Liên quan đến thông tin nhiều học sinh của điểm trường Nà Bản (Bắc Kạn) có biểu hiện của rối loạn phân ly như: liên tục bị ngất, hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe… Bác sỹ BV Bạch Mai đã có phản hồi về vấn đề này.
Ths.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi và Người già, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Theo tâm thần học, rối loạn phân ly là một loại rối loạn liên quan đến stress, căng thẳng. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh giống như những cơn phân ly, có thể là cơn co giật, cơn lời nói hoặc cơn âm thanh như: Giãy giụa, la hét… nhưng không rối loạn ý thức.
Khi bị stress thì thay vì tỏ ra buồn chán hay căng thẳng thì người bệnh sẽ biểu hiện bằng những cơn co giật, đó là sự chuyển đổi từ dạng căng thẳng sang dạng căng thẳng khác. Mặc dù có biểu hiện triệu chứng bệnh nhưng khi làm các xét nghiệm thì không thấy các tổn thương, chẳng hạn có cơn co giật nhưng không có tổn thương về mặt giải phẫu, sinh hóa…
Rối loạn phân ly thường gặp ở những người có đặc điểm tính cách dễ bị ám thị như: Dễ tin tưởng, nghe lời người khác, cảm xúc thay đổi thường xuyên, phô trương, lòe loẹt… Đặc biệt, những cơn phân ly thường xuất hiện sau những stress.
Theo BS. Thiện, các biểu hiện của rối loạn phân ly dễ thành dây chuyền khi những người có tính cách dễ bị ám thị ở gần nhau. Chỉ cần một người có các biểu hiện của cơn phân ly là những người khác cũng có thể bị theo như: Một người khóc thì những người kia cũng khóc, một người co giật thì những người kia nhìn thấy cũng có thể co giật theo… Tuy nhiên, nếu chỉ có một cơn phân ly thì chưa thể chẩn đoán bệnh ngay mà cần phải theo dõi các triệu chứng của bệnh nhân trong vòng từ 1- 6 tháng và tần suất diễn ra các cơn phân ly.
“Rối loạn phân ly hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện và can thiệp sớm và không ảnh hưởng đến tư duy hay sự phát triển trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, nếu để lâu, với các cơn phân ly co giật thường xuyên và kéo dài thời gian hơn sẽ có ảnh hưởng đến não. Bởi khi các cơn phân ly xuất hiện sẽ làm cho vỏ não mất ức chế, lâu dần vỏ não sẽ bị suy yếu và chức năng kiểm soát cũng kém đi”, BS. Thiện cho biết.
Cách điều trị rối loạn phân ly
Chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý. Liệu pháp ám thị thường được áp dụng có hiệu quả. Có thể dùng các thuốc hướng tâm thần, châm cứu, bấm huyệt tạo ra một ấn tượng tâm lý đủ mạnh để người bệnh tin tưởng tuyệt đối vào thầy thuốc làm mất các triệu chứng rối loạn chức năng.
Có thể áp dụng liệu pháp ám thị trong giấc ngủ thôi miên cũng đạt hiệu quả tốt. Khi áp dụng tâm lý liệu pháp phải có thái độ tôn trọng người bệnh, không được xem họ là người giả bệnh. Tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng, theo dõi quá chặt chẽ, vô tình ám thị cho người bệnh rằng bệnh quá nặng.
Song song với tâm lý liệu pháp cần tăng cường điều trị tâm thần, nâng đỡ thể trạng và điều chỉnh sự mất cân bằng của hai quá trình hưng phấn và ức chế ở vỏ não bằng các thuốc an thần nhẹ và các thuốc hoạt hóa vỏ não như bromua, cafein… Kết hợp với các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập.
Cũng theo BS. Thiện, trong quá trình điều trị rối loạn phân ly không hoàn toàn cách ly mà phải áp dụng các biện pháp giúp bệnh nhân tăng thích ứng, biết cách ứng phó với stress. Trong môi trường gia đình, người thân phải hiểu, nâng đỡ người bệnh, tạo được môi trường trong đó bệnh nhân được tôn trọng, ghi nhận những hành động đúng, được thể hiện cá nhân của mình…
“Để giảm stress với đối tượng học sinh, nhất là với nhóm các em có tính cách nguy cơ cao như sống nội tâm, hay mặc cảm, dễ mắc rối loạn phân ly rất cần tạo môi trường mà ở đó giáo viên, nhà trường có thể hiểu được các em, quan tâm đến những biểu hiện tâm lý của các em. Có thể giúp các em được giải tỏa những lo âu, stress bằng kết hợp với các hoạt động đoàn, hội… thậm chí cần có những chuyên gia tâm lý học đường hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết”, BS. Thiện cho biết.
Cao Sơn