PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết qua khám thần kinh, tâm lý, ngộ độc, tìm hiểu triệu chứng, môi trường… bước đầu đoàn công tác xác định một số học sinh ở Nà Bản, Bắc Kạn có biểu hiện của rối loạn phân ly tập thể.
Ngày18/12, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tới điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) kiểm tra, thăm khám và bước đầu xác định nguyên nhân khiến nhiều em bị ngất, trở nên hung dữ bất thường.
Qua thăm khám, các chuyên gia bước đầu chẩn đoán 9 học sinh ở trường Nà Bản bị mắc chứng rối loạn phân ly. (Ảnh: redcross.org) |
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: Qua khám thần kinh, tâm lý, ngộ độc, tìm hiểu triệu chứng, môi trường… bước đầu đoàn công tác xác định đây là biểu hiện của rối loạn phân ly tập thể.
“Hiện các học sinh đã trở lại bình thường và không tái phát. Các em có thể trở lại lớp học bình thường. Những học sinh này tiếp tục được theo dõi. Bên cạnh đó, đoàn công tác sẽ tiếp tục tìm hiểu, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để đưa ra kết luận nguyên nhân của hiện tượng trên”, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay.
Trước đó, thông tin nhiều học sinh của điểm trường Nà Bản có biểu hiện liên tục bị ngất, trở nên hung dữ bất thường, nhiều em tự nhiên chạy ra khỏi lớp, chạy thẳng lên đồi, suy kiệt sức khỏe… khiến cho giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương lo lắng.
Hiện tượng ngất, bất tỉnh tạm thời có thể diễn ra nhanh, từ 3 – 5 phút, một số trường hợp kéo dài đến 20 phút. Sau khi tỉnh dậy, phần lớn các em đều không nhớ gì.
Điểm trường Nà Bản thuộc Trường Tiểu học Xuân Lạc có 5 lớp học với 108 học sinh. Cách đây 2 năm, điểm trường đã có 2 học sinh có những biểu hiện như trên.
Theo các chuyên gia, rối loạn phân ly (RLPL) là một dạng của ám thị, hậu quả của sự quá tải. Đây là một dạng bệnh tâm thần kinh, có liên quan đến các chấn thương tâm lý, thường gặp nhất ở lứa tuổi 15 – 17. Đặc trưng của RLPL là có thể gây phản ứng dây chuyền, khiến nhiều người cùng mắc.
Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3 – 0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể lớn.
Rối loạn phân ly thường gặp ở những người thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não.
Rối loạn phân lý có những dấu hiệu đặc trưng:
- Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân bị tăng cảm giác đau. Thường nhầm với các triệu chứng đau ngoại khoa như đau viêm ruột thừa, đau giun chui ống mật, đau vùng trước tim, đau dây thần kinh hông…
- Sững sờ phân ly: Vận động tự chủ giảm hoặc mất, người bệnh nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, không nói và không hoạt động, không có các đáp ứng với một số kích thích như tiếng động, không mất ý thức, 2 mắt mở hoặc nhắm nghiền…
- Rối loạn các giác quan: mù, điếc phân ly, mất vị giác và khứu giác phân ly, các rối loạn thực vật – nội tạng phân ly.
- Rối loạn vận động: lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, run toàn thân hoặc run cục bộ một phần chi thể, . Bệnh nhân có thể liệt phân ly với các biểu hiện như liệt cứng, liệt mềm, một chi, hai chi hoặc cả tứ chi…
- Rối loạn tâm thần: quên, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy…
- Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Mất ý thức tạm thời. Hành động của cá nhân như một nhân cách khác, một linh hồn khác, một vị thần hoặc một lực lượng nào đó điều khiển.
- Xuất hiện một số động tác, tư thế, lời nói hạn chế và lặp lại. Các rối loạn đó xuất hiện không tự ý, không mong muốn và xuất hiện giữa các hoạt động thông thường xảy ra.
Để dự phòng bệnh này, nên phổ biến rộng kiến thức liên quan đến rối loạn phân ly, đồng thời chú y rèn luyện tính cách cho các em ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công việc.
Phương Nam