Trong 5 tháng đầu năm 2018, có 4.201 ca mắc bệnh quai bị tại khu vực phía Nam, tăng 1,6 lần so với trung bình 5 năm trước.

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng, Phó Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Viện Pasteur Tp.HCM cho biết, có tới 15/20 tỉnh thành tại khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh quai bị tăng so với năm trước.

Tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân cao nhất là ở Bến Tre (88 ca), tiếp theo là 3 tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Khu vực phía Nam có hơn 4.200 ca mắc bệnh quai bị trong 5 tháng đầu năm
Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn quai bị. (Ảnh: VTC)

Bệnh quai bị nguy hiểm như thế nào?

Virus quai bị xâm nhập từ người này sang người khác qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ. Các biểu hiện khi nhiễm virus quai bị là sốt nhẹ, đau đầu, khó chịu, đau cơ.

Một vài biến chứng thường gặp là viêm tụy, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, viêm khớp, rối loạn chức năng thận, điếc… Phụ nữ mắc quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể sẩy thai hoặc sinh con dị tật, mắc vào 3 tháng cuối của thai kỳ dễ sinh non hoặc thai chết lưu.

Đặc biệt, biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới có thể dẫn đến vô sinh. Khoảng 7-30% người bệnh là nữ có biến chứng viêm tuyến vú và viêm buồng trứng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tp.HCM cho biết, để phòng bệnh quai bị hay sởi, rubella thì tiêm vắc-xin là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất.

Ngoài tiêm vắc-xin thì việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân về tác hại của bệnh, biết cách phát hiện sớm và khai báo dịch bệnh kịp thời hay vệ sinh cơ thể, môi trường cũng đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, mọi người nên thường xuyên súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối loãng, đặc biệt ở trẻ nhỏ; giữ nhà ở thông thoáng, tận dụng ánh sáng mặt trời.

Lan Phương