Các chuyên gia đã chỉ ra rằng thớt gỗ có độ bền cao với khả năng vệ sinh và bảo vệ lưỡi dao vượt trội hơn tất cả các loại thớt khác.
“Dao sắc không bằng chắc kê” một đầu bếp giỏi thì con dao đi kèm phải thật tốt, nhưng muốn nó phát huy hết khả năng thì lại cần có một chiếc thớt tốt. Việc sử dụng đúng loại thớt vô cùng quan trọng bởi vì nó vừa giúp vệ sinh lại giữ cho dao sắc được lâu hơn.
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thớt, chẳng hạn như thớt gỗ, thớt nhựa hay thớt thủy tinh. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng loại thớt tốt nhất mà bạn nên sử dụng chính là thớt gỗ.
Mặc dù trước đây có khá nhiều người từng cho rằng, thớt nhựa có thể vệ sinh sạch và diệt khuẩn tốt hơn thớt gỗ, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng.
Vậy lý giải điều này như thế nào?
Chúng ta thường lầm tưởng rằng, thớt gỗ dễ bị xước và lưu giữ những vi khuẩn ở đó. Khi bị băm chặt quá mạnh sẽ gây ra các mùn thớt và thức ăn thừa bị hỏng và cả các vi khuẩn.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Giáo sư Dean O. Cliver, chuyên gia về an toàn thực phẩm tại trường Đại học California (Mỹ) đã chỉ ra rằng, gỗ có tác dụng rất tốt trong việc hấp thu những vi khuẩn sinh ra từ thực phẩm còn sót lại sau khi được rửa sạch bằng xà phòng và nước ấm, nó giữ lại vi khuẩn ở bên trong, nơi mà vi khuẩn không thể sinh sôi và cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Thậm chí ngay cả khi một chiếc thớt gỗ “nhiễm khuẩn” được chặt nhỏ ra bằng một con dao sắc, thì vi khuẩn cũng không lọt ra ngoài.
Ngược lại, thớt nhựa chỉ có thể diệt khuẩn khi chúng còn mới. Ngay khi xuất hiện những vết cắt trên bề mặt, sẽ rất khó để vệ sinh sạch được thớt nhựa bởi vì chúng giữ lại vi khuẩn trong các khe nứt khó chạm tới mà không loại chất tẩy rửa nào có thể diệt được.
Giáo sư Dean O.Cliver cho hay: “Với thớt nhựa, sau khi dùng tay rửa sạch trong bồn rửa nơi nhà bếp, chúng ta có thể vẫn có thể khiến vi khuẩn hồi sinh như thường.” Máy rửa bát cũng không giải quyết được vấn đề này bởi vì vi khuẩn không thực sự chết – chúng bám trên các bề mặt khác trong máy rửa bát. Và các thí nghiệm trên các thớt nhựa cũ được tẩy rửa bằng các chất tẩy như clo cũng cho kết quả là một lượng vi khuẩn vẫn còn nằm trong các khe rãnh, ông nói thêm.
Tuy nhiên, tiến sỹ Cliver cũng không đánh giá cao thớt làm từ vật liệu khác như sắt không gỉ hay thủy tinh. Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng có những loại thớt khác… Chúng tôi rất ít dùng các loại thớt này bởi vì chúng nhanh chóng làm dao bị sứt mẻ hay cùn đi, như vậy thì chẳng khác nào đưa vào một loại vật dụng khác có hại vào nhà bếp.”
Thêm nữa, xét trên phương diện thân thiện môi trường và kinh tế thì thớt gỗ cũng ưu việt hơn. Một chiếc thớt nhựa sẽ bị vứt đi ngay khi nó bị hỏng, đây là một sự lãng phí lớn và chúng cũng không được tái chế. Một chiếc thớt gỗ cứng có thể tốn nhiều chi phí ban đầu, nhưng lại dùng được hàng chục năm, hay cả đời. Còn thớt tre thì lại cứng hơn gỗ và có thể khiến dao bị cùn nhanh hơn.
Lời khuyên khi sử dụng thớt
- Rửa sạch thớt bằng nước rửa bát cùng nước ấm sau khi chế biến thức ăn, sau đó dùng khăn lau khô để tránh bị cong vênh
- Nên dùng riêng các loại thớt thái thịt và rau
- Có thể bôi dầu hạnh nhân hoặc óc chó lên bề mặt thớt một lần một tuần
- Đôi khi bạn có thể khử trùng thớt gỗ trong lò vi sóng (5 phút đối với thớt to, 2 phút đối với thớt nhỏ)
- Khi thớt cũ mòn, nhiều rãnh lõm, cần thay mới.
Minh Nguyên t/h