Từ xa xưa, rau dền được xem là một thức rau dân dã ngày hè, xuất hiện tự nhiên trong bữa cơm quê nhà. Về sau, có nhiều giống rau dền được phổ cập hơn cùng với những lợi ích tuyệt vời mà khoa học hiện đại khám phá ra. Dền đỏ cũng thuộc họ rau dền vừa cho món ăn ngon lại có tác dụng trị bệnh tốt.
Rau dền có nhiều loại như dền cơm, dền đỏ, dền trắng, dền gai… Dền đỏ (còn gọi là dền tía) là loại có lá lớn màu đỏ tía, thân mọng nước; khi nấu chóng nhừ, thường được dùng để luộc hoặc nấu canh, nước màu đỏ tía ngọt mát. Cây dền tía được thổ dân châu Mỹ dùng làm rau ăn cách đây hàng ngàn năm.
Ngày nay, dền đỏ được trồng bạt ngàn trên các cánh đồng ở châu Mỹ như dân ta trồng lúa và được xem là một loại thức ăn thông dụng. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện khả năng thải trừ chất phóng xạ trong cơ thể con người của loại dền này.
Công dụng của rau dền đỏ
Theo y học cổ truyền, rau dền đỏ có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết, lợi tiểu, sát trùng, dị ứng mẩn ngứa… Danh y Lý Thời Trân (thời Minh, Trung Quốc) cho rằng rau dền đỏ có tác dụng trị nhiệt lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt.
Về giá trị dinh dưỡng, rau dền đỏ chứa nhiều protid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng. Hàm lượng chất sắt trong rau dền nhiều hơn so với bó xôi, hàm lượng canxi gấp 3 lần.
Theo Soha, trên tờ Sức khỏe và Đời sống năm 1995, DS Bảo Hoa có bài viết ghi nhận những giá trị to lớn của rau dền đối với vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe của con người như sau: Hạt rau dền đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là loại rau dền ở Cu-ba, với hàm lượng tinh bột 62%, chất béo 6%, protid 16 – 18%, cao hơn cả lúa mì và các loại ngũ cốc khác.
Đặc biệt trong hạt rau dền tía có một loại acid amin – lysine thiết yếu mà cơ thể con người không thể tự tạo ra, với hàm lượng cao hơn ngô 3 – 3,5 lần, lúa mì 2 – 2,5 lần. Từ hạt dền tía, người ta ép được một thứ dầu dùng làm nguyên liệu để sản xuất các thuốc chống viêm (steroid).
Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chú ý đến rau dền đỏ để giải quyết vấn đề protid. Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO) đã khẳng định vai trò của rau dền đỏ là một loài cây kinh tế phụ
Các bài thuốc từ rau dền đỏ
Bài 1: Thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá
Dền đỏ 100g, dền cơm 50g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g (hoặc thay bằng rau đay 50g); nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua.
Bài 2: Giúp nhuận tràng
Lấy 1 nắm rau dền đỏ luộc trong 3 phút, trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen ăn với cơm. Cũng có thể nấu dạng canh. Đối với trẻ em và người già có thể nấu cháo bằng nước rau dền ăn.
Bài 3: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
Rau dền đỏ 20g, lá mã đề non 20g, lá dâu bánh tẻ 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu canh, thêm gia vị cho vừa ăn hằng ngày, dùng 10 ngày/liệu trình.
Bài 4: Lở ngứa do huyết nhiệt (tâm trạng bứt rứt, khát không muốn uống, ngừoi nóng về đêm nặng hơn, phát ban, chảy máu mũi, đại tiện ra máu…)
Rau dền đỏ 20g, kim ngân hoa 12g, ké đầu ngựa 16g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày, 10 ngày/liệu trình.
Bài 5: Phụ nữ sau sinh nóng trong, đại tiện khó
Dền đỏ 50g, rửa sạch thái khúc, nấu bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày, 5 ngày một liệu trình.
Ngoài ra, rễ rau dền phối hợp với rễ bí ngô, sắc uống chữa chảy máu do sảy thai.
Bài 6: Chữa vết ong đốt
Nếu bị ong đốt thì lấy rau dền vò nát, xát cả vào vết đốt là khỏi.
Lưu ý: Rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người đại tiện lỏng và tiêu chảy mạn tính, phụ nữ có thai hư hàn.
Ngày nay, cuộc sống thay đổi, có nhiều loại rau củ mới xuất hiện. Nhưng rau dền vẫn âm thầm xuất hiện trong những mâm cơm từ nông thôn đến thành thị, mang lại giá trị dinh dưỡng, lợi ích sức khoẻ cho người sử dụng.
Mộc Chi