Một số chuyên gia nhận định COVID-19 cũng như các bệnh hô hấp do virus khác như cúm mùa sẽ giảm vào mùa hè. Nhưng không phải mọi chuyên gia đều đồng tình với nhận định trên và giữ quan điểm thận trọng là chúng ta chưa biết SARS-CoV-2 sẽ phản ứng như thế nào vào mùa hè.

VOV đưa tin, “Hiện chưa thể đánh giá được khi nào dịch bệnh COVID-19 có thể được khống chế” – đây là khẳng định của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus về tình hình diễn biến đang rất phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.

Hầu hết các khu vực trên thế giới đều đang căng mình chống dịch, với một châu Âu đang chứng kiến số người nhiễm mới tăng lên từng giờ, trong khi châu Mỹ cũng xếp hàng các nước thông báo trường hợp nhiễm mới đầu tiên.

Theo Tổng Giám đốc WHO, tình hình diễn biến của dịch COVID-19 sẽ còn rất phức tạp, do đây là một chủng virus hoàn toàn mới, các nhà khoa học đang làm việc rất tích cực để phân tích đặc tính của chủng virus này, và cũng cần thời gian để đánh giá chủng này có tính chất theo mùa hay không, nhằm tìm ra phương pháp điều trị và phòng ngừa.

Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế thế giới Michael Ryan cũng nhận định: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng virus sẽ tiếp tục lan rộng và sai lầm khi hi vọng nó sẽ biến mất vào thời điểm mùa hè giống như cúm mùa. Chúng ta hi vọng điều đó xảy ra nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra. Chúng ta phải chống lại virus ngay bây giờ chứ đừng sống với hi vọng virus có thể tự biến mất”.

Marc Lipsitch – giáo sư dịch tễ học, giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm của Trường y tế công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, Mỹ – cho rằng quan điểm dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) biến mất vào mùa hè năm 2003 là một sai lầm phổ biến.

Ông khẳng định: “Tôi cho rằng ‘biến mất’ là một từ dở tệ đã được dùng để mô tả những gì xảy ra với dịch SARS. SARS được kiểm soát nhờ những nỗ lực y tế cộng đồng mạnh mẽ, can đảm chưa từng thấy ở thời hiện đại. Dịch bệnh này không tự biến mất”.

Ngày 8/3, Việt Nam phát hiện thêm 9 người dương tính với COVID-19, nâng tổng số lên 30 (ảnh minh hoạ).

Theo các chuyên gia, cách các quốc gia đối phó với COVID-19 có tác động lớn đến thời gian tồn tại của dịch bệnh.

Theo báo Tuổi Trẻ, Emily Chan Ying-yang, giáo sư khoa y Đại học Trung Quốc tại Hong Kong kiêm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Oxford, cho biết dù chưa rõ dịch bệnh COVID-19 có xuất hiện thêm về sau hay không, nhưng những khác biệt về pháp lý, chính sách và hành vi của con người trên toàn cầu sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh kéo dài trong một khoảng thời gian.

Các nhà khoa học đã nhận dạng 7 chủng virus corona lây nhiễm sang người, ba trong số đó là virus gây dịch MERS – Hội chứng hô hấp Trung Đông, SARS và COVID-19 gây biến chứng nặng nhất ở người.

“Với SARS, virus truyền từ ổ bệnh động vật và cách lây là khi bộc lộ rõ các triệu chứng lâm sàng, do đó bác sĩ có thể nhanh chóng nhận biết những ca có thể nhiễm bệnh và cách ly để họ không lây sang người khác và dập dịch bằng cách loại trừ ổ bệnh từ động vật và ngăn chặn sự lây lan giữa người với người.

Với MERS, ổ bệnh động vật không bao giờ bị loại trừ, nhưng do sự lây nhiễm xảy ra khi biểu hiện lâm sàng đã rõ vào giai đoạn cuối, chúng ta có thể nhận dạng bệnh nhân, cách ly và theo dõi những người họ tiếp xúc và đảm bảo họ không tiếp tục truyền bệnh cho người khác”.

Ngược lại, 4 loại virus corona xuất hiện theo mùa đã được biết đến hiện nay là 229E, NL63, OC43 và HKU1 không bao giờ biến mất. HKU-1 gây viêm phổi nặng ở Mỹ với tỉ lệ 1-2%, khá thấp nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra và lây nhiễm khắp thế giới.

Một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi COVID-19 suy yếu vào mùa hè, dịch bệnh vẫn có thể tái xuất hiện vào mùa đông.

Giáo sư Lipsitch cho biết: “Những virus mới có nhiều vật chủ có thể lây nhiễm có thể hoạt động tốt thậm chí khi thời tiết không thuận lợi. Ngay cả khi những virus corona chúng ta đã biết có xu hướng phụ thuộc vào yếu tố mùa, thì hi vọng SARS-CoV-2 cũng có xu hướng tương tự là sai lầm”.