Tắm là việc làm cần thiết của mỗi người bởi nó giúp ta xua tan những mệt mỏi và nóng bức trên cơ thể. Đặc biệt trong những ngày hè oi bức tần suất tắm của mọi người vì vậy cũng tăng lên nhất là các chị em phụ nữ những người ưa sạch sẽ. Tuy nhiên tắm cũng cần chú ý những điều cấm kỵ cần tuân thủ bởi nó sẽ giúp ta có thể vượt qua mùa hè nóng nực một cách khỏe mạnh an toàn.

Không tắm nước lạnh

Theo Lương y Vũ Quốc Trung của hội Đông y Việt Nam: Nhiều người cho rằng, mùa hè nên tắm nước lạnh, nước càng lạnh càng tốt vì chỉ có nước lạnh mới giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh và đem lại sự sảng khoái.

Tuy nhiên, việc tắm nước lạnh vào ngày hè là rất nguy hiểm và phản khoa học. Bởi tắm nước lạnh mang lại cảm giác làm mát cơ thể nhưng lại khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột. Từ đó làm các lỗ chân lông bị co lại, các vi mạch dưới da cũng bị co lại ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.

Không những vậy cơ thể bị lạnh đột ngột còn nảy sinh hàng loạt những phản ứng như tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, tinh thần căng thẳng… Như vậy không những không thể loại bỏ mệt mỏi mà ngược lại còn dễ bị cảm cúm.

Tắm nước lạnh không tốt cho sức khỏe (Ảnh: soha.vn)

Vì đặc điểm sinh lý khác biệt với nam giới nên chị phụ nữ khi tới kỳ kinh, đang cho con bú và đang mang thai nếu tắm nước lạnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản như rối loạn nội tiết tố,vô sinh, đau bụng. Không những vậy khi nhiều vi khuẩn thâm nhập vào âm đạo cũng có thể gây viêm âm đạo và các bệnh phụ khoa khác.

Những phụ nữ thể chất yếu càng không nên tắm nước lạnh bởi sẽ dễ mắc cảm mạo, sốt. Tuy nhiên có thể dùng nước lạnh rửa mặt để thúc đẩy tuần hoàn máu, phòng tránh cảm cúm và viêm mũi.

Không tắm đêm
Nhiều người có thói quen vào mùa hè trước khi đi ngủ thì chạy vào phòng tắm, “dội” vài gáo nước để làm mát cơ thể giúp giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn. Tuy nhiên, việc tắm đêm là cực kỳ nguy hiểm nhất là đối với người già có huyết áp thấp và trẻ nhỏ.

 Theo nguyên lý âm – dương ngũ hành đêm thuộc về âm, ngày thuộc về dương. Cơ thể con người phụ thuộc và chịu ảnh hưởng vào thời tiết.

Tắm đêm không tốt cho sức khỏe (Ảnh: news.iheart.com)

Vào buổi tối (âm), nhiệt độ, không khí giảm xuống nên tắm đêm sẽ không có lợi, thậm chí gây tổn hại cho sức khỏe. Điều đó gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau nhẹ là đau đầu, mỏi cổ vai gáy, đau tay chân, tay chân cử động khó. Trường hợp nặng có thể gặp những chứng bệnh nguy hiểm gây tai biến, đột quỵ và tử vong.

Người trẻ tuổi tắm đêm sẽ khiến mạch máu bị co lại, nhất là khi tắm nước lạnh khiến việc lưu thông máu khó khăn, từ đó dễ gây ra đau đầu, đau vai gáy, lâu dần sẽ thành bệnh đau đầu kinh niên.

Người cao tuổi có đặc điểm sinh lý như mạch máu bị co lại, lòng mạch máu bị xơ vữa (vôi hóa), máu cô đặc và quánh cao hơn người trẻ nên thường gặp chứng huyết áp cao. Nếu tắm vào các thời điểm đêm muộn, họ rất dễ bị đột quỵ với khả năng cao hơn rất nhiều so với người trẻ. Vì thế, tránh tuyệt đối việc tắm vào đêm khuya, thời gian tắm muộn nhất vào mùa hè cũng chỉ là trước 7 giờ tối. Sau khoảng thời gian đó tắm lạnh sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe.

 
Vào ngày hè chỉ nên tắm tối đa hai lần/ngày (Ảnh: pinterest)

Không tắm nhiều lần trong ngày

Mồ hôi ra nhiều trong những ngày nóng nực khiến cơ thể nhớp nháp, cộng thêm nhiệt độ môi trường tăng cao khiến lúc nào chúng ta cũng có cảm giác “phừng phừng”. Có lẽ vì vậy nhiều người thường chọn cách tắm nhiều lần trong ngày sáng ngủ dậy là tắm, trưa tắm, chiều nấu cơm xong cũng tắm và có khi trước khi đi ngủ lại cố tắm thêm lần nữa.

Tuy nhiên, việc tắm quá nhiều lần trong ngày cũng không phải là tốt. Bởi việc tắm nhiều sẽ làm khô da, làm da mất đi các vi khuẩn có ích, thậm chí là còn gây hại cho da bởi sự tác động của các hóa chất tẩy rửa như xà phòng, sữa tắm.

Theo tiến sĩ Richard Gallo trưởng khoa da liễu tại đại học California, vi khuẩn có lợi trong các tế bào da tự sản xuất thuốc kháng sinh tự nhiên của cơ thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi các vi khuẩn xấu. Do đó, tắm nhiều sẽ làm mất đi các vi khuẩn có lợi này.

Ngoài ra việc sử dụng xà phòng, sữa tắm, nhất là loại xà phòng tắm có tính chất tẩy rửa mạnh sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến da. Vào ngày hè cũng chỉ nên tắm tối đa hai lần/ngày, một lần vào buổi sáng và có thể thêm một lần vào buổi chiều. Thời gian tắm cũng không nên quá lâu, mỗi lần tắm từ 15 – 20 phút.

Tắm xong không nên lập tức vào phòng điều hòa

Tuyệt đối không nên ngồi điều hòa sau khi tắm (Ảnh: India.com)

Mùa hè nóng nực khiến nhiều người sau khi tắm xong vẫn cảm thấy cơ thể chưa đủ mát liền chạy ngay vào phòng bật điều hòa nhiệt độ hoặc là ngồi trước quạt. Đây là việc làm rất không tốt cho sức khỏe bởi sau khi tắm xong, nhiệt độ cơ thể đã hạ thấp lại tiếp tục ngồi trước quạt hay trong phòng có điều hòa càng khiến nhiệt độ cơ thể tiếp tục hạ xuống từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông máu của cơ thể.

Sau khi tắm xong cần lau khô cơ thể, tránh nơi gió lùa, tránh ngồi trước quạt hoặc quay quạt thẳng vào người, tránh vào ngay phòng đang bật điều hòa nhiệt độ lạnh.

Không tắm khi vừa đi ngoài nắng về

Có nhiều người khi đi ngoài nắng hoặc khi vừa chơi thể thao xong thường chỉ ngồi vài phút sau đó chạy vào phòng tắm với hi vọng nước sẽ làm hạ nhiệt cơ thể. Tuy nhiên việc tắm khi mồ hồi còn chưa ráo là điều nguy hiểm. Các lỗ chân lông lúc đó vẫn còn đang mở rộng, hơi nước sẽ ngấm qua những lỗ chân lông này vào cơ thể. Hậu quả là chúng ta sẽ rất dễ bị cảm ho, sốt, viêm phổi…

Tuyệt đối tránh việc tắm ngay khi vừa đi từ ngoài nắng về hoặc vừa mới tập thể thao xong, hãy lau khô mô hôi bằng khăn bông, ngồi khoảng 20 phút để cơ thể kịp thích nghi với môi trường bình thường trong phòng rồi hãy tính đến việc bước vào phòng tắm.

Cách tắm khoa học để bảo vệ sức khỏe

Nhiệt độ nước tắm

Tắm nước nóng để lưu thông máu: Nhiệt độ tắm nước nóng là khoảng 40°C, công hiệu cũng tương tự như suối nước nóng. Tắm nước nóng có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường sự trao đổi chất, tốt cho não và cải thiện tình trạng viêm khớp dạng thấp.

Tắm nước nóng có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường sự trao đổi chất, tốt cho não và cải thiện tình trạng viêm khớp dạng thấp.

Tắm nước ấm giúp trấn tĩnh: Tắm nước ấm ở khoảng 35°C, tay cảm thấy hơi nóng. Nhiệt độ này cao hơn so với da, nhưng thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể cũng là nhiệt độ thích hợp ngâm người khi tắm. Trong trường hợp bình thường, mùa hè nên tắm nước ấm có thể hỗ trợ giúp trấn an thần kinh. Đối với những người bị cao huyết áp, mất ngủ, da bị ngứa… tắm nước nóng cũng có công hiệu nhất định.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người khỏe mạnh ngâm mình 30 phút trong nước có nhiệt độ 35 độ C sẽ tăng cường cung cấp máu lên tim. Tắm bằng nước ấm thường xuyên sẽ tăng cảm giác ngon miệng và làm cho làn da hồng hào hơn.

Thời gian tắm

Về thời gian tắm xưa nay cũng có nhiều tranh luận, người châu Âu thì quen tắm vào buổi sáng, trong khi người châu Á tắm nhiều vào buổi tối. Có một bài báo đăng trên tạp chí Biometeorol năm 2015 so sánh ảnh hưởng của việc tắm buổi sáng và buổi tối đối với hiệu suất làm việc cũng như chức năng sinh lý. Kết quả chứng minh tắm vào buổi sáng có thể duy trì nhiệt độ cơ thể, nâng cao hiệu quả làm việc tốt hơn so với tắm vào buổi tối.

Tắm buổi sáng có thể duy trì nhiệt độ cơ thể, nâng cao hiệu quả làm việc (Ảnh: Pinterest)

Ngoài ra, kiến nghị mỗi lần tắm nên khống chế trong thời gian 20 phút, nếu tắm quá lâu có thể trong phòng tắm thông gió không tốt dẫn thiếu oxy ở mức độ nhất định.

Tần suất tắm

Vào mùa hè, cơ thể bài ra tương đối nhiều mồ hôi nên chúng ta thường tắm mỗi ngày một lần. Tuy nhiên người có thể trọng tương đối béo thì tuyến bã nhờn bài tiết ra nhiều hơn và có thể tăng số lần tắm. Người già tuyến bã nhờn bài tiết ít, có thể giảm thiểu số lần tắm.

Tất nhiên, tần suất tắm cũng phụ thuộc vào thời gian và địa điểm. Miền Nam thời tiết nóng, mỗi ngày tắm rửa không quá 2 lần. Đối với những người có làn da bình thường, chà xát khi tắm đều không có vấn đề gì, căn cứ vào mùa, khí hậu để lựa chọn tần suất cũng như nhiệt độ nước thích hợp với cơ thể là điều kiện cần thiết để bảo vệ sức khỏe an toàn.

Theo Secretchina
Kiên Định