Cuộc đua tăng trưởng kinh tế thị trường khiến toàn nhân loại đang phải trả cái giá cắt cổ theo đúng nghĩa, không loại trừ bất cứ nơi nào nhưng khu vực gánh chịu nhiều nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, Pakistan…

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới từ lâu. Gần đây một nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín The Lancet khiến ai cũng phải rùng mình với con số thống kê về “thảm họa” này: chỉ riêng năm 2015, có đến 9 triệu trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và tiếp xúc với các hóa chất nhân tạo. Số người chết này gấp 3 lần số trường hợp tử vong do AIDS, sốt rét, lao cộng lại và gấp 15 lần số nạn nhân tử vong do chiến tranh, bạo lực. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất.

Đáng chú ý có gần 92% trường hợp tử vong có liên quan đến ô nhiễm nằm ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Trong đó trẻ em đang phải đối mặt với nguy cơ cao nhất, vì chỉ cần tiếp xúc lượng nhỏ hóa chất khi còn trong bụng mẹ và những năm đầu đời có thể dẫn đến bệnh tật đeo bám cả đời, tàn tật, tử vong sớm, cũng như giảm khả năng học tập, giảm thu nhập.

Làng nghề tái chế chì Đông Mai, Hưng Yên hiện là một trong những nơi đứng đầu cả nước về tỉ lệ ung thư và dị tật thai nhi trẻ em (Ảnh: Rfa)
Không nhiều người biết rằng các tấm lợp fibro xi măng có thành phần chính là amiang trắng độc hại (Ảnh: Dantri)

Tỷ lệ tử vong do ô nhiễm tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan rất cao, cứ khoảng 4 người chết thì có một trường hợp liên quan đến ô nhiễm.

Cụ thể, tại Ấn Độ ước tính trong năm 2015 có 2,5 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm. Tại Trung Quốc con số này là 1,8 triệu người. Tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm tại Việt nam chiếm 13,61 %, tương đương với cứ 7 cái chết thì có 1 trường hợp liên quan.

Trong đó nguyên nhân lớn nhất là ô nhiễm không khí liên quan đến 6,5 triệu trường hợp tử vong. Các nhà khoa học thuộc trường Y Icahn, thành phố Newyork, Hoa kỳ cho biết ô nhiễm môi trường “giết hại” 9 triệu người chủ yếu thông qua bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Một trong những mặt tồi tệ nhất của ô nhiễm không khí đó là các hạt bụi siêu mịn nhỏ hơn 2,5 micron (PM2,5) bởi chúng chứa nhiều chất độc hại như sulfate, bụi than đen và có thể thâm nhập sâu vào phổi và trong hệ thống tim mạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Cảnh ô nhiễm thường thấy tại các thành phố lớn của Việt Nam

Tại Việt Nam, năm 2017 được cho là đỉnh điểm của ô nhiễm không khí tại các thành phố. Trong quý I, riêng tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi) cao hơn so với mức 50 µg/m3 – Quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Còn nếu so với mức 25 µg/m3 theo khuyến cáo của WHO, thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đáng chú ý, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn WHO đến 10 lần.

Sau ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến các bệnh nhiễm trùng là nguyên nhân đứng hàng thứ hai. Theo nghiên cứu nước ô nhiễm có liên quan đến 1,8 triệu trường hợp tử vong.

Sông hồng ô nhiễm nặng sau ngày cúng Táo Quân, Tết 2018 – ý thức môi trường của người dân hiện đang quá kém

Cùng với đó, các hóa chất độc hại và tác nhân gây ung thư chỉ riêng tại nơi làm việc chịu trách nhiệm cho 800,000 ca tử vong do ung thư, bệnh phổi v.v.

Giáo sư Philip Landrigan, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng ô nhiễm hơn là thách thức về mặt môi trường, nó là mối đe dọa sâu rộng ảnh hưởng đến nhiều mặt về sức khỏe và hạnh phúc nhân loại.

“Mục đích của chúng tôi là nâng cao nhận thức toàn cầu về ô nhiễm, thúc dục các nhà chính trị tìm biện pháp giải quyết bằng cách cung cấp những ước tính toàn diện có giá trị nhất về sức khỏe và ô nhiễm”, giáo sư Landrigan cho hay.

Đại Hải