Hải sản rất bổ dưỡng và hấp dẫn nhưng nếu không biết cách ăn sẽ gây nhiều triệu chứng không tốt cho sức khỏe, thậm chí là mất mạng.
Báo Pháp Luật và Xã Hội đăng tải, hải sản có hàm lượng protein cao, chứa các a xít béo omega 3, nhiều canxi, kẽm… rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hải sản là một trong 20 loại thực phẩm dễ gây dị ứng, ngộ độc.
Đặc biệt, khi hải sản chết, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh, xâm nhập nhanh. Độc tố trong hải sản tiết ra nhanh, đồng thời men phân giải chất đạm hoạt động mạnh khiến chúng bị hỏng trong thời gian ngắn.
Các triệu chứng của ngộ độc hải sản thường là mẩn ngứa, nổi mề đay, sổ mũi, mắt ngứa đỏ, tụt huyết áp, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở… Nhiều người nghĩ rằng hiện tượng tiêu chảy là do hải sản mang tính hàn nên gây lạnh bụng. Thực ra, độc tố nằm ngay trong hải sản nếu chúng ta không biết ăn đúng cách.
Sau đây là những điều cần phải đặc biệt lưu ý khi ăn hải sản:
Thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ: Nhiều người có sở thích khám phá món mới lạ. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi lần đầu tiên ăn loại hải sản nào đó. Một số loại hải sản luôn có chất độc và thỉnh thoảng chúng gây ra những vụ ngộ độc như cá nóc, sam biển, sao biển, bạch tuộc vòng xanh…
Không ăn hải sản đã chết hoặc đã được chế biến sẵn từ lâu: Hải sản là loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật, rất giàu chất đạm. Khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường, chúng nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh. Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine, gây ngộ độc. Do đó, bạn hãy chọn hải sản tươi sống để ăn.
Tuyệt đối không ăn hải sản khi chưa được nấu chín kỹ: Nhiều người có thói quen ăn gỏi hải sản nhưng họ không biết rằng trong hải sản có chứa vi khuẩn vibrio parahaemolyticus, có thể gây ra các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, sốt, nhức đầu… Loại vi khuẩn nguy hiểm này có khả năng chịu nhiệt cao lên tới hơn 80 độ C. Do đó, nếu bạn ăn hải sản chưa được chế biến kỹ sẽ vô tình đưa loài vi khuẩn có hại này vào trong cơ thể và nguy cơ bị ngộ độc rất cao.
Xử lý khi ngộ độc
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn – Trưởng khoa Y học Cổ truyền – Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 gợi ý trên Zing, trước hết, cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, nhất là sau bữa ăn 1-2 giờ. Trong đó, nôn là biện pháp có hiệu quả nhất.
Người bị ngộ độc có thể dùng lông gà (rửa sạch bằng nước muối), đưa vào gần cuống họng sẽ có phản ứng nôn ngay hoặc cũng có thể dùng ngón tay ngoáy họng.
Sau đó, cần cho người bệnh uống nước trà đường nóng để bù nước, cầm đi lỏng, phân giải hòa loãng chất độc. Có thể dùng nước sắc lá sim, lá ổi, núm hoa chuối tiêu, vỏ măng cụt… sao vàng sắc đặc cho uống.
– Ngộ độc cá, tôm, sò, ốc: Dùng lá tía tô tươi 50 g, sắc với 3 bát nước lấy 1 bát uống trong ngày. Hoặc dùng rau diếp cá và lá tía tô mỗi thứ 50 g sắc uống cũng cho kết quả tương tự.
– Ngộ độc cá nóc: Dùng ngọn khoai lang 50-60 g, muối ăn 6 g, hai thứ đem giã lẫn, vắt lấy 1 bát nước uống trong ngày.