Theo thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây số bệnh nhân mắc tiểu đường ở nước ta gia tăng tới 200%, đây cũng là căn bệnh đứng thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam. Với mức độ người mắc bệnh gia tăng chóng mặt như hiện nay, chúng ta nên tìm hiểu rõ về bệnh để có thể thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt cho phù hợp.

Tiểu đường là gì?

Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là bệnh nội tiết chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng đường máu tăng cao thường xuyên và mãn tính do thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Đường máu tăng cao kèm theo các rối loạn chuyển hóa gây nên các biến chứng nặng nề như mù lòa (tiểu đường đứng thứ 2 nguyên nhân gây mù lòa), nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Tiểu đường là bệnh nội tiết chuyển hóa đặc trưng do đường máu tăng cao thường xuyên (Ảnh: pinterest.co.uk)

Phân loại bệnh tiểu đường

Tiểu đường thường chia thành 2 type:

Tiểu đường type 1: Thường gặp ở người trẻ dưới 20 tuổi.

Tiểu đường type 2: Gặp ở người lớn tuổi (> 40 tuổi) do cơ thể có sản xuất được insulin nhưng không đủ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường 

  • Hay khát nước, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu có kiến bu
  • Thường xuyên cảm thấy đói
  • Sụt cân nhanh
  • Mệt mỏi, dễ cáu kỉnh
  • Giảm thị lực, mờ mắt
  • Chậm lành các vết loét hoặc thường xuyên bị nhiễm trùng
  • Da sạm

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường (Ảnh: Bang.vn)

Những bệnh nhân mắc tiểu đường đều nhận định, điều trị căn bệnh này cần kiên trì không ngừng nghỉ giống như một cuộc chiến khó khăn. Tuy nhiên, chỉ cần chú ý chặt chẽ chế độ ăn uống sinh hoạt bạn sẽ thành công trong việc kiểm soát đường huyết của cơ thể. Hãy thêm vào bữa ăn hằng ngày của mình một vài loại gia vị và thảo mộc sẵn có trong nhà bếp dưới đây để kiểm soát đường huyết và cân nặng hợp lý.

Húng quế

Các chất trong húng quế có thể điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả (Ảnh: acegardener.com)

Húng quế là loại rau gia vị được sử dụng phổ biến trong các món ăn thường ngày. Đây cũng là một trong những loại rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe với rất nhiều công dụng chữa bệnh khác nhau. Theo Đông y, húng quế vị cay, nóng, thơm dịu, lá húng quế chứa nhiều chất chống oxy hóa và các tinh dầu giúp sản xuất ra các chất như eugenol, methy eugenol và caryphyllene. Những chất này có tác dụng hỗ trợ cho các tế bào beta của tụy tạng (những tế bào có chức năng dự trữ và phóng thích insulin) hoạt động bình thường. Điều này giúp làm tăng khả năng nhạy cảm với insulin, làm giảm đường huyết nên có thể điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả.

Cúc La Mã

Cúc La Mã từ lâu đã được người Ai Cập cổ xem là một phương thuốc trị bách bệnh. Một nghiên cứu tại khoa dược Đại học Toyama Nhật Bản chứng minh, việc uống trà cúc La Mã hằng ngày giúp ngăn chặn đường huyết tăng quá cao và những biến chứng của bệnh tiểu đường. Nó có thể loại bỏ lượng đường thừa trong máu và chuyển vào trong gan. Không những vậy, cúc La Mã còn giúp bạn có được sự bình tĩnh và thanh thản.

Uống trà cúc La Mã hằng ngày giúp ngăn chặn đường huyết tăng quá cao và những biến chứng của bệnh tiểu đường (Ảnh: tuongvanoils.vnweblogs.com)

Quế

Trong Đông y, quế đứng thứ ba trong bốn loại dược phẩm quý giá nhất gồm “sâm, nhung, quế, phụ”. Quế chi tính ấm, vị cay hơi ngọt, không độc. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của quế được công bố năm 2003 trên nhật báo y học “Daibetes Care” với sự tham gia của 60 người mắc bệnh tiểu đường dạng type 2 chứng minh, mỗi ngày uống 1,3g quế dạng viên nén (tương đương 1/4 thìa cà phê) có thể làm giảm đường huyết và ổn định đường trong máu.

Uống 1,3g quế mỗi ngày có thể làm giảm đường huyết và ổn định đường trong máu (Ảnh: cayqueyenbai.com)

Ớt cay, ớt ngọt

Hàm lượng vitamin C, carotenoid và chất chống ôxy hóa có trong ớt giúp điều hòa cũng như cung cấp nội tiết tố insulin cần thiết cho cơ thể, cân bằng lượng đường trong máu sau các bữa ăn. Bạn nên sử dụng một lượng ớt vừa phải để tránh những tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều ớt.

Hàm lượng vitamin C, carotenoid và chất chống ôxy hóa có trong ớt giúp cân bằng lượng đường trong máu (Ảnh: vuonxanh24h.com)

Nghệ

Củ nghệ từ xa xưa đã được sử dụng làm gia vị trong cuộc sống hàng ngày của ông cha ta. Trong Đông y, nghệ còn gọi là khương hoàng và được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian điều trị đau và viêm dạ dày, viêm thấp khớp…

Hợp chất Curcumin trong nghệ có thể kiểm soát lượng đường trong máu và điều trị kháng insulin (Ảnh: madnic.ir)

Theo Tây y, hợp chất Curcumin trong nghệ có giá trị chữa bệnh rất cao. Năm 2014, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutritional Biochemistry cho thấy, bệnh nhân đái tháo đường dùng Curcumin trong 6 tháng liên tiếp đã giảm tích tụ mỡ trên động mạch, từ đó hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch. Ngoài ra, một số nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy, nghệ giúp chống lại bệnh đái tháo đường bằng cơ chế kiểm soát lượng đường trong máu và điều trị kháng insulin. Nhiều nghiên khác cũng đã chứng minh công dụng của Curcumin trong việc làm giảm lượng đường trong máu.

Nha đam

Không chỉ là một thành phần làm đẹp, nha đam cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu một cách hiệu quả. (Ảnh: 2nafare.com)

Không chỉ là một thành phần làm đẹp, nha đam cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Một nghiên cứu khẳng định, nước ép nha đam có thể làm giảm 50% lượng đường trong máu chỉ sau vài tháng sử dụng. Nha đam chứa ít nhất 75 hợp chất hoạt tính, đáng chú ý nhất là vitamin, enzyme, khoáng chất, anthraquinon, monosaccharide, polysaccharides, lignin, saponin, acid salicylic, phytosterol, acid amin… Các hợp chất này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đường huyết. Không những vậy, nha đam chứa nhiều nguyên tố vi lượng như: crôm, magiê, mangan, kẽm…hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển hóa glucose bằng cách cải thiện hiệu quả của insulin.

Kiên Định