Y học hiện đại gọi là liệu pháp tâm lý nhưng kỳ thực đó là tài tình vận dụng nguyên lỹ ngũ hành và tương sinh tương khắc để chuyển bệnh.

Liệu pháp tâm lý trị liệu của người xưa không những xảo diệu mà còn rất phát triển! Tâm lý trị liệu liên quan đến toàn bộ hệ thống học thuật, hệ thống học thuật này chính là ngũ hành mà chúng ta thường nói tới.

Trung y cổ cho rằng, hỉ, nộ, ai, lạc (mừng, giận, buồn, vui) của con người, bản chất của những thay đổi tâm tình này có quan hệ mật thiết với ngũ hành “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”. Theo học thuyết tạng tượng, cơ thể con người có 5 hệ thống lớn, cũng chính là Tâm chủ Hỏa, Thận chủ Thủy, Can chủ Mộc, Tỳ chủ Thổ, Phế chủ Kim; 5 hệ thống lớn này đối ứng với ngũ hành của vũ trụ và khi chúng cùng chuyển động một cách tương hỗ sẽ sản sinh các tình chí hỉ, nộ, ai, lạc…

Ảnh: duocthu.com

Căn cứ theo nguyên lý tương sinh tương khắc thì Trung y cho rằng: “nộ thương Can, bi thắng nộ; hỉ thương Tâm, khủng thắng hỉ; tư thương Tỳ, nộ thắng tư; ưu thương Phế, hỉ thắng ưu; khủng thương Thận, tư thắng khủng.” (giận quá hại Can, buồn thắng giận; mừng quá hại Tâm, sợ thắng mừng; tư lự suy nghĩ quá hại Tỳ, giận thắng tư; ưu buồn quá hại Phế, vui thắng buồn; sợ hãi quá hại Thận, suy nghĩ thắng sợ).

Liệu pháp chọc giận chính là vận dụng tài tình loại quy luật ngũ hành sinh khắc: “nộ thắng tư”. Tức giận thuộc dương, tư lự suy nghĩ thuộc âm, do đó tức giận có thể làm cho người ta quên đi tư lự, hóa giải muộn phiền, tiêu trừ tích tụ ứ kết, ức chế sợ hãi. Thế nên trong y án cổ đã xuất hiện rất nhiều câu chuyện chữa bệnh thú vị

Văn Chí chọc giận chữa chứng u uất của Tề vương

Thời Chiến quốc, Tề Mẫn vương mắc chứng u uất, cho người đi mời danh y Văn Chí. Sau khi Văn Chí đến nước Tề và chẩn bệnh cho Tề vương, ông nói với Thái tử: “Bệnh của đại vương có thể chữa, nhưng sau khi bệnh của Tề vương khỏi, có thể ông ấy sẽ giết tôi.”

Thái tử hỏi ông: ” Sao lại như vậy?”. Văn Chí nói: “nhất định phải chọc giận Tề vương, mới có thể trị khỏi bệnh của ông.”

Bởi vì tinh thần tiêu trầm, ngày đêm tư lự đều là thuộc âm. Còn tức giận thuộc dương, do đó có thể tiêu trừ tích tụ ứ kết.

Thế là Văn Chí khi bái kiến Tề vương cố ý lỡ hẹn, vào phòng Tề vương không cởi giày, trèo thẳng lên giường, lại vừa đạp lên y phục của quốc vương vừa hỏi bệnh tình của ông ta, còn không ngừng dùng lời lẽ chọc tức Tề vương. Cuối cùng, Tề vương không thể nhịn được nữa, quát mắng chửi Văn Chí ầm lên, đem hết buồn bực trong lòng phát tiết ra một hồi, sau đó chứng u uất của Tề vương cũng hết.

Diệp Thiên Sỹ chọc giận chữa bệnh mắt cho Thái thú

Trong y án cổ, hầu như các đời đều có ghi chép về liệu pháp chọc giận. Thời nhà Thanh, có Thái thú Phiên Hiến được phái đến nhậm chức ở Tô Châu, sau khi vừa mới thăng đường, hai mắt đột nhiên tối sầm lại. Thái thú vội vàng phái người đi mời danh y địa phương Diệp Thiên Sỹ đến trị bệnh.

Diệp Quế (1667 – 1746), tự Thiên Sĩ, là người huyện Ngô, tỉnh Tô Châu, một thầy thuốc nổi tiếng thời nhà Thanh, ông còn được gọi là Diệp Thiên Sĩ. (Ảnh tinhhoa.net)

Diệp Thiên Sỹ sau khi nghe xong tình hình, nói với quan sai: “Ta đúng là một danh y, mời ta đi trị bệnh, phải dùng đầy đủ đội nghi trượng đến rước ta mới được.” Quan sai đành trở về bẩm báo đúng như lời họ Diệp, Phiên Hiến đùng đùng nổi giận. Tùy tùng thân thuộc hai bên hết lần này đến lần khác khéo léo thuyết phục: Diệp Thiên Sỹ là danh y Giang Nam, trị bệnh thường giống như được thần trợ giúp, vô cùng lợi hại, hay là đáp ứng hắn đi… Thái thú nóng lòng muốn chữa bệnh, liền phái đội nghi trượng đi nghênh đón họ Diệp.

Sau khi đội nghi trượng đã đến y quán của họ Diệp, Diệp Thiên Sỹ lại để đệ tử ra đáp lời: “Cần phải là bà vợ chính của Thái thú đích thân nghênh tiếp mới được.” Phiên Hiến sau khi nghe người dưới bẩm báo, đập bàn đứng dậy, gầm thét lên mắng đến nỗi các quan nha đều sợ run rẩy cả lên, tôi tớ hai bên không ai dám chen thêm lời, chỉ đứng nín lặng run rẩy. Chính lúc cơn giận dữ của Thái thú hừng hực nhất, đột nhiên, thị lực của ông ta khôi phục trở lại.

Lúc này, Diệp Thiên Sỹ mới đến nhà thỉnh tội, ông dùng lý luận: “tạng phủ tàng thần”, “hình thần tương y” (gắn bó nương tựa vào nhau) cùng với “ngũ chí tương thắng” (năm loại tình chí thắng lẫn nhau như ở trên) để giải thích cho Thái thú: “Tâm, là nhà ở của Thần. Thái thú lần đầu nhậm chức, trong tâm ắt sẽ vui mừng lớn. Người ta nếu vui mừng quá, tâm thần sẽ tiêu tán, cho nên bỗng nhiên tối sầm mặt lại. Vui mừng lớn thuộc âm, còn giận dữ thuộc dương, tôi cố ý chọc giận Thái thú, lấy dương trị âm, mới làm cho bệnh mắt tiêu mất. Phiên Hiến bỗng nhiên tỉnh ngộ, những nghi vấn trước đây được giải hết, liền đáp lễ tạ ơn Diệp Thiên Sỹ.

Diệp Thiên Sỹ trước khi chẩn bệnh, còn chưa gặp qua Thái thú, chỉ dựa vào miêu tả của người dưới mà đã nhanh chóng đưa ra phương án chữa bệnh, không cần kê phương, không cần uống vị thuốc nào, mắt của Thái thú đã khôi phục thị lực rồi.

Đương nhiên, tức giận vốn không phải là một loại tâm tình tốt lành gì, nhưng tại thời khắc cực kỳ đặc biệt, một chút sáng suốt của thầy thuốc mà qua chọc giận để trị liệu nhắm vào một số bệnh tâm lý, có thể vừa vặn giải khai được then chốt của bệnh.

Hung Hung