Rất nhiều trường hợp mắc quai bị đã tự ý chữa bằng mẹo dân gian, nhầm sang bệnh viêm tuyến nước bọt, dán cao hay chủ quan nghĩ người lớn không mắc bệnh… dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Anh Toàn (28 tuổi, Nam Định) bị sưng mang tai bên phải, nuốt nước bọt đau. Chủ quan nghĩ bị viêm tuyến nước bọt bình thường, dán cao dán vài ngày sẽ khỏi nên không đến bác sĩ khám.
Dán cao 5 ngày, vết dán phồng rộp vì nóng, chỗ sưng không những không giảm mà anh còn bắt đầu có dấu hiệu sốt nhẹ. Đến khi sốt cao, anh mới đến bệnh viện huyện khám thì bác sĩ chẩn đoán, anh bị quai bị và có dấu hiệu biến chứng.
Trường hợp chị Thanh Mai (Hà Nội) có dấu hiệu sốt, sưng mang tai, đau nhức xương, chán ăn. Trước đó, chồng và con trai của chị Mai đã bị quai bị. Nghĩ là sốt bình thường nên tự mua thuốc kháng sinh về uống, nhưng sau vài ngày, bệnh không đỡ mà càng mệt mỏi, đau đầu hơn. Lúc này, gia đình mới đưa vào viện khám thì bác sĩ chẩn đoán chị bị quai bị.
Bác sĩ Phạm Thị Khương, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City trao đổi với VTV, bệnh quai bị ít gây biến chứng nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách. Nhưng khi không được theo dõi và điều trị đúng sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm như:
– Viêm màng não.
– Viêm buồng trứng ở bé gái (rất hiếm, chỉ xảy ra ở tuổi dậy thì), biểu hiện thường là đau bụng nhiều, cần được siêu âm để chẩn đoán.
– Viêm tinh hoàn ở bé trai: Triệu chứng xuất hiện khi vết sưng ở vùng mang tai giảm dần, trẻ cảm thấy đau đầu, sốt cao…
– Viêm cơ tim.
– Viêm tụy cấp.
Dưới đây là những sai lầm khi điều trị bệnh quai bị:
Dùng cao dán điều trị bệnh
Nhiều người khi thấy trẻ bị quai bị thường dùng cao dán vào sau mang tai con để điều trị. Tuy nhiên, miếng cao dán không có tác dụng điều trị bệnh quai bị mà chỉ có công dụng giảm đau, vì thế nên bạn không nên dán cao dán coi như phương pháp điều trị bệnh.
Thậm chí, nhiều trường hợp còn dùng bã trầu hay vôi bôi lên khu vực sưng sau tai để chữa quai bị.
Nhầm lẫn với bệnh viêm tuyến nước bọt
Triệu chứng bệnh viêm tuyến nước bọt gần giống bệnh quai bị, cũng gây sốt từ 38-39 độ C, vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan rộng ra xung quanh.
Điểm khác biệt là da vùng tuyến sưng tấy đỏ, nói và nuốt đau, có hạch viêm phản ứng ở góc hàm hoặc sau tai cùng bên.
Nếu không điều trị đúng, sau 7-10 ngày có thể chuyển sang viêm mạn tính tái phát. Cứ vài tháng lại bị viêm lại, làm biến dạng mặt.
Chăm sóc và phòng bệnh quai bị tại nhà
Bác sĩ Khương khuyến cáo, vì đây là căn bệnh khá dễ lây lan nên người bệnh cần phải cách ly từ 10-14 ngày để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, không làm vật trung gian truyền nhiễm bệnh.
– Hạn chế vận động, chạy nhảy, tốt nhất nên nghỉ ngơi hoàn toàn.
– Thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng nước sát khuẩn để súc miệng, đánh răng nhằm đảm bảo không lây nhiễm virus.
– Chế độ ăn uống cần chia thành nhiều bữa ăn, nấu kỹ, ăn đồ ăn lỏng hoặc súp để dễ ăn hơn.
– Nên dùng thêm những loại thuốc giảm ho, hạ sốt hoặc giảm đau để hỗ trợ điều trị bệnh.
– Tiêm vắc-xin là cách hiệu quả để ngăn ngừa quai bị. Trẻ trên 12 tháng tuổi nên tiêm vắc-xin phòng quai bị.
– Hạn chế đưa trẻ nhỏ đến những nơi đông người.
– Khi thấy dấu hiệu đau mang tai, sưng đỏ mang tai, đau vùng dưới hàm… nên đến bệnh viện khám bệnh để được điều trị đúng cách, tránh gây biến chứng.
– Không ăn uống chung với người bị bệnh quai bị.
Triệu chứng bệnh quai bị Khởi đầu triệu chứng bệnh quai bị không đặc hiệu như sốt nhẹ, đau người, kém ăn. Vì vậy, người bệnh có thể nhầm lẫn một với số bệnh khác mà không chú ý kiêng cữ, khiến cho bệnh nặng hơn. Sau 48 giờ thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khác như: – Sưng to vùng mang tai, có thể sưng 1 bên hoặc 2 bên, thường cách nhau vài ngày. – Đau họng và đau góc hàm. – Sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. – Đau cơ, mệt mỏi toàn thân. |
Lan Phương