Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung, nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống, sản phụ mang thai 36 tuần, sinh con lần thứ 3. Cách đây 2 năm, bệnh nhân có tiền sử mổ thai ngoài tử cung tại vị trí sừng trái tử cung.
Qua thăm khám, bệnh nhân được chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị. Đến ngày 2/8, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển sinh non, các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu để lấy thai. Bệnh nhân có sẹo mổ cũ khá phức tạp. Trong quá trình mổ lấy thai, các bác sĩ phát hiện tử cung bị vỡ góc sừng trái, kích thước 1,5×3 cm, tương ứng với vị trí mổ chửa ngoài tử cung trước đó, theo Báo Lao Động.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, sản phụ và thai nhi đã được cứu sống và dần phục hồi sức khoẻ.
Theo ThS.BS Trần Anh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh BV Sản Nhi Nghệ An, vỡ tử cung là tai biến sản khoa có thể xảy ra với bất kỳ bà bầu nào, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Với bà mẹ từng phải mổ đẻ từ 2 lần trở lên, trước khi có quyết định sinh thêm em bé, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình mang thai, nếu thấy có triệu chứng bất thường, cần đến ngay bệnh viện gần nhất để tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.
Vỡ tử cung trong khi mang thai có thể xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân gây vỡ tử cung có thể chia làm 3 nhóm: Vỡ tử cung tự nhiên (nguyên nhân về phía mẹ); nguyên nhân về phía thai hoặc vỡ tử cung do can thiệp bởi các thủ thuật sản khoa. Những triệu chứng điển hình của vỡ tử cung: – Chảy máu âm đạo – Đau dữ dội giữa các cơn co – Các cơn co chậm lại và dần dần bớt mạnh – Đau bụng bất thường – Đầu thai nhi di chuyển trở lại vào ống sinh – Sưng phồng dưới xương mu (đầu bé đã nhô ra ngoài vết sẹo tử cung) – Đau dữ dội tại một vùng hoặc tại vết mổ cũ – Nhịp tim của mẹ tăng nhanh, hạ huyết áp – Tim thai bất thường, nhịp tim giảm hoặc chậm cũng liên quan đến nguy cơ vỡ tử cung. |
Lan Phương