Hơi thở có mùi khó ưa không chỉ đơn thuần tạo nên các rào cản tâm lý trong giao tiếp mà có khi còn gắn liền với các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trên trục đường tiêu hóa, thậm chí là ở tim và nhiều bộ phận khác. Khi hơi thở của bạn có mùi tự nhiên một cách…bình thường có nghĩa là bạn đã loại được một danh sách khá dài các nguy cơ bệnh tật. Một số lưu ý dưới đây có thể giúp bạn đạt được điều này.

Vệ sinh răng miệng vẫn xếp hàng đầu

Miệng chúng ta có chứa cả một thế giới các loài vi sinh vật như virus, vi khuẩn, nấm và nguyên sinh động vật, trong đó vi khuẩn được xem là đông nhất với khoảng 600 loài khác nhau.

Người ta có thể đếm được trên dưới 100 triệu vi khuẩn trong 1 ml nước bọt.

Khi các vi sinh vật trong khoang miệng hoạt động, chúng phân giải các thức ăn còn sót lại sau bữa ăn và tạo ra các sản phẩm gây nên mùi hôi cho miệng. Do vậy việc cần làm đầu tiên là hạn chế điều kiện sinh sống của vi sinh trong miệng bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng, chải răng đều đặn sau bữa ăn, cạo lưỡi hàng ngày, chú ý lấy sạch hết các thức ăn còn sót lại trong miệng, đặc biệt là ở các kẽ răng. Đối với người dùng răng giả, cần vệ sinh răng giả sạch sẽ, lắp răng khít.

Xử lý các nguyên nhân bệnh lý gây hôi miệng

Các bệnh lý ở răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm lưỡi… cũng tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển, giải phóng mùi hôi.

Một số vấn đề của đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm gan mật, viêm nhiễm đường ruột, trào ngược dịch vị … hay các bệnh về rối loạn chuyển hóa đều ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn, có thể làm cho hơi thở có mùi nặng.

Những bệnh lý mũi xoang như viêm mũi xoang cấp mạn, viêm xoang do răng, đặc biệt viêm xoang do răng gây hơi thở hôi rất nhiều, thậm chí gây khó chịu cho người xung quanh khi đến gần.

Bệnh lý u bướu vùng mũi xoang như polyp mũi xoang, ung thư, u nhú cũng gây hơi thở hôi.

Dị vật mũi nhất là trẻ em nhỏ gây hơi thở hôi hoặc hôi mũi một bên.

Viêm tuyến bã vùng tiền đình mũi. Bệnh lý này thường gây cảm giác hôi khi bệnh nhân hỉnh mũi hay nhướng mũi làm các tuyến bả ở cửa mũi hoặc ở cánh mũi hở ra làm có mũi hôi. Hiếm khi người xung quanh ngửi thấy mùi hôi này.

Các bệnh lý vùng họng, hạ họng như viêm họng hạt, viêm amidan, ung thư họng-hạ họng cũng có thể khiến hơi thở bệnh nhân nặng mùi.

Bệnh ở phổi như nhiễm trùng phổi mãn tính, viêm nhiễm đường hô hấp hay ung thư phổi là một trong các nguyên nhân.

Cuối cùng là một số bệnh lý làm cơ thể suy nhược như suy gan, suy thận, tiểu đường, HIV-AIDS gây hôi miệng nhiều.

Trong những trường hợp này hôi miệng đến sau những bệnh lý trên, do vậy muốn xử lý triệt để ta cần giải quyết căn nguyên.

Giữ ẩm cho miệng

Khi tuyến nước bọt hoạt động kém, miệng khô, enzym tiết ra không đủ để kìm hãm vi khuẩn phát triển. Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc như hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống dị ứng, trị kinh phong, trầm cảm, tâm thần phân liệt, amphetamine, thuốc lợi tiểu… cũng làm giảm nước bọt trong miệng.

Nên uống nước thường xuyên để giữ ẩm cho vùng miệng, duy trì tiết nước bọt từ đó hạn chế sự hoạt động của các vi sinh vật trong đó. Nếu bạn gặp khó khăn khi uống nước lọc, thì hãy pha chế cho mình một nước uống với hương vị tự nhiên để vừa kích thích tiêu hóa, lại giải quyết được vấn đề này.

(Ảnh: Getty Image)
(Ảnh: Getty Image)

Trà với lá hoàn ngọc, hoặc một số trà thảo dược khác là ý tưởng tốt để bạn bắt đầu. Hoặc đơn giản hơn nữa là thêm chút muối vào trong chai nước cùng với một vài lát chanh tươi còn nguyên vỏ, độ tươi mát và tinh dầu chanh sẽ làm bạn hài lòng ngay.

Tránh những thực phẩm gây mùi hôi cho hơi thở

Một số thực phẩm “chuyên” gây mùi khó chịu cho hơi thở của bạn, do vậy hãy cân nhắc trước khi ẩm và thực. Danh sách đó bao gồm: cà phê, rượu bia, thuốc lá, hành, tỏi, mắm. Hút thuốc lá cùng với sử dụng bia rượu gây mùi khó chịu cho hơi thở, đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh răng lợi, nguy cơ ung thư vòm miệng và nhiều loại bệnh khác.

Thận trọng với các loại nước súc miệng

Nếu đã từng dùng nước súc miệng, hẳn bạn cũng nhận thấy rằng các loại nước súc miệng cũng chỉ giúp bạn có cảm giác sạch sẽ trong vòng tối đa 1-2 giờ, và sau đó thì lại đâu vào đó.

Bên cạnh đó, trong nước súc miệng có nhiều loại chất diệt khuẩn, có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn.

Theo GS. Ahluwalia, Đại học Queen Mary (Luân Đôn), các chất sát khuẩn trong nước súc miệng, đặc biệt là chlorhexidine có thể diệt các vi sinh vật tốt cho cơ thể trú ngụ tại miệng, ví dụ như vi khuẩn giúp ổn định huyết áp. Trong nghiên cứu của mình, ông nhận thấy huyết áp của những người thường xuyên dùng nước súc miệng có chlorhexidine cao hơn 2 đến 3 đơn vị so với bình thường. Một số sản phẩm có chứa hàm lượng cồn rất cao, đến 25%, được cho rằng có liên quan đến nguyên nhân của bệnh ung thư miệng. Ngoài ra, các chất sát khuẩn trong nước súc miệng có thể làm mất cân bằng vi sinh vật vốn có của miệng, dần dần sẽ tạo nên các chủng vi sinh vật có sức đề kháng mạng mẽ, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Mặc dù chẳng ai muốn nhưng vấn đề hơi thở có mùi khó chịu dường như trở nên ngày càng phổ biến và cũng khó trị hơn. Giữ gìn vệ sinh răng miệng và điều trị các bệnh lý căn nguyên là rất quan trọng, nhưng một chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh thường xuyên là tối cần thiết để đạt được sức khỏe toàn diện, trong đó có hơi thở của bạn.

Video: cơ chế gây ra mùi hôi miệng:

https://www.youtube.com/watch?v=pF4ts0STjdU

Minh Thành

Xem thêm: