Cổ nhân nói, trước khi dùng thuốc, hãy dùng các ngón tay. Quả thực, bấm huyệt để phòng trị nhiều bệnh là phương pháp hiệu quả và đơn giản được duy trì từ hàng ngàn năm qua.
Dưới đây là 5 huyệt vị quan trọng được các thầy thuốc Đông y đánh giá cao trong việc làm chậm lão hóa, tăng cường sức khỏe, phòng tránh các bệnh tật, duy trì vẻ thanh xuân lâu dài.
Cách bấm huyệt: Dùng ngón tay (thường là ngón tay cái hoặc trỏ) day bấm vào đúng huyệt vị với lực mạnh vừa đủ sao cho tại vị trí huyệt có cảm giác căng, tức. Giữ lực ấn như thế trong khoảng 30 giây rồi chuyển sang vị trí huyệt mới. Làm lần lượt các huyệt vị như thế 3-5 lần, làm cả 2 bên với những huyệt vị có ở cả 2 bên.
1. Huyệt Khí hải
“Khí” nghĩa là nguyên khí bẩm sinh, là năng lượng cần thiết cho sự sống, “Hải” có nghĩa là biển. Khí hải được coi là nơi tập trung nguyên khí của cơ thể.
Huyệt ở dưới rốn 1,5 thốn. Khi lấy huyệt, nằm ngửa, huyệt ở vị trí nối giữa 1,5/5 trên và 3,5/5 dưới của đoạn rốn-bờ trên xương mu.
Huyệt này có tác dụng điều khí ích nguyên, bồi thận bổ hư, ôn hạ tiêu, khử thấp trọc, được sử dụng trong những trường hợp suy nhược, chân khí hư tổn, suy nhược sinh dục, suy nhược thần kinh…
Có thể bấm kết hợp cùng hơi thở: nằm ngửa, thở điều hòa, khi thở ra bụng xẹp xuống đồng thời ấn vào huyệt rồi giữ nguyên càng lâu càng tốt, khi thở ra đồng thời cũng từ từ giảm dần lực ấn. Lưu ý: đây là huyệt không nên tác động đối với phụ nữ có thai.
2. Huyệt Huyết hải
Theo Đông y, Huyết hải là huyệt thuộc kinh tỳ, là nơi quy tụ của Tỳ huyết, có công năng khử huyết cũ, sinh huyết mới, điều hòa huyết mạch, thanh huyết nhiệt, chủ trị kinh nguyệt không đều, thiếu máu, mề đay, ngứa ngoài da…
Cách lấy huyệt: Ngồi ngay ngắn, lấy 4 ngón tay úp lên trên đầu gối, ngón cái ở phía trên đùi, chỗ đầu ngón cái chính là huyệt.
Tốt nhất bạn nên bấm huyệt vào lúc 9-11h sáng (giờ tỵ), là thời gian hoạt động mạnh nhất của kinh tỳ. Bấm ở cả hai chân.
3. Huyệt Tam âm giao
Tam âm giao là huyệt thuộc kinh tỳ, là nơi giao nhau của 3 kinh âm dưới chân (tỳ, thận, can), có tác dụng kiện tỳ hóa thấp, trợ vận hóa, thông khí trệ, sơ can ích thận. Chủ trị suy nhược thần kinh, đau bụng, tiêu chảy, ăn uống khó tiêu, bí đái…
Cách lấy huyệt: Chỗ lồi lên cao nhất mắt cá trong đo lên 3 thốn (tương đương với bề ngang của 4 ngón tay từ trỏ đến út khép lại).
Lưu ý: Phụ nữ có thai không bấm huyệt này
4. Huyệt Túc tam lý
Huyệt Túc tam lý là huyệt thuộc kinh Vị. Có nhiều thuyết về tên của huyệt vị này tuy nhiên theo sách Hoàng Đế nội kinh tố vấn thì huyệt này sở dĩ có tên Tam lý vì có vị trí ở dưới gối 3 thốn, còn túc có nghĩa là chân.
Theo Ngũ du huyệt, đây là huyệt “hợp” thuộc về thổ trên kinh vị, một kinh thuộc hành thổ nên có tác dụng rất to lớn. Huyệt có tác dụng kiện tỳ dưỡng vị, điều trung khí, hòa trường tiêu trệ, sơ phong hóa thấp, thông điều kinh lạc, bồi chính khí, bổ hư, đuổi tà, dự phòng bệnh tật. Chủ trị viêm loét dạ dày, bệnh về hệ thống tiêu hóa nói chung, trẻ em tiêu hóa kém, bại liệt, người suy nhược, thiếu máu, tăng huyết áp, bệnh về hệ sinh dục, thần kinh suy nhược…
Cách lấy huyệt: úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chầy), từ đó hơi xịch ra phía ngoài 1 ít là huyệt.
5. Huyệt Dũng tuyền
Dũng tuyền là huyệt đầu tiên của kinh Thận. Đây là nơi tàng chứa chân dương ở phía dưới của Thận, Thận chủ thủy nên huyệt được gọi là Dũng tuyền (dòng suối chảy mạnh). Huyệt có tác dụng bổ thận, giáng hư hỏa, định thần chí, khai khiếu định thần. Chủ trị: đau đỉnh đầu, mất ngủ, tăng huyết áp, trúng phong, động kinh, tâm thần, suy giảm chức năng sinh lý…
Cách lấy huyệt: co bàn chân và các ngón chân lại thì xuất hiện một khe hõm, huyệt ở chính giữa khe hõm đó hay điểm nối ⅖ trước và ⅗ sau đoạn đầu ngón chân 2 và giữa bờ sau gót chân.
Lưu ý: Việc bấm huyệt cần chính xác và đúng cách mới đạt hiệu quả. Những đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nan y thì nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng.
Thác Chi