Ngày 4/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố, trên 1,4 tỷ người trưởng thành có nguy cơ cao bị các bệnh nguy hiểm do thiếu vận động thể chất, tập thể dục. Dưới đây là những bệnh, bạn có nguy cơ mắc phải nếu lười vận động.
Trưởng nhóm nghiên cứu Regina Guthold cho Reuters biết, trên thế giới, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người, tức là khoảng 1,4 tỷ người, có hoạt động thể chất không đủ.
Chính lối sống ngày càng thoải mái, nhiều tiện nghi khiến con người lười vận động hơn. 1/3 phụ nữ và 1/4 đàn ông khắp thế giới có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh nguy hiểm như stress, bệnh tim, tiểu đường, béo phì v.v… do ít vận động thể chất.
Stress
Stress gây ảnh hưởng tiêu cực cho cơ thể. Các chuyên gia cho biết, những người thường xuyên vận động thể chất, ít bị stress hơn. Do trong quá trình vận động, cơ thể sẽ tiết ra nhiều endorphins – một loại hoóc-môn có khả năng điều hòa căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Rối loạn giấc ngủ
Khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra một loại hoóc-môn giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm. Ngược lại, khi bạn lười biếng và không hoạt động, phần năng lượng dư thừa sẽ khiến bạn tỉnh táo suốt cả đêm, gây mất ngủ.
Béo phì và rối loạn trao đổi chất
Lười vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân do lượng calo dư thừa trong cơ thể không được đốt cháy và ngày càng tích tụ nhiều hơn. Bên cạnh đó, ít vận động cũng làm cho quá trình trao đổi chất bị trì hoãn và tốc độ chậm đi. Từ đó gây ra một số vấn đề về rối loạn về chuyển hóa trong cơ thể như rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, tăng yếu tố tiền viêm cytokins ảnh hưởng đến điều hòa miễn dịch cho cơ thể; giảm nhạy cảm với insulin là một hoóc-môn kiểm soát đường huyết dễ dần đến bệnh tiểu đường v.v…
Hệ cơ xương khớp yếu
Vận động thường xuyên sẽ làm cho các cơ bắp hoạt động dẻo dai. Ít vận động thể chất khiến các cơ bắp kém phát triển. Hệ thống khớp xương do phải chịu đựng trọng lượng của cơ thể quá mức sẽ dẫn đến đau nhức, thường gặp là ở khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp háng và khớp cổ chân. Quá trình này diễn ra lâu dài sẽ dẫn đến thoái hóa khớp.
Giảm tuần hoàn máu
Sự lưu thông máu trong cơ thể phụ vào những hoạt động của bạn mỗi ngày. Vận động ít, dẫn tới hoạt động tuần hoàn máu chậm. Vận động thường xuyên, mạch máu mềm mại, đàn hồi hơn; tĩnh mạch khỏe mạnh đưa máu về tim tốt hơn; từ đó hạn chế nguy cơ tăng huyết áp. Nếu cả tinh thần và cơ thể bị căng thẳng do thiếu vận động, quá trình lưu thông máu sẽ bị cản trở, dẫn tới tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
WHO khuyến cáo, một người trưởng thành phải tập thể dục ít nhất 150 phút “với cường độ bình thường” mỗi tuần với các bài tập như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe đạp nhẹ, hoặc ít nhất 75 phút hoạt động thể chất “cường độ cao” như chạy bộ hoặc các môn thể thao đồng đội.
Tổng Hợp