Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp. Cần Thơ, cho biết sáng 16/6, bệnh nhân Nguyễn Thị T. (84 tuổi, Vĩnh Long) đã được xuất viện sau 7 ngày điều trị do nhiễm cúm A/H1N1.
Theo VOV, sau khi xác định bệnh nhân T. bị nhiễm cúm A/H1N1, bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, đã cách ly và điều trị bằng thuốc đặc hiệu tamiflu. Sau 2 ngày. tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ, hết sốt, bớt ho, tươi tỉnh trở lại và ăn uống khá hơn.
Sau đó, bệnh viện tiếp tục điều trị tamiflu đủ liều 7 ngày kể từ ngày xác định bị nhiễm cúm. Đến hôm nay (16/6) tình trạng lâm sàng bệnh nhân T ổn định nên đã được ra viện.
Ngoài ra, tình hình sức khỏe của những thân nhân và các nhân viên y tế từng tiếp xúc với cụ bà này cũng đã ổn định sau khi được cách ly, kiểm soát.
“Tất cả đều đã ổn, ngành y tế không phát hiện trường hợp nào dương tính với cúm A/H1N1”, bác sĩ Nghĩa xác nhận với Người Lao Động.
Trước đó, vào ngày 3/6, cụ T. nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Bình Minh và được chẩn đoán bệnh tăng huyết áp. Đến ngày 8/6, cụ T. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tp. Cần Thơ với chẩn đoán tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm phổi.
Tuy nhiên, sau đó Trung tâm Y tế thị xã Bình Minh thông báo với bệnh viện Đa khoa Tp. Cần Thơ là bà T. có tiếp xúc với một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nên bệnh viện chuyển bà T. đến phòng cách ly để tiếp tục theo dõi, điều trị. 3 nhân viên y tế từng tiếp xúc với cụ T. cũng được cách ly để theo dõi.
Cúm A/H1N1 là bệnh cúm mùa thông thường, gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 – Đột nhiên sốt cao, thường trên 38 độ C, người ớn lạnh. – Đau nhức khắp người. – Đau đầu. – Mệt mỏi và suy nhược. – Ho khan. – Chảy nước mũi, xổ mũi. – Đau họng. – Tiêu chảy và nôn mửa. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người; thường xuyên lau chùi các vật dụng sử dụng hàng ngày, cầu vệ sinh, nhà cửa…bằng các loại dung dịch sát khuẩn thông thường để chủ động phòng chống bệnh cúm A/H1N1. Đồng thời, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm cúm, cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời. |
Lan Phương