Uống nước lạnh có gây ra triệu chứng cảm lạnh không? Có một số ý kiến đồng ý rằng, uống nước lạnh làm giảm nhiệt độ cơ thể đủ để bạn bị bệnh hơn, nhưng số khác thì không. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra câu trả lời cho bạn.
Vậy uống nước lạnh có gây triệu chứng cảm lạnh không?
Câu trả lời là: Không. Virus trong không khí, điển hình là Rhinovirus, chính là thủ phạm gây bệnh. Trừ khi virus này bám trên cốc hoặc trong nước uống của bạn, nếu không bạn sẽ không thể bị cảm lạnh khi uống nước lạnh.
Có rất nhiều virus xung quanh chúng ta. Virus gây cảm lạnh được lan truyền khi người mang bệnh ho hoặc hắt hơi. Những người này thả các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng vào không khí, rơi xuống tay, đồ gia dụng, tay nắm cửa, điện thoại… Khi bắt tay với người bị nhiễm bệnh hoặc chạm vào những thứ bị nhiễm khuẩn và sau đó đưa tay lên miệng, mắt hoặc mũi; bạn đã tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào trong cơ thể và bị nhiễm bệnh.
Vậy uống nước lạnh có gây viêm họng?
Uống nước lạnh không gây cảm lạnh, nhưng ăn uống đồ lạnh có thể gây viêm họng. Đôi khi nó có thể khiến bạn bị nghẹt mũi, cản trở hệ thống hô hấp. Chất nhầy trong khoang mũi họng được tiết ra như một hàng rào tự nhiên chống nhiễm khuẩn. Khi gặp lạnh, chất nhầy này sẽ co lại, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập dễ dàng hơn và gây viêm họng.
Vào mùa hè, bạn có xu hướng uống nhiều nước lạnh vì nóng bức. Khi liên tục ăn uống đồ lạnh, bạn sẽ tự mở ra cơ hội nhiễm trùng đường hô hấp rất lớn.
Một số tác dụng phụ khác khi sử dụng nước lạnh
1. Gây mất năng lượng
Khi uống nước lạnh có thể làm cho bạn tỉnh táo ngay tức thì, nhưng nó chỉ là một cảm giác tạm thời. Bởi vì, khi cơ thể tiêu thụ nước lạnh thì phải làm ấm nó lên, do đó năng lượng thực sự bị đốt cháy chứ không phải là được sản sinh. Thay vì làm việc như một chất kích thích thần kinh như bạn vẫn tưởng thì nó sẽ khiến cơ thể mệt mỏi khi uống quá nhiều.
2. Rối loạn tiêu hoá
Nhiều người sử dụng túi chườm lạnh để điều trị viêm ở bên ngoài cơ thể, ví dụ như bàn tay, bàn chân sưng viêm nóng đỏ. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước lạnh mạch máu co lại, có thể gây đau bụng và làm tổn thương dạ dày của bạn. Thậm chí, nó có thể gây buồn nôn hoặc nôn vọt bởi vì dạ dày bị co lại và làm rối loạn quá trình tiêu hoá.
3. Vấn đề hydrat hoá
Trong khi bạn nghĩ rằng uống nước lạnh có thể làm dịu cơn khát của mình thì bạn đã nhầm. Nước ở nhiệt độ phòng sẽ tốt hơn cho bạn. Bởi vì, để dùng lượng nước lạnh uống vào thì phải làm ấm nó đến nhiệt độ cơ thể bình thường, rồi mới được đưa vào sử dụng. Uống nước lạnh sẽ làm chậm quá trình hydrat hoá.
4. Táo bón
Như đã đề cập ở trên, uống nước lạnh ảnh hưởng nhiều đến tiêu hoá. Uống nó quá nhanh và nhiều có thể gây tiêu chảy. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây táo bón. Lý do là nước lạnh sẽ làm ruột bị co thắt và thức ăn cứng lại, cản trở quá trình tiêu hoá.
5. Đau buốt đầu và đau nhức cơ thể
Có thể thấy khi bạn ăn kem quá nhanh, bạn có thể bị đau đầu kiểu ‘đóng băng não’. Điều tương tự xảy ra khi bạn uống nước đá quá nhanh. Cơn đau mạnh và mãnh liệt có thể di chuyển lên đầu, xuống dọc theo cột sống và lan khắp thân thể. Điều này có thể gây ra đau nhức cơ thể và xuất hiện những cơn ớn lạnh.
6. Ảnh hưởng đến nhịp tim
Khi bạn uống nước lạnh, khí lạnh sẽ lan dọc cột sống, và dây thần kinh phế vị vùng cổ. Mặc dù cơ thể hoạt động nhanh chóng để làm ấm chất lỏng, nó vẫn đủ thời gian để ảnh gây ảnh hưởng đến các khu vực của cơ thể. Dây thần kinh phế vị là công cụ để kiểm soát nhịp tim, có thể làm chậm nhịp tim do sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng.
Như vậy, uống nước lạnh không gây ra cảm lạnh, nhưng lại đi kèm với vô số tác hại khác. Nói không hoặc hạn chế sử dụng tối đa nước lạnh hoặc nước đá sẽ tốt hơn cho sức khoẻ của bạn.
Tham khảo New Health Advisor
Mộc Chi biên dịch