Ong mật là loài côn trùng cho con người các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và sinh lý lớn, vì vậy người ta thường gọi “con ong là dược sĩ có cánh”. Một số sản phẩm của ong hay gặp như: mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, phấn hoa, nọc ong, keo ong. Từ xa xưa, trong dân gian và y học phương Đông, phấn hoa ong được coi là loại thuốc quý và bổ dưỡng đối với sức khỏe. Phấn hoa ong khá quen thuộc với mọi người nhưng công dụng của phấn hoa có thể làm bạn ngạc nhiên.
Phấn hoa ong được những con ong thợ thu hoạch có chọn lọc từ phấn hoa của các loài cây khác nhau. Phấn hoa được chia làm 2 loại: anemophile – phấn của các loại hoa thụ phấn nhờ gió, hạt phấn nhỏ, không có nhiều dinh dưỡng, và thường gây dị ứng, ong không đến hút mật và gom phấn ở hoa của những loại cây này; entomophile – phấn của các loại hoa thụ phấn nhờ côn trùng, hạt phấn to hơn, có mùi thơm và nhiều dinh dưỡng hấp dẫn ong đến hút mật và gom phấn về tổ. Phấn hoa ong có các màu khác nhau như màu vàng, đôi khi có cả màu đỏ, đen tùy thuộc vào nguồn hoa.
Phấn hoa ong được coi là thực phẩm bổ sung có dinh dưỡng rất cao. Thành phần hóa học và dinh dưỡng của phấn hoa khá phức tạp, tùy thuộc vào nguồn hoa mà phấn hoa ong có thành phần khác biệt, trong đó có các loại vitamin, khoáng chất, protein, các axit amin, men, các chất béo, hoóc môn tự nhiên, các chất kháng sinh tự nhiên.
Phấn hoa ong là nguồn cung cấp đạm lớn, trong phấn hoa ong hàm lượng chất đạm chiếm 10-35% tùy theo nguồn hoa, trung bình khoảng 20-25%. Trong đó có tới 40-50% là ở dạng các axit amin tự do với nhiều loại axit amin thiết yếu, cao gấp 5-7 lần so với hàm lượng axit amin tự do trong thịt, trứng, sữa. Do vậy từ xa xưa, người dân đã biết dùng để bồi bổ cơ thể.
Theo y học phương Đông, phấn hoa ong có vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ, cường tráng, ích khí dưỡng huyết, bổ thận điều tinh, thường dùng cho những trường hợp tâm tỳ suy nhược, thận tinh bất túc biểu hiện bằng các triệu chứng như mỏi mệt rã rời, bồn chồn bực bội, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay quên, ăn kém, suy giảm tình dục, đau lưng mỏi gối, liệt dương di tinh, xuất tinh sớm, tiểu đêm nhiều lần, muộn con, tắt kinh sớm…
Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh cho rằng nếu dùng phấn hoa lâu ngày có thể làm cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, khí lực sung mãn và trẻ lâu, sống thọ.
Thường trong phấn hoa ong có khoảng 11 loại vitamin khác nhau: B1, B2, B3, B6, B9, B, A, K, D, P và vitamin PP đều tồn tại ở dạng dễ hấp thu và tỷ lệ các chất phù hợp giúp cơ thể có thể dễ dàng sử dụng. Với bất kỳ loại phấn hoa ong nào cũng có khoảng từ 5.000 đến 9.000 µg carotenoit (tiền vitamin A), cao hơn gấp 20 lần so với trong cà rốt. Hàm lượng các loại vitamin như B1, B2, B3, E có trong phấn hoa ong cao hơn hẳn trong các loại trái cây và rau xanh… Ngoài ra, trong phấn hoa còn có các chất chống oxy hóa khác như các chất thuộc nhóm flavonoid: rutin (tiền vitamin P), flavin (sắc tố)…
Vì vậy phấn hoa ong còn dùng cho bệnh thần kinh, có tác dụng chống lão hóa, phòng chống các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, chống lại tia phóng xạ X …
Trong phấn hoa ong có tới 59 thành phần khoáng chất khác nhau: K, Ca, Na, P, Mg, S, Cu, Fe, Zn,… chúng tồn tại ở dạng tự nhiên dễ tiêu hóa – chiếm khoảng từ 1-7% khối lượng tùy loại phấn hoa ong. Nguồn khoáng chất tự nhiên phong phú giúp tăng cường hệ miễn dịch, chữa viêm loét dạ dày, viêm đại tràng mạn tính, hệ nội tiết, chống dư thừa axit…
Ngoài các chất dinh dưỡng có trong đó, phấn hoa ong còn có một hệ men phong phú amylaza, catalaza, cozymaza, cytochrome, dehydrogenaza, diaphoraza, diastaza, pectaza, phosphataza… những men này giúp kích thích hệ tiêu hóa, vì vậy mà phấn hoa ong còn được dùng hỗ trợ điều trị chứng kém ăn. Ngoài hệ men sinh học, phấn hoa ong còn chứa một hàm lượng đáng kể các chất kháng sinh tự nhiên giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Người ta thường dùng phấn hoa bằng cách ăn tự nhiên, pha với nước sôi để uống, ngâm rượu hoặc trộn lẫn với mật ong để dùng. Khi mới dùng nên dùng lượng nhỏ, liều dùng ở người trưởng thành tối đa nên dùng từ 5-10g, trẻ em thì giảm bớt từ 2-3g, chia làm 2-3 lần. Cần cẩn thận với những người bị dị ứng với phấn hoa.
Dùng phấn hoa phải biết cách bảo quản nếu không thì chất lượng sẽ giảm dần. Tốt nhất nên mua ở những cơ sở chế biến có đủ các trang bị để làm khô triệt để, diệt được hết vi khuẩn và trứng côn trùng. Khi mua về, sau mỗi lần dùng, cần đóng nắp lọ thật chặt và để trong tủ lạnh hoặc bịt kín miệng lọ, để ở nơi thoáng mát và khô ráo.
Xuân Hiền