Khi dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng mỗi ngày, đi kèm với nỗi lo lắng dịch bệnh là sự hỗn loạn mua sắm tích trữ lương thực, thực phẩm. Bên cạnh khẩu trang, nước rửa tay, gạo, muối, một mặt hàng đang trở nên “cháy hàng” tại nhiều quốc gia là giấy vệ sinh.
Tại một số nơi, giấy vệ sinh khan hiếm khiến người dân tranh giành và đánh cắp giấy vệ sinh ở siêu thị, nhà vệ sinh công cộng.
Hiệu ứng đám đông
Theo báo Tuổi Trẻ, trên thực tế chưa hề có một nghiên cứu khoa học nào nhắc đến hiệu quả phòng chống COVID-19 của giấy vệ sinh. Tác dụng lớn nhất của giấy vệ sinh chính là… làm sạch sau khi chúng ta giải quyết nhu cầu đào thải phân. Nhưng tại sao chúng vẫn được nhiều người mua, thậm chí còn hơn cả một số loại lương thực khác?
Giải thích hiện tượng này, các chuyên gia tâm lý nói đầu tiên đó là hệ quả của “hiệu ứng đám đông”.
Trước hết, khi người ta đi mua sắm đề phòng dịch lan rộng, những món phục vụ cho nhu cầu cơ bản sẽ được đặt lên đầu tiên. Ví dụ như: nhu cầu ăn uống (rau, gạo, cá, thịt, mì…); nhu cầu mặc (quần áo cơ bản); nhu cầu vệ sinh cá nhân (bàn chải răng, khăn mặt, giấy vệ sinh).
Trong khi những mặt hàng kia có rất nhiều lựa chọn thay thế (không mua gạo có thể mua mì tôm, mì sợi, bánh mì hay đồ khô…) thì giấy vệ sinh lại không có thứ gì thay thế được.
Trong siêu thị, kệ hàng giấy vệ sinh thường chiếm diện tích lớn. Và khi chúng ta đi trong một dãy hàng hóa chật kín bỗng nhiên thấy một khoảng trống rỗng, lập tức sẽ thu hút sự chú ý.
Giấy vệ sinh có tác dụng như liều thuốc tâm lý
VnExpress đăng tải, Steven Taylor, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học British Columbia, tác giả cuốn Tâm lý học đại dịch đưa ra góc nhìn lịch sử về cách mọi người phản ứng và đối phó với dịch bệnh. So sánh với các đại dịch trong quá khứ, ông chỉ ra rằng phản ứng toàn cầu đối với COVID-19 là “cơn hoảng loạn lan rộng”.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ khuyến nghị người dân nên tích trữ thực phẩm, đồ dùng vệ sinh và vật tư y tế ít nhất cho hai tuần. Song ông Taylor cho biết hầu hết mọi người không làm vậy. Nhận được khuyến cáo, họ đẩy nó đến mức cực đoan.
“Một mặt, phản ứng này là dễ hiểu, nhưng mặt khác nó quá cực đoan. Chúng ta có thể chuẩn bị mà không cần phải hoảng loạn”, ông nói.
COVID-19 khiến người dân các nước lo ngại vì nó chưa từng xuất hiện trước đây. Có nhiều điều về căn bệnh, khoa học chưa thể lý giải. Khi có tin tức mâu thuẫn về rủi ro mà virus gây ra, nhiều người có xu hướng phản ứng cực đoan.
Taylor chia sẻ: “Mọi người được thông báo điều gì đó nguy hiểm đang đến, nhưng tất cả những gì bạn cần làm là rửa tay, một hành động dường như không tương xứng với mối đe dọa. Họ nghĩ một mối nguy hiểm đặc biệt phải cần một biện pháp phòng ngừa đặc biệt“.
Giáo sư Baruch Fischhoff, nhà tâm lý học tại Khoa Kỹ thuật và Chính sách công, Viện Chính trị và Chiến lược tại Đại học Carnegie Mellon cho rằng việc tích trữ còn đem lại cho con người cảm giác kiểm soát đối với một tình huống có vẻ như bất lực.
“Tùy thuộc vào cách mọi người ước tính khả năng cần giấy vệ sinh, họ sẽ không ngại khó khăn để mua chúng. Nếu điều này mang lại cảm giác rằng họ đã làm mọi thứ trong khả năng, giúp giải phóng tâm trí, để họ nghĩ về những thứ khác ngoài dịch bệnh”, ông nói.