Phẫu thuật là các thủ thuật dùng trong ngoại khoa để trị liệu hoặc chẩn đoán bệnh. Người hiện đại cho rằng chỉ Tây y mới thực hiện được giải phẫu. Trên thực tế từ thời Trung Quốc cổ đại ngành ngoại khoa của Đông y đã rất phát triển và được ghi chép lại trong nhiều sách cổ.

Trong cuốn sách nổi tiếng Chư bệnh nguyên hậu luận thời nhà Tùy của thái y Sào Nguyên Phương có đoạn tự thuật: “Bệnh nhân đứt ruột do vết thương dao kiếm mà nhìn thấy hai đầu có thể nối liền lại được. Trước tiên dùng sợi tơ xuyên qua kim nối đoạn ruột đứt lại và dùng huyết gà bôi bên ngoài, không được làm cho khí tiết ra và dần đẩy vào trong. Nếu bệnh nhân bị lở loét mụn nhọt phải cắt bỏ, có thể dùng sợi tơ sống thắt vào mạch máu để loại bỏ”. Đây là đoạn văn miêu tả quá trình nối lại đường ruột của thầy thuốc xưa thông qua thủ thuật.

Vậy các bác sĩ Đông y cổ đại dùng công cụ nào để thực hiện và thao tác? Tại sao những tinh hoa này không được lưu truyền tới ngày nay?

Thuốc gây mê trong giải phẫu của Đông y thời cổ đại

Khi nói đến phẫu thuật thời cổ đại, người đầu tiên mọi người nghĩ tới và công nhận là ông tổ ngành phẫu thuật ngoại khoa của Đông y – Thần y Hoa Đà. Ông là người phát minh là Ma phí tán, loại thuốc gây mê sớm nhất trên thế giới. Đây là loại hỗn hợp rượu và thảo mộc được dùng qua đường uống. Sau khi dùng, toàn thân sẽ mất cảm giác và thầy thuốc có thể thực hiện thủ thuật mổ bụng cắt bỏ khối u. Đáng tiếc, hiện nay loại thuốc này đã bị thất truyền. Tuy nhiên sau đó cũng xuất hiện các loại thuốc gây mê khác.

Trong cuốn Ngoại khoa chính tông, Trần Thực Công danh y ngoại khoa đời Minh có đề cập, khi ông thực hiện thủ thuật loại bỏ polyp mũi đã sử dụng ‘Hồi hương thảo tán’ gây mê. Đây là loại dùng hai vị thuốc Hồi hương thảo, Cao lương khương làm thành thuốc gây mê cục bộ. Trong sách có miêu tả, trước tiên dùng bột Hồi hương thảo tán thổi hai lần vào niêm mạc mũi, sau đó dùng một sợi tơ đưa vào phần chân của polyp và xoắn chặt, kéo ra ngoài một cái, polyp sẽ rụng ra.

Ma phí tán, là loại thuốc gây mê đầu tiên trong lịch sử giải phẫu của Đông y. (Ảnh: ntdtv.com.tw)

Dao phẫu thuật thời cổ đại như thế nào?

Ngay từ trước thời Hoa Đà, đã có nhiều ghi chép về dụng cụ phẫu thuật của Đông y. Theo ghi chép trong Sơn Hải Kinh có viết: Trên vùng núi Cao Thị có rất nhiều ngọc, có một loại đá có thể dùng cắt bỏ ung nhọt rất tốt. (Nguyên văn: “Cao thị chi sơn, kỳ thượng đa ngọc, hữu thạch khả dĩ vi biếm châm, kham dĩ phá ung thũng giả dã”).

Vào thời điểm đó, người ta đã biết sử dụng Biếm thạch (một loại đá) để chế tạo các dụng cụ y tế khác nhau, ví dụ Biếm châm, Biếm liêm. Biếm liêm có hình dáng giống như lưỡi dao có thể dùng cắt bỏ khối u và thịt thối rữa. Dao phẫu thuật đầu tiên trên thế giới là di tích khảo cổ đời nhà Thương cách đây 3.400 năm tại phía tây Cảo Thành đài tỉnh Hà Bắc. Không những vậy, bản thân loại đá này có tác dụng dưỡng sinh trị bệnh, điều hòa khí huyết, khơi thông kinh lạc. Y học hiện đại cũng phát hiện, trong nó có chứa ít nhất 30 loại nguyên tố vi lượng có lợi cho cơ thể. Sau khi các loại dụng cụ bằng đồng và sắt thông dụng, mọi người bắt đầu dùng các kim loại này chế tác thành kim châm cứu, dao và các dụng cụ phẫu thuật khác.

Trong những đồ cổ khai quật được từ thời Tần Hán đến đời Đường xuất hiện nhiều dụng cụ thường gặp như hiện nay bao gồm kẹp, kéo đến thời Tống thì những công cụ ngoại khoa hoàn chỉnh ngày nay đều có. Những điều này được ghi chép cụ thể trong Thế y đắc hiệu phương và Vĩnh loại kiềm phương. Tại huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô còn đào được bộ dụng cụ y khoa từ thời nhà Minh, ngoài lưỡi dao bằng, kéo nhỏ, kẹp làm bằng đồng và sắt còn có một loại dao phẫu thuật giống hình lá liễu, một đầu có lưỡi nhọn giống loại giao làm phẫu thuật ngày nay.

Thần y Hoa Đà là ông tổ ngành phẫu thuật ngoại khoa của Đông y. (Ảnh: 17sysj.com)

Chỉ khâu dùng trong phẫu thuật thời cổ đại 

Thủ thuật khâu cũng là phát minh quan trọng trong lịch sử ngoại khoa của Đông y. ‘Tang bì tuyến’ hay sợi dâu tằm chính là một trong những loại chỉ khâu thường dùng. Phương pháp điều trị các vết thương ở bụng và ruột có sử dụng loại chỉ này được ghi lại trong cuốn San phồn phương như sau: Sợi dâu tằm được dùng để khâu ngoài bụng sau đó dùng bột Bồ Hoàng (Nguyên văn: “Tang bì tế tuyến phùng tràng phục bì, dụng bồ hoàng phấn phấn chi”).

Theo các bác sĩ Đông y xưa, phương pháp làm ra loại chỉ này rất đơn giản và thuận tiện hơn nữa không dễ bị đứt. Cách làm là trước tiên dùng cây dâu bỏ vỏ ngoài, ở tầng bên trong chọn gân to và dày rồi tước ra. Sau đó lại bỏ vỏ ngoài, và tước sợi ra bảy lần cho tới khi thu được sợi như tơ trơn nhẵn là được. Khi sử dụng, hấp trên nước sôi có cho cỏ thơm một chút, sợi chỉ sẽ mềm mại như nhung. ‘Tang bì tuyến’ có thể được hấp thu trong cơ thể nên sau khi khâu không cần cắt chỉ. Tang bì vốn là loại thảo dược có tính bình hòa, càng có công dụng thanh nhiệt giải độc, giúp mau lành vết thương.

Bác sĩ Đông y cổ đại khử trùng và cầm máu như thế nào?

Ngoại khoa Đông y thời cổ đại có các loại thuốc chuyên dùng trong ngoại khoa để bôi ngoài da, tắm, giúp da nhanh liền sẹo có tác dụng khử trùng và cầm máu rất tốt.

Tại sao phẫu thuật thời cổ đại không lưu truyền tới ngày nay?

Việc phát hiện ra các dụng cụ, cũng như ghi chép về các phương pháp phẫu thuật và dược thảo được sử dụng đi kèm lưu lại trong các thư tịch cổ, đủ để giải thích mức độ phát triển của phẫu thuật ngoại khoa thời Trung Quốc cổ đại. Thật không may, có nhiều thứ tinh hoa đó không được lưu truyền, vì vậy một số người thời hiện đại chỉ biết tới phẫu thuật của Tây y.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là tư tưởng một bộ phận người dân đang dần bị Tây hóa. Ngoài ra, cũng liên quan đến thói quen truyền thừa của Đông y và những thay đổi trong toàn bộ môi trường xã hội.

Việc truyền thừa của Đông y cũng tương tự như Đạo gia. Những thầy thuốc giỏi thường sẽ thu nhận rất nhiều đồ đệ, tuy nhiên trong đó chỉ có một người được chân truyền. Những bác sĩ Đông y được truyền thừa và có kinh nghiệm lâu năm thường tìm những đồ đệ có đạo đức, tâm tính và ngộ tính đều phải tốt, bảo đảm sau khi học thành nghề phải là những người đầy đủ về y đức và y thuật, mới có thể truyền lại những tinh túy trong nghề.

Những tinh hoa phẫu thuật của Đông y bị thất truyền bởi văn hóa truyền thống Trung Hoa bị hủy hoại. (Ảnh: epochtimes.com)

Việc học nghề Đông y hiện nay lại đang được phương tây hóa toàn cầu. Những người học về Đông y cũng cần học về Tây y, mới có thể được cấp bằng và chứng chỉ, mới được xã hội công nhận. Những người làm nghề trong dân gian, cho dù kế thừa y thuật cao thâm, mà không được học qua giáo dục hiện đại đều không được chấp nhận. Ngoài ra, do sự hỗn loạn của xã hội làm thuốc giả thuốc thật lẫn lộn khiến người thường khó phân biệt cũng làm những điều trân quý này khó phát hiện và lưu truyền lại.

Những tinh túy của Đông y suy tàn bởi văn hóa truyền thống Trung Hoa bị hủy hoại

Một trong những nguyên nhân gây ra sự suy tàn của Đông y, chính là vấn đề đạo đức của người làm nghề, cũng chính là vấn đề tu dưỡng đức tính. Dưới đây là những nguyên nhân hiện nay Tây y phát triển mạnh còn Đông y lại suy tàn:

1. Văn hóa truyền thống Trung Hoa đã bị hủy hoại, các quan niệm đúng đắn như thiên nhân hợp nhất, nhân quả thiện ác, nhân lễ nghĩa trí tín đã tiêu tan.

2. Hệ thống giáo dục Đông y hiện hành đi ngược lại với các hình thức truyền thống như sư phụ dạy cho đệ tử, truyền miệng và cảm nhận bằng tâm, tu luyện đức tính.

3. Lòng người nhiễu loạn, xã hội ngày càng tồi tệ, người làm Đông y có thể chạy theo danh lợi quá mức, về cơ bản không có nền tảng đạo đức và điều kiện cảm ngộ y học.

4. Vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng khiến bản thân thuốc Đông y đã có độc tính nhất định. Ngoài ra, vì lợi ích kinh tế, các xưởng thuốc sử dụng các cách bào chế thuốc phi pháp. Những yếu tố này đều làm giảm mạnh hiệu quả của thuốc, khiến người ta dần dần mất niềm tin vào Đông y.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định biên dịch