Trong khu vực sinh hoạt của gia đình có 3 trẻ tử vong, mới đây, chuyên gia đã lấy được mẫu đất có nhiễm khuẩn Whitmore.  

Ngôi Sao đăng tải, liên quan đến vụ 3 trẻ trong cùng một gia đình ở huyện Sóc Sơn tử vong trong thời gian ngắn, chiều 7/12, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố kết quả xét nghiệm mẫu đất lấy từ khu vực sinh hoạt của gia đình này, trong đó, một mẫu có vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Đây là mẫu đất được lấy ở độ sâu dưới 90 cm nằm trong khu vực sinh hoạt của gia đình.

Kết quả xét nghiệm cho biết, 2 bé dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Đầu tháng 4, gia đình này có một bé gái 7 tuổi tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ sau 3 ngày sốt.

Bệnh Whitmore được ghi nhận nhiều ở Australia, Đông bắc Thái Lan. Ngoài ra Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào và Việt Nam cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác.

Tại Viêt Nam, bệnh Whitmore được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP. HCM, sau đó là Hà Nội, Huế. Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, cả nam và nữ. Những người có nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Vi khuẩn Whitmore sống sâu dưới lòng đất (ảnh: Dân Trí).

Ngoài ra, những người có các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch dễ bị mắc bệnh, diễn biến trầm trọng và nguy cơ tử vong cao hơn.

Trên Dân Trí, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

– Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

– Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

– Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

– Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

– Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

Video xem thêm: Mẫu đất tại gia đình có 3 trẻ chết chứa khuẩn Whitmore

videoinfo__video3.dkn.tv||437d5a878__