Nhựa một số loại cây gây khó chịu bởi độ dính cho da thậm chí là có tính độc, nhưng chúng cũng có khả năng chữa bệnh rất tốt.
1. Nhựa nha đam:
Theo Đông y, nhựa có tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa, kém ăn với liều 0,1g/ ngày. Nó có tác dụng giảm nếp nhăn và tái tạo da. Lấy nha đam bôi lên mặt, nhựa nha đam sẽ nhanh chóng thẩm thấu và thấm sâu vào bên trong da, giúp làm tăng độ ẩm, tạo độ căng cho da, mang đi những tế bào chết và tái tạo tế bào mới.
Cây mọc phổ biến khắp từ Bắc tới Nam (Việt Nam) thường được trồng trong chậu để làm cảnh. Nhựa cây được thu hái quanh năm khi cây xanh tốt. Thành phần chủ yếu chứa chất aloins gồm các anthracosis, một số chất không có tinh thể và aloe emodin tự do. Lô hội vị đắng tính hàn. Quy vào ba kinh Can, Vị và Đại trường. Lô hội có tác dụng hạ hỏa, tống ứ làm thanh tràng thông tiện dùng khi vị tràng thực nhiệt, tân dịch không đủ gây táo bón, chóng mặt, mắt đỏ, tinh thần cáu kỉnh.
Thuốc còn có tác dụng thanh nhiệt mát gan dùng khi can đởm thực nhiệt, trị các chứng đau hạ vị, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, táo bón, thần chí bất an, sốt nóng… Lô hội có tác dụng diệt ký sinh trùng, trị giun đũa, giải độc, trị mụn nhọt, sang lở. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, lô hội có tác dụng phòng và làm lành vết thương. Liều dùng 1,5 – 3g, dưới dạng thuốc bột, thuốc hoàn, không nên sắc. Tuy nhiên lô hội có tác dụng tẩy khá mạnh có thể làm ảnh hưởng dạ dày. Người tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai không được dùng.
2. Nhựa mít: Trị mụn nhọt, mưng mủ. Nhựa mít trộn với giấm, bôi lên chỗ mụn nhọt sưng tấy.
3. Nhựa đu đủ: Trị các vết chai và mụn cóc. Chỉ cần lấy nhựa từ lá của cây đu đủ bôi lên vùng da bị chai hay mọc mụn. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra hiệu quả khó tin
4. Nhựa thông: Nhựa thông có tính kháng sinh, sát trùng, tiêu viêm. Tùng hương (chất còn lại sau khi chưng cất dầu thông từ nhựa thông thô) có vị đắng, ngọt, tính ôn, không độc; có tác dụng táo thấp, khu phong, sát trùng, sinh cơ, chỉ thống, bài nùng. Lõi gỗ, mắt thông hoạt huyết, tán ứ. Vỏ thông có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, được lấy từ cây thông hai lá, sau 15 năm có thể bắt đầu khai thác nhựa. Từ nhựa thông có thể cất lấy phần tinh dầu (có thành phần để chế thuốc ho); phần còn lại là tùng hương (colophan) để chế cao dán mụn, nhọt.
5. Nhựa cây đào: Theo y học cổ truyền, nhựa đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng làm tan kết tụ, mụn nhọt, huyết ứ, giảm đau do chấn thương, lợi tiểu. Ngày dùng 3 – 5g, hòa vào nước ấm, hoặc rượu 30 độ cho tan, uống trước bữa ăn 1 – 2 giờ, ngày 1 lần, uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng.
6. Nhựa cây si: Trị đau mình mẩy, xương cốt đau nhức, ứ huyết, bầm tím do té ngã, hoặc bị ho, đờm, hen suyễn. Vào các buổi sáng, trời không mưa, dùng dao rựa sắc chặt sâu, để nhựa chảy ra, hứng vào chén sứ, mỗi lần lấy khoảng 10 – 20ml, pha thêm 10 – 20ml rượu 30 – 35 độ, quấy cho nhựa tan đều, rồi uống, 2 – 3 lần/tuần.
7. Nhựa cây duối: Trị đau đầu, nhức hai bên thái dương, nhức trán: chọn những cấy ruối có thân và cành to, mập, cũng lấy nhựa theo cách lấy nhựa si. Phết nhựa lên hai miếng giấy trắng, có đường kính 3cm, cho lên lớp nhựa một chút vôi tôi (như hạt đỗ xanh), trộn đều vôi vào nhựa, rồi dán hai miếng giấy đó vào hai bên thái dương. Cũng làm tương tự với một miếng giấy có đường kính 1cm, dán vào huyệt ấn đường (điểm giữa hai đầu lông mày). Ngày làm 1 – 2 lần. Có tác dụng giảm đau rõ rệt. Ngoài nhựa cây duối, có thể dùng nhựa cây sung, cách làm tương tự song không cần cho thêm vôi tôi.
8. Nhựa cây vú bò: Trị mụn nhọt, nhất là các mụn đầu đinh ở vùng đầu, vùng mặt: hái quả khi còn xanh, lấy nhựa mủ chảy ra từ cuống quả, chấm vào các vết mụn.
9. Nhựa cây bồ đề: Hay còn gọi là cánh kiến trắng, tên thuốc là an tức hương được lấy từ thân cây bồ đề, sau khi chế biến khô có mùi thơm. Cánh kiến trắng chứa các acid benzoic, các axit cinnamic, các vanillin.
An tức hương có vị cay, đắng, tính bình. Quy vào kinh Can, Tâm và Tỳ. Là thuốc phương hương khai khiếu, làm lưu thông máu, hành khí giảm đau. Điều trị các trường hợp cấp cứu do trúng phong đởm quyết, khí uất, trúng ác khí bất tỉnh, thần trí hôn mê, đàm dãi nghẽn tắc ở cổ. Các chứng bệnh viêm phế quản mạn tính, người già tức ngực khó thở, phụ nữ bị ngất choáng sau đẻ, trẻ nhỏ bị kinh phong. Ngoài ra dùng sát khuẩn ngoài da, giúp các vết thương chóng lành. Liều dùng 2 – 4g. Trường hợp âm hư hỏa vượng thì không được dùng.
10. Nhựa nhũ hương: Là chất nhựa dầu lấy từ cây nhũ hương. Thành phần gồm tinh dầu các axit masticonic, axit masticinic. Nhũ hương vị đắng, cay, tính ấm quy vào kinh Tâm, Tỳ và Can. Tác dụng hành khí hoạt huyết, thông kinh lạc, giảm đau, tiêu tan mụn nhọt, giải độc sinh cơ. Trên lâm sàng nhũ hương chữa các chứng do chấn thương ngã đòn, máu ứ tụ sưng đau, đau bụng, tức ngực do huyết ứ, khí trệ, mụn nhọt đã vỡ lâu liền miệng. Là thuốc có tác dụng hành khí mạnh. Liều dùng 4 – 12g. Phụ nữ có thai không nên dùng.
11. Một dược: Là nhựa chế biến khô của một dược, cây mọc chủ yếu ở châu Phi, trên thị trường là thuốc ngoại nhập. Một dược có màu đỏ sẫm. Thành phần có chứa các axit chromophoric. Một dược vị đắng, tính bình quy vào hai kinh Tâm, Can. Tác dụng hoạt huyết khứ ứ, hành khí, giảm đau do khí trệ, tiêu ung nhọt sinh cơ, làm chóng lên da non. Dùng điều trị các chứng chấn thương, đòn ngã, ứ huyết sưng đau. Phụ nữ tắc kinh đau bụng. Trường hợp mụn nhọt, sang lở, trĩ. Một dược tác dụng tán huyết trừ thịt thối (hoại tử), giảm đau, giải độc sinh cơ giúp mụn nhọt chóng lành. Liều dùng 2 – 4g sắc uống. Người không có ứ trệ, phụ nữ có thai, kinh nguyệt quá nhiều thì không nên dùng.
12. Huyết kiệt: Là nhựa lấy từ quả hoặc thân cây huyết kiệt. Vị thuốc có màu đỏ sẫm đen, bẻ ngang trong màu đỏ tươi lấp lánh, không mùi, vị nhạt, rắn dễ tán thành bột, dễ chảy, bốc mùi thơm dễ chịu. Hoạt chất có tác dụng sinh học là các chất dracorubin, dracornodin, các chất dracoalban, axit benzoic, axit cinnamic. Huyết kiệt là vị thuốc ngoại nhập, ở nước ta không có. Huyết kiệt vị ngọt, mặn, tính bình, quy vào hai kinh Tâm bào, Can. Có tác dụng làm tan máu ứ sinh máu mới, lưu thông máu, giảm đau, thu liễm, cầm máu làm liền miệng mụn nhọt, chóng lên da non, làm lành vết thương… Dùng chữa chứng huyết tích trong bụng, các vết thương do đâm chém, súng đạn bị ngã, bị đánh thương tích, đau bụng, tức ngực, mụn nhọt lâu liền miệng. Liều dùng 1 – 2g, sắc uống hoặc ngâm rượu, người không bị máu ứ thì không nên dùng.
13. Nhựa cây mù u: Loại cây mọc phổ biến ở nước ta thường trồng để lấy bóng mát. Vị thuốc được trích từ thân cây mù u có màu lục nhạt, mùi thơm… Thuốc được dùng theo kinh nghiệm dân gian. Nhựa mù u được tán thành bột rắc vào vết thương ngoài da, mụn nhọt sang lở hoặc nhọt mủ trong tai.
Kiên Đinh
Nguồn tham khảo: suckhoedoisong