Vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylcocs aureus) xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắt, hay đường hô hấp gây nhiễm trùng bên trong tạo nên ổ áp-xe sưng, tấy mủ dưới da. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách người bệnh có thể bị viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết…

Theo VnExpress, mới đây hơn 350 học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) bị ngộ độc phải nhập viện sau bữa trưa.

Kết quả của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, trong món ruốc gà có vi khuẩn tụ cầu vàng, bắt nguồn từ thịt gà sống sử dụng làm ruốc, độc tố này khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được. Đây chính là nguyên nhân khiến các học sinh bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện.

nguy co viem mang nao mu do nhiem vi khuan tu cau vang
Hơn 300 học sinh tiểu học ở Ninh Bình phải nhập viện sau bữa trưa. (Ảnh: VTV)

Trước đó, 185 người ở Ninh Thuận sau khi ăn tiệc cưới bị ngộ độc, phải nhập viện. Nguyên nhân là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong thịt gà luộc.

Vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm thế nào?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tụ cầu vàng có đường kính khoảng 0.8-1 micromet, thường cư trú trên da nhưng ít gây bệnh. Tuy nhiên, nếu có các vết xước, mụn trên người, kèm theo vệ sinh cá nhân không sạch, cơ thể có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn tụ cầu dễ dàng xâm nhập.

Triệu chứng điển hình của nhiễm tụ cầu trên da đó là hình thành những ổ áp-xe chứa đầy mủ, sưng đau và tấy đỏ tại vị trí nhiễm trùng cũng khá phổ biến kèm theo chảy mủ. Nếu tụ cầu xâm nhập vào máu (gây nhiễm khuẩn huyết), các triệu chứng sẽ bao gồm sốt, ớn lạnh và hạ huyết áp.

Nhiễm tụ cầu vàng, người bệnh sẽ bị chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, loét da… Khi nhiễm vào máu, tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như áp-xe phổi, viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết…

Dấu hiệu cơ thể nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

– Nôn dữ dội do vi khuẩn giải phóng độc tố vào trong thực phẩm khiến người bệnh bị nhiễm độc.

– Bệnh nhân có thể bị sốt.

– Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, choáng váng…

Đối tượng có nguy cơ cao nhiễm tụ cầu

– Trẻ sơ sinh.

– Phụ nữ cho con bú.

– Bệnh nhân tiểu đường, các bệnh tim phổi, ung thư.

– Người có hệ miễn dịch yếu, vết thương trên da hay mắc bệnh ngoài da.

– Bệnh nhân phẫu thuật, sử dụng các ống thông (đặt nội khí quản).

Cách phòng ngừa

Hiện tại, chưa có vắc-xin để phòng bệnh do tụ cầu vàng, nên chủ yếu điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, hiện nay việc người dân sử dụng kháng sinh tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ đã gây nên tình trạng kháng kháng sinh gây khó khăn cho việc điều trị.

Tụ cầu vàng có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh trong đó có methicillin, penicillin, amoxicillin và oxacillin.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho TTXVN biết, để phòng các bệnh do tụ cầu vàng gây ra, người dân có thể áp dụng những biện pháp sau đây:

– Khi bị nhiễm khuẩn trên da cần bao phủ vùng da đó bằng băng gạc sạch, khô.

– Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay theo hướng dẫn, tránh tiếp xúc gần với người mắc bênh, cần làm sạch các vết xước, vết cắt và vết thương trên da để giảm thiểu nguy cơ tụ cầu vàng xâm nhập qua những vết thương hở này.

– Tuân thủ quy tắc sơ chế và chế biện thực phẩm an toàn để phòng nguy cơ ngộ độc do tụ cầu gây ra.

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước trước khi chế biến thực phẩm.

– Nếu có vết thương, nhiễm trùng da, hay nhiễm trùng tại mắt, mũi, không nên chuẩn bị thức ăn cho người khác.

– Làm sạch và tiệt trùng nhà bếp và khu vực ăn uống.

– Khi nấu, đảm bảo nhiệt độ cao trên 60 độ C và bảo quản thực phẩm lạnh dưới 4 độ C.

– Thực phẩm cần giữ lạnh cần bảo quản đúng cách.

(Tổng hợp)