Hình bán nguyệt thông thường có dạng lưỡi liềm, màu trắng ngà và cao bằng khoảng ⅕ móng tay. Những biến đổi về hình dạng, màu sắc, kích thước của nó đều có thể là gợi ý của cơ thể về tình trạng sức khỏe của bạn.
Cơ thể người thật hoàn hảo, có hàng trăm biện pháp cảnh báo về tình trạng sức khỏe, như thông qua màu sắc da, mức độ rụng tóc, tốc độ lành vết thương, tình trạng mọc mụn v.v.
Tuy nhiên có một vùng trên cơ thể rất ít người để ý đến nhưng thực sự cung cấp nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe của bạn, đó là hình bán nguyệt trên móng tay.
Hình bán nguyệt trên móng tay thực chất là gì?
Thoạt nhìn hình bán nguyệt này có vẻ là một bộ phận của móng tay, trên thực tế chúng thuộc phần da ngay dưới móng tay. Nó là vùng bảo vệ và che phủ cho những mạch máu dễ bị tổn thương ở khu vực này. Thông thường mọi người đều có hình bán nguyệt trên móng tay, mặc dù không phải móng của ngón tay nào cũng có (nhiều người chỉ thấy hình bán nguyệt trên móng của ngón tay cái). Hình bán nguyệt đóng vai trò quan trọng quyết định hình dáng của móng tay. Bất kỳ tổn thương nào ở khu vực này đều sẽ làm thay đổi vĩnh viễn sự phát triển của móng tay.
Hình bán nguyệt tiết lộ điều gì về sức khỏe bạn?
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Viện hàn lâm Da liễu năm 1996, hình bán nguyệt cảnh báo các vấn đề sức khỏe thông qua 3 phương diện: kích thước, hình dạng và màu sắc. Một hình bán nguyệt bình thường, khỏe mạnh sẽ có hình lưỡi liềm, màu trắng ngà, và cao khoảng ⅕ độ dài của móng tay. Nếu bạn thấy hình bán nguyệt của mình có bất cứ thay đổi nào như dưới đây, bạn nên đi kiểm tra để sớm phát hiện những rối loạn của cơ thể.
Kích thước
Hình bán nguyệt cao bằng khoảng ⅕ móng tay, kích thước to hoặc nhỏ hơn đều có thể là bất bình thường.
Hình bán nguyệt lớn hơn bình thường: Đối với một số sắc tộc, đặc biệt là người Ấn Độ, điều này là bình thường. Bên cạnh đó, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh rối loạn nội tiết như cường giáp trạng.
Hình bán nguyệt nhỏ hơn hoặc không có: Thông thường đối với người Châu Phi đây là điều bình thường và có thể liên quan đến tuổi tác.
Bên cạnh đó đây có thể là dấu hiệu của:
- Xơ vữa mạch máu
- Bệnh nhiễm sắc thể
- Bệnh móng tay
- Rối loạn nội tiết, bao gồm cả thiểu năng tuyến giáp và cường giáp trạng.
- Suy dinh dưỡng và thiếu máu thiếu sắt
- HIV
- Tổn thương thần kinh
- Suy thận
- Viêm khớp dạng thấp
Hình dạng
Đôi khi hình bán nguyệt có thể chuyển sang dạng vuông vắn hơn, hoặc chuyển sang hình tam giác. Dưới đây là một số nguyên nhân:
- Hội chứng Turne, một hội chứng di truyền
- Các rối loạn nhiễm sắc thể, bao gồm hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau
- Chấn thương móng tay
Màu sắc hình bán nguyệt
Còn gọi là chứng loạn sắc tố hình bán nguyệt. Hình bán nguyệt thông thường có màu trắng ngà.
Chấm đỏ: Hình bán nguyệt có các chấm đỏ báo hiệu tình trạng rụng tóc, bạch biến, bệnh vảy nến hoặc bệnh dị dạng và loạn dưỡng móng.
Xanh: Nguyên nhân thường là do thuốc uống, bao gồm thuốc hóa trị, các loại thuốc ung thư, thuốc HIV v.v.v Hình bán nguyệt màu xanh cũng có liên quan với bệnh Wilson và bệnh Hemoglobin M.
Vàng: Hình bán nguyệt màu vàng thường do tiếp xúc với thuốc trừ sâu gây nên.
Trắng: Hình bán nguyệt bình thường trắng hơn vùng còn lại của móng tay. Tuy nhiên nếu hình bán nguyệt quá trắng thì lại là bất thường, có thể gặp trong người bị bệnh thận mạn, hội chứng thận hư, xơ gan, suy tim xung huyết và tiểu đường.
Như chúng ta đã thấy, hình bán nguyệt cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe. Đừng quá lo lắng nếu bạn nhận thấy vùng này có bất cứ thay đổi nào như đã nêu ở trên. Nếu có, hãy kiểm tra xem bạn có triệu chứng nào của các bệnh đã đề cập đến hay không và sớm đến bệnh viện để kiểm tra, phát hiện kịp thời bệnh nếu có.
Theo theheartysoul
Đại Hải – Hoàng Kỳ
Xem thêm:
- Người xưa dạy kiêng kỵ cắt móng tay ban đêm, ắt phải có nguyên do
- Móng tay có sọc đen là tín hiệu của trọng bệnh?
- Sau nhiều năm gây đau đớn, cục hợp kim trong khớp gối của chị đã chịukhuất phục
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.