Một số loại hóa chất trong các sản phẩm thuốc nhuộm tóc có thể sẽ khiến khuôn mặt của bạn bị sưng vù biến dạng…

Để chứng minh về những nguy hiểm có thể xảy ra khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp chứa nhiều hóa chất, một cư dân mạng đã tải lên Imgur hình ảnh khuôn mặt bạn mình bị sưng tấy biến dạng chỉ vì thuốc nhuộm tóc.

Những bức ảnh cũng là lời nhắn nhủ tới các bạn nữ muốn làm đẹp bằng các loại mỹ phẩm: Hãy hỏi ý kiến chuyên gia hoặc thận trọng thử nghiệm với một lượng sản phẩm nhỏ, nếu không rất có thể bạn sẽ là nạn nhân kế tiếp…

Ngày thứ nhất: Tá hỏa vì dị ứng

Làm đẹp sai cách (Ảnh: Thechosenginger, Imgur)
(Ảnh: Thechosenginger, Imgur)

Thông thường, tại những cửa hàng nhuộm tóc chuyên nghiệp, các nhân viên đều phải sử dụng một lượng sản phẩm nhỏ trước để thử xem khách hàng có bị dị ứng không trước khi hẹn họ quay lại làm tóc. Tuy nhiên, nếu tự nhuộm tóc tại nhà thì các bạn nữ thường bỏ qua công đoạn này.

Ngày thứ hai: Mặt tiếp tục sưng to hơn

(Ảnh: Thechosenginger, Imgur)
(Ảnh: Thechosenginger, Imgur)

Điều gì đã dẫn tới việc cô gái này bị dị ứng? Theo bác sĩ, đó là do chất PPD có trong thuốc nhuộm tóc. Hóa chất này được sử dụng để giúp giữ màu tóc được lâu hơn.

Ngày thứ ba: Chưa hề có dấu hiệu giảm bớt

(Ảnh: Thechosenginger, Imgur)
(Ảnh: Thechosenginger, Imgur)

Sử dụng PPD sẽ khiến tóc vẫn giữ được màu sau nhiều lần gội. Thông thường, các trường hợp dị ứng nhẹ sẽ bị sưng mắt và tai. Trong các trường hợp nặng hơn, da đầu và mặt sẽ sưng to. Nặng hơn nữa thì mặt sẽ bị sưng đến độ bạn không còn có thể nhìn. Và trong một số trường hợp, bạn thậm chí sẽ bị viêm da và chảy dịch nghiêm trọng.

Ngày thứ tư và năm: Mặt đã dần bớt sưng

(Ảnh: Thechosenginger, Imgur)
(Ảnh: Thechosenginger, Imgur)

Người phụ nữ này vẫn còn khá may mắn, và chỉ việc chờ một tuần để các phản ứng của cơ thể dịu lại. Tuy nhiên có những trường hợp sẽ không được êm xuôi như vậy.

Lời khuyên của bác sĩ

Theo báo Sức khỏe gia đình, BS.CK II Lê Anh Thư, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia cho biết: Dị ứng thuốc nhuộm tóc chủ yếu là do cơ địa của từng người. Với những người có cơ địa dị ứng, cơ thể sẽ phản ứng với các hóa chất trong thuốc nhuộm. Do thành phần của các loại thuốc nhuộm khác nhau nên có người dị ứng với loại thuốc nhuộm này nhưng lại không dị ứng với loại thuốc khác. Do vậy, khi dị ứng, bạn không nên đổ lỗi hoàn toàn cho sản phẩm.

Trong những trường hợp nặng nhất, người bệnh thường có dấu hiệu ngứa ngáy ngay tại vùng đầu, sưng đỏ và chảy dịch nhiều. Thậm chí, tình trạng này còn lan cả xuống trán, mặt và những vùng khác có tiếp xúc với thuốc. Tình trạng ngứa ngáy khiến người bệnh thường hay gãi mạnh dẫn đến trầy xước, nhiễm trùng và rụng tóc.

Trong thành phần thuốc nhuộm tóc chứa các chất không hề “thân thiện” với da và tóc như: Paraphenylenediamin (PPD), toluene-diamine-sulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine và aminophenol. Các chất này khiến tóc ngày càng yếu, mất độ bóng mượt, khô, xơ, dễ gãy rụng… Đặc biệt, chúng có thể làm tăng nguy cơ viêm chân tóc, viêm da tiếp xúc, dị ứng vùng da đầu sử dụng thuốc nhuộm tóc, thậm chí cả vùng da lân cận như: mí mắt, mặt, cổ…

BS. Lê Anh Thư khẳng định: Việc thử thuốc trước khi nhuộm là một bước vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thao tác này lại không được chú trọng. Để thử thuốc, trước khi nhuộm, bạn bôi thuốc định dùng lên mặt trong cánh tay. Đây là vùng da rất nhạy cảm. Sau khoảng 1 đến 2 ngày, nếu không thấy có hiện tượng ngứa, mẩn đỏ thì có thể sử dụng.

Cũng theo báo Sức khỏe gia đình, BS. Thư khuyến cáo:

  • Những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc… hoặc đã dị ứng thuốc nhuộm tóc một lần cần hết sức thận trọng.
  • Bệnh nhân mắc bệnh ở da đầu, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên nhuộm tóc. Thuốc nhuộm tóc sẽ thấm qua vùng da bị bệnh gây nhiều biến chứng.
  • Không nên thay đổi loại thuốc nhuộm thường xuyên. Khoảng cách giữa các lần nhuộm tối thiểu là 2 – 3 tháng.
  • Cần lựa chọn thuốc có chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thử thuốc trước khi sử dụng.
  • Những biện pháp uống thuốc chống dị ứng hoặc bôi dầu ăn lên đầu đều chỉ là mẹo hạn chế và giảm nhẹ tình trạng dị ứng mà thôi.
  • Khi phát hiện bất thường như ngứa rát, mẩn đỏ, phồng rộp, chảy dịch… cần gội đầu sạch và đi khám chuyên khoa da liễu, dị ứng để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hay sử dụng mỹ phẩm khác.

Quang Minh tổng hợp

Xem thêm: