Những ngày gần đây, các bệnh viện Hà Nội đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Trần Xuân Đ. 57 tuổi, ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội đang phải nằm điều trị vì bị ngộ độc methanol cấp.
Trước đó, ngày 17/12 người này uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở một quán gần nhà, một ngày sau có biểu hiện bị ngộ độc.
Theo Vnexpress, bác sỹ Nguyễn Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, tụt huyết áp, suy gan, suy thận, ngộ độc rất nặng.
Bệnh nhân được cấp cứu hồi sức, chống độc, đặt nội khí quản, lọc máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy methanol trong máu lên tới 169 mg/dL trong khi bình thường 20 mg/dL là rất nặng đã phải lọc máu.
Nồng độ methanol rất cao, nhưng lại không có Ethanol. Tức là uống rượu nhưng lại không có rượu mà chỉ có cồn công nghiệp, chứng tỏ loại “rượu” này được pha hoàn toàn từ cồn công nghiệp.
Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, đa số người ngộ độc methanol do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường. Nhà sản xuất vì lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu.
Methanol vào trong cơ thể được chuyển hóa thành chất độc, phát tác chậm. Người ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Sau 1-2 ngày bị ngộ độc methanol, bệnh nhân có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.
Nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm. Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng. Người thoát chết thì cũng chịu những di chứng nặng nề ở não, mắt do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…
Bác sỹ khuyến cáo, người dân hãy tự bảo vệ mình, đặc biệt là trong dịp lễ, tết; nên hạn chế uống rượu hoặc phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Năm 2016 ghi nhận hơn 60 trường hợp và con số này trong ba tháng của năm 2017 đang gia tăng nhanh chóng. Có đợt cùng lúc 7 sinh viên cùng ngộ độc rượu có Methanol nhập viện.
Nhiều trường hợp ngộ độc rượu may mắn thoát chết thì hậu quả cũng để lại di chứng nặng nề. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, số ca ngộ độc methanol đã bằng năm 2016.
Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), 10 năm qua, toàn quốc có 382 người bị ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, trong đó có 98 người tử vong.
Methanol độc như thế nào?
Methanol (còn gọi metylic ancohol) là rượu có công thức hóa học đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy với một mùi đặc trưng, rất giống ethanol. Methanol là chất rất độc, với lượng nhỏ gây mù, nhiều hơn có thể tử vong dễ dàng.
Để hạ giá thành sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất đã pha methanol vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ nên thường mua phải rượu có lẫn tạp chất methanol, uống nhiều có thể gây chết người.
Methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hoá thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, gây suy thận cấp, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề.
Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi uống hoặc có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. Thường có hai giai đoạn, gồm:
Giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu): triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ, ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc không được phát hiện.
Giai đoạn biểu hiện ngộ độc: nôn mửa, đau bụng, phản ứng chậm, đi đứng xiêu vẹo; giảm khả năng nghe, nhìn, ngửi. Ngoài ra, trí nhớ giảm sút, thiếu kiềm chế hoặc ngộ độc nặng có thể dẫn đến bất tỉnh, xanh tái, tử vong.
Xử lý khi ngộ độc rượu và cách phòng tránh
Cách xử lý ngộ độc rượu:
Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn.
Nếu bệnh nhân không tỉnh hoặc tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị… cần phải đưa tới bệnh viện khám.
Phòng tránh ngộ độc rượu:
– Không mua và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không nhãn mác.
– Không uống rượu tự pha chế, ngâm lá, rễ khi không biết rõ về độc tính của nó.
Phương Nam