Từ đầu tháng 9, số trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị tại 3 bệnh viện nhi ở Tp.HCM tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng Tp.HCM, từ ngày 14-20/9, địa bàn thành phố ghi nhận 286 ca mắc tay chân miệng, tăng 47% so với 4 tuần trước đó (194 ca).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 trao đổi với Vnexpress, khoảng 3 tuần nay bệnh nhi tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với trước. Đỉnh điểm ngày 24/9 khoa điều trị đến 222 trẻ.

Hiện có 179 trẻ điều trị với khoảng 30 ca nặng phải theo dõi sát trong đó 10 bé phải thở máu, 5 em lọc máu… Trước đó, tại bệnh viện đã có một trường hợp tử vong do mắc tay chân miệng.

Những ngày này, các bác sĩ khoa Nhiễm – thần kinh của bệnh viện luôn túc trực cấp cứu trẻ nhập viện viện vì tay chân miệng. Đa số các giường bệnh ở khoa đều chật kín bệnh nhi. Những bệnh nhi lớn nằm 1 giường. Những bệnh nhi nhỏ tuổi hơn, mỗi giường có 2 bé nằm. Tất cả các bệnh nhi đều được cột tay chân vào thành giường để tránh co giật.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ tay chân miệng nhập viện bắt đầu tăng dần từ tháng 8. Đại diện bệnh viện cho biết, từ đầu năm tới nay, viện Nhi đồng 2 điều trị cho 1.094 trẻ bị tay chân miệng thì riêng trong tháng 8 đã là 425 trường hợp, tăng gấp đôi so với tháng 7. Khoảng 90 trẻ tay chân miệng điều trị nội trú, một số trường hợp phải nằm ghép.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm của bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 48 trẻ nội trú, có ngày lên tới 70 trẻ, công suất giường bệnh 150%, chủ yếu là trẻ 1-3 tuổi.

Trẻ nhập viện vì tay chân miệng thường từ độ tuổi 9 tháng tới 5 tuổi. Tuy nhiên, có 1 số trường hợp chỉ mới vài tháng tuổi.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội đến tháng 7/2018, toàn thành phố đã ghi nhận 1.024 ca mắc tay chân miệng, số ca mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng.

tre mac tay chan mieng o tphcm tang gap 5 lan trong 3 tuan
Dịch bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp tại Tp.HCM. (Ảnh: Mẹ khéo chăm con)

Bác sĩ Khanh chia sẻ, hơn 50% trẻ tay chân miệng do virus enterovirus 71 (EV71). Loại virus này lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, dễ bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Các bác sĩ khuyến cáo, số ca mắc tay chân miệng tăng cao, nhiều ca diễn tiến nặng nên phụ huynh không nên chủ quan, đặc biệt nhà có trẻ dưới 3 tuổi.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, nổi các nốt ở tay chân và vùng miệng, ăn uống kém, đặc biệt ngủ không yên, chới với, hay giật mình trong lúc thiu thiu ngủ… nên đưa đi khám kịp thời. Phụ huynh không được tự ý cho con uống thuốc. Vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên, theo dõi các biến chứng để xử trí kịp thời.

Trẻ bị tay chân miệng sẽ phát tán virus lây cho người xung quanh, nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày, tránh tiếp xúc với trẻ bệnh vì rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác.

Dấu hiệu nhận biết bệnh chân tay miệng

Bệnh chân tay miệng do tác nhân enterovirus 71 gây ra. Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng gồm các bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng.

Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.

Những trường hợp trẻ có thể bị biến chứng

– Sốt hơn 2 ngày.

– Sốt trên 39 độ C.

– Sốt cao và khó hạ sốt.

– Nôn ói nhiều.

Trẻ nào đang bị biến chứng

– Giật mình chới với (thường lúc bắt đầu thiu thiu ngủ). Phụ huynh cần biết phát hiện dấu hiệu này.

– Li bì, ngủ nhiều.

– Run tay chân, đi đứng loạng choạng, yếu tay, yếu chân.

Trẻ đã bị biến chứng nặng

– Thở mệt.

– Khóc khan.

– Da nổi bông, lạnh tay chân.

– Mạch nhanh.

– Huyết áp cao.

Các bé có dấu hiệu trên, phụ huynh cần nhập viện gấp và theo dõi sát.

(Tổng hợp)