Đề án cải cách Bảo hiểm xã hội đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, tuy nhiên xét theo tình trạng sức khỏe và tuổi thọ của người Việt hiện nay thì dường như điều này còn nhiều bất cập.
Sáng 23/4 vừa qua, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017. Đề án cải cách bảo hiểm xã hội đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nam từ 60 lên 65, nữ từ 55 lên 60 như hiện nay, theo VNExpress.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 75 tuổi và nam giới là 70 tuổi. Như vậy nếu phương án tăng tuổi nghỉ hưu được chấp nhận thì nam giới chỉ còn lại 5 năm nghỉ lĩnh lương hưu trước khi qua đời.
Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng, tuổi thọ có thể là 70 – 75, nhưng thực tế người Việt già nhanh và sức khỏe sút giảm đặc biệt sau tuổi trung niên, sức khỏe không đảm bảo cho tiếp tục công tác nhất là trong một số lĩnh vực cần nhiều sức lực. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…).
Nhiều độc giả trên VNE phản ứng trước thông tin về đề xuất này.
Bạn đọc có nick kimvi.tranlam cho hay: Như ba mẹ tôi đến 55 tuoi va 60 tuoi la da ko lam viec noi. Sao ko cho cac cu duoc nghi huong tuoi gia voi con chau ma tang tuoi lao dong moi duoc huong phuc loi xa hoi!
Ngoài ra, số người trẻ tuổi đang thất nghiệp hoặc có thu nhập thấp đang ở mức cao cũng là vấn đề khiến nhiều người lo lắng nếu như người lớn tuổi phải tiếp tục làm việc thêm 5 năm nữa.
Yến Dương