Để phòng ngừa tình trạng hạ đường huyết trong đêm bạn nên thường xuyên kiểm tra đường trong máu, tránh tập thể dục quá sức vào đêm muộn, hạn chế uống rượu bia buổi tối… 

Hạ đường huyết trong đêm là tình trạng thường gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2.

Các triệu chứng ban đầu của hạ đường huyết như run rẩy, căng thẳng, đổ mồ hôi, và đói… Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể khiến khó khăn trong suy nghĩ, thị lực mờ và chóng mặt.

Tình trạng này nếu kéo dài khiến bạn thường xuyên rơi vào trạng thái đau đầu, mất ngủ, thậm chí co giật, dẫn tới tử vong…

Việc phát hiện ra việc hạ đường huyết khi ngủ vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn ngăn chặn tình trạng hạ đường huyết vào ban đêm và có giấc ngủ ngon hơn.

Cảnh giác với dấu hiệu hạ đường huyết trong đêm

Khi đường trong máu giảm dưới 70 mg/dl bạn sẽ rơi vào trạng thái run rẩy, ra mồ hôi, nhầm lẫn, hành vi thất thường, đau đầu và cảm giác hẫng (đầu nhẹ)…

Ngoài ra, người bệnh còn ngủ không ngon giấc, luôn bồn chồn và có cảm giác bất an, cơ thể mệt mỏi, muốn dậy mà người cứ mệt mỏi không dậy được hay gặp ác mộng…

Nếu thường xuyên rơi vào tình trạng này, bạn nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị. Mọi người không nên chủ quan, hạ đường huyết ban đêm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.

Ăn tối đầy đủ

Những người bị tiểu đường thường rất thận trọng trong ăn uống. Chính điều này dẫn tới tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng, dẫn tới tình trạng ban đêm khi ngủ bị hạ đường huyết.

ngan ngua ha duong huyet ban dem nho 5 cach don gian nay
Bạn nên ăn tối đầy đủ để tránh bị thiếu hụt đường huyết. (Ảnh: Reader’s digest)

Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên ăn một bữa ăn tối lành mạnh, cân đối và chú ý đến số lượng thức ăn.

Kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ

Mọi người nên kểm tra đường huyết, đặc biệt bệnh nhân tiểu đường để đảm bảo không rơi vào tình trạng đường huyết xuống thấp khi ngủ.

Nếu lượng đường trong máu thấp, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu carbohydrate như ăn kẹo, uống nước ép trái cây, nước ngọt hoặc viên gluco…

Khối lượng bữa ăn sẽ tùy thuộc vào lượng đường huyết bị giảm của bạn. Nếu đường huyết chỉ giảm xuống một chút thì bạn nên ăn ít. Trường hợp, bạn phải tiêm insulin, nên cân nhắc việc giảm liều insulin.

Tập thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ

Việc vận động mạnh, tiêu tốn năng lượng sẽ khiến bạn dễ bị hạ đường huyết trong máu vào ban đêm.

Lời khuyên, bạn nên đi bộ nhẹ nhàng trước khi đi ngủ. Trường hợp, nếu lượng đường trong máu dưới 100 mg/dl lúc trước khi đi ngủ sau khi tập thể dục, bạn nên ăn nhẹ tránh tình trạng hạ đường huyết.

Tránh rượu bia vào buổi tối

Rượu bia là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị hạ đường huyết vào ban đêm. Nếu bạn uống bia rượu buổi tối nên ăn thêm thức ăn, để cung cấp thêm năng lượng, giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết ban đêm.

Phương Nam (Tổng hợp)