Các bác sĩ luôn nhắc nhở bạn vệ sinh thế này, sạch sẽ thế kia, và bạn vẫn luôn chú ý giữ gìn. Vậy nhưng ngay chính tại nơi bạn ở, với các đồ vật hàng ngày vẫn dùng đến thì có những điều bạn không ngờ tới: thứ tưởng là bẩn nhất lại sạch hơn nhiều những thứ bạn cảm thấy sạch sẽ và vẫn “áp má kề môi”…

Ảnh: Internet

Bạn muốn biết trong các vật dụng hàng ngày thứ nào chứa nhiều vi khuẩn nhất? Hãy nghĩ về những đồ dùng bạn vẫn thường bỏ qua trong khâu lau chùi và khử khuẩn. Lấy ví dụ như trong nhà tắm, thì bệ ngồi bồn cầu lại thường là nơi sạch nhất vì chúng được lau chùi thường xuyên, theo giáo sư về vi sinh học tại trường Đại học Arizona Hoa Kỳ Charles Gerba.

Giáo sư Gerba  và những cộng sự đã nghiên cứu những nơi bẩn nhất trong căn bếp, buồng tắm, không gian làm việc… và kết quả có lẽ sẽ khiến bạn phải bất ngờ.

Không phải bệ bồn cầu, chiếc khăn tắm treo cạnh bồn rửa mặt mới là một trong những vật dụng chứa nhiều vi khuẩn trong phòng tắm. Vi khuẩn đặc biệt thích những nơi ẩm ướt, có độ ẩm cao. Chiếc khăn tắm là vật dụng không thể thiếu, thường bị thấm nước trong lúc tắm hoặc rửa mặt, nên chính điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ.

Chiếc khăn bạn vẫn dùng để lau mặt mỗi buổi sáng hoặc khi đi đâu đó về, cũng nhiều vi khuẩn không thua kém gì khăn tắm, thậm chí còn nguy hiểm hơn, vì nó thường xuyên được nhúng nước hơn, và cũng tiếp xúc với đủ thử từ tay, gỉ mắt, gỉ mũi, ráy tai, mụn nhọt trên mặt…

Ảnh: Internet

Thêm nữa, hầu hết mọi người không rửa tay đúng cách, nên khi chạm tay vào khăn tắm, có thể bạn đã giới thiệu một nơi trú ẩn tuyệt vời cho vi khuẩn. Đồng thời nhiều người cũng không thường xuyên giặt khăm tắm, vì vậy lời khuyên ở đây là giặt khăn và phơi nắng sau mỗi 2 ngày sử dụng, theo giáo sư Gerba.

Một ổ chứa vi khuẩn khác trong phòng tắm là cán bàn chải đánh răng. Mọi người không bao giờ vệ sinh chúng, giáo sư Gerba cho hay. Một báo cáo cho biết 27% cán bàn chải đánh răng là nơi trú ẩn của vi khuẩn họ Coliform, một họ vi khuẩn gây bệnh trong đó có Salmonella và E. coli. Bạn có nhớ vi khuẩn Coliform là gì không? Ví như trong nước có Coliform thì có nghĩa là đã có dấu hiệu nhiễm phân! Chiếc bàn chải này cũng không ngoại lệ.

Ảnh: Internet

Chuyển đến căn bếp, tấm rửa bát đáng tin cậy, giúp bát sạch ngon cơm lại là kẻ thù số một của sức khỏe. Trên thực tế, đây có thể là vật dụng bẩn nhất trong mái ấm của bạn, theo giáo sư Gerba. Theo ông, tấm rửa bát có thể là ngôi nhà cho hàng trăm triệu vi khuẩn. Nghiên cứu cũng phát hiện ¾ số tấm rửa bát chứa họ vi khuẩn Coliform. Một số giẻ rửa bát dạng lưới, và ngay cả những giẻ thông thường còn dính lẫn cả các thớ thịt/cá sống sau khi rửa, và chúng cứ như vậy qua ngày tháng mà tích lũy thêm. Thật đáng ngại!

Ảnh: Internet

Đối với vật dụng được chúng ta chạm vào nhiều nhất, giáo sư Gerb cho hay điện thoại thực sự là một ổ chứa vi khuẩn lớn. Để minh họa, các nghiên cứu cho thấy cứ 6 chiếc điện thoại thì có một chiếc được phát hiện là nhiễm chất phân.

Ảnh: Internet

Cuối cùng, khi rời khỏi tổ ấm, hãy để ý đến xe đẩy hay giỏ hàng ở siêu thị. Gần 100% là ngôi nhà của vi khuẩn gây bệnh E.coli, vì mọi người đang liên tục chạm vào tay cầm sau khi đụng đến những thực phẩm tươi sống.

Xe đẩy chở hàng ngoài siêu thị có thể chứa cả tỷ vi khuẩn… (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến cả tá những vật dụng cực bẩn khác, như ví tiền, chìa khóa xe, bàn phím… Đây đều là những vật dụng rất cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày, bạn không thể không tiếp xúc với chúng được. Vậy bạn cần làm gì để không bị lây nhiễm vi khuẩn từ những ổ chứa này? Đừng vội chạy ra ngoài và mua về dung dịch tẩy rửa chứa nhiều hóa chất, rồi hỳ hục kỳ cọ những vật dụng trên. Phần nhiều trong số đó không có hiệu quả, ngoài ra một số hóa chất trong đó có thể mang đến cho bạn nguy cơ gây ung thư và một số mối lo ngại sức khỏe khác.

Thay vào đó, bạn nên chú ý hơn vào việc làm sạch đôi bàn tay – một trong những bộ phận tham gia hầu hết các hoạt động hàng ngày. Theo giáo sư Gerba thì phần đa mọi người đều nhận những vi khuẩn nguy hiểm khi ở ngoài nhà. Do đó bằng hành động đơn giản là rửa tay ngay sau khi về nhà, bạn đã có thể giảm một nửa nguy cơ nhiễm phải những vi khuẩn này. Tất nhiên, thường xuyên vệ sinh những dụng cụ kể trên cũng là một biện pháp hữu hiệu để cuộc sống của bạn trở nên “sạch sẽ” hơn.

Theo Time.com
Đại Hải biên dịch

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.