
“An Nhiên yêu quý!
Bố rất mừng và xúc động đọc thư con. Những mong đợi của con rất chính đáng. Bố hứa sẽ bớt công việc để dành nhiều thời gian cho con và gia đình hơn, làm việc nhà và chơi với con nhiều hơn. Mỗi buổi sáng, bố sẽ nấu cơm, rửa bát. Trước khi đi ngủ, bố sẽ đọc truyện cho hai chị em. Mỗi tuần sẽ đưa con ra ngoài chơi ít nhất 1 ngày.
Con là một cô gái ngoan, biết nhường nhịn em Bình, tự giác học bài và làm một số việc nhà. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu con “nghịch” nhiều hơn, chủ động nói chuyện với mọi người, đặc biệt là tham gia việc nhà với bố mẹ. Buổi tối, sau khi nghe truyện, con hãy giúp em Bình đi ngủ, sáng dậy ăn sáng đúng giờ, chiều về chơi đùa với các bạn thay vì ngồi chơi một mình con nhé!
Bố sẽ đồng hành cùng con!
Bố Trần Mạnh Chiến”.
Với những gì đã hứa anh Chiến cũng dành nhiều thời gian chơi với An Nhiên hơn, đưa các con đi chơi vào các dịp cuối tuần, sẽ không để con thấy cô đơn hay một mình như trước nữa. Thời gian đầu việc thực hiện lời hứa đối với anh cũng có chút khó khăn, nhưng để tạo dựng niềm tin cho các con anh đều làm được, khi lắng nghe các con chia sẻ anh cũng cảm nhận được tình yêu thương gia đình sâu sắc hơn, hiểu các con hơn và luôn trân quý những người thân yêu của mình.
Gia đình là chiếc thuyền đưa con đến những chân trời mới, tấm lòng và yêu thương của cha mẹ là làn hơi ấm nuôi dưỡng con trưởng thành. Giữa những chìm nổi của cuộc đời, thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người là ước mong vì người khác; nhưng đối với mỗi ông bố bà mẹ, chúng ta muốn dành điều tinh túy ấy cho những đứa con của mình. Điều này cũng là lẽ tất nhiên của cuộc sống, người ta gọi đó là tình mẹ cha. Nhờ thứ tình cảm này mà mỗi thành viên trong gia đình có thể thương yêu, thuận hòa và duy trì hạnh phúc bên nhau.
Gia Viên – Hồng Tâm