Đối các bệnh nhân suy thận, tìm được một quả thận phù hợp để cấy ghép là một quá trình dài đầy chông gai vì thông thường hệ miễn dịch sẽ đào thải hầu hết tất cả những bộ phận ngoại lai được cấy ghép, ngay cả khi hai người cho-nhận có cùng huyết thống. Tuy nhiên, mới đây các chuyên gia đã khám phá ra một phương pháp để giải quyết vấn đề này cho những người đang trong tình trạng khẩn cấp.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học New England, các bác sỹ đã khám phá ra cách để tùy biến hệ thống miễn dịch của bệnh nhân, giúp nó có thể tương thích với thận của bất kì người hiến tạng nào. Trên thực tế, tỉ lệ bệnh nhân có thể sống sót khi sử dụng phương pháp mới này là rất cao, có bệnh nhân đã tiếp tục sống tốt sau 8 năm được cấy ghép thay vì tiếp tục phải chờ đợi hoặc nhận thận ghép từ một người đã mất theo phương pháp cấy ghép cũ.
Theo Thời báo New York, Tiến sỹ Jeffery Berns – một chuyên gia về thận tại Đại học Y khoa Perelman thuộc Đại học tổng hợp Pennsylvania, cũng là chủ tịch Hiệp hội Thận quốc gia cho biết thủ thuật y khoa mới này được biết với tên gọi: “desensitization”, tạm dịch là “khử độ mẫn cảm”.
Phương pháp mới này sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi của hàng ngàn bệnh nhân và đặc biệt với một số người nó mang lại sự thay đổi to lớn. Thời báo New York đã đăng câu chuyện của anh Clint Smith – một luật sư 56 tuổi sống tại thành phố New Orleans. Anh cho biết, “nó đã thay đổi cuộc đời tôi” vì anh đã có thể nhận được một quả thận để cấy ghép thay vì dành phần đời còn lại bên máy chạy thận nhân tạo.
Tiến sỹ Dorry Segev – tác giả chính của đề án y khoa này và cũng là một bác sỹ phẫu thuật cấy ghép tạng tại Đại học Y khoa Johns Hopkins cho biết, rất nhiều người đã từ bỏ hy vọng và nguyện rút tên khỏi danh sách chờ khi được biết về sự thật đau lòng là cơ thể họ sẽ đào thải hầu hết tất cả các nội tạng ngoại lai.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, khoảng 100.000 người tại Mỹ đang nằm trong danh sách chờ ghép thận nhưng đã được xác định có kháng thể sẽ tấn công cơ quan được cấy ghép. Vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là khoảng 20% bệnh nhân có cơ thể đặc biệt mẫn cảm khiến việc tìm kiếm một quả thận phù hợp là điều bất khả thi. Chính vì vậy, phần lớn các bệnh nhân đã buộc phải lựa chọn phương án chạy thận nhân tạo – một giải pháp khá nhọc nhằn bởi vì nó là một quá trình lặp đi lặp lại và lấy đi rất nhiều thời gian của bệnh nhân.
Thủ thuật “khử độ mẫn cảm” có thể được tóm tắt như sau. Đầu tiên, các kháng thể được lọc khỏi máu bệnh nhân và sau đó, họ được truyền các kháng thể khác để bảo vệ bản thân và cùng lúc, hệ thống miễn dịch cũng tái tạo các kháng thể mới. Tiến sỹ Segev giải thích thêm, vì một lý do chưa thể xác định, các kháng thể mới được tái tạo sẽ ít có khả năng tấn công nội tạng mới ghép trên cơ thể. Trong trường hợp các kháng thể mới được tái tạo vẫn không hoạt động như mong muốn, bệnh nhân sẽ được điều trị sử dụng một loại dược phẩm để phá hủy các tế bào bạch cầu có khả năng tạo ra các kháng thể tấn công nội tạng mới ghép.
Dẫu mang lại những kết quả khả quan nhưng phương pháp điều trị này cũng không hề rẻ và nó yêu cầu sử dụng dược phẩm chưa được phê duyệt. Cụ thể là, một ca cấy ghép thận sử dụng thủ thuật mới này sẽ có tổng giá thành lên đến 130.000 đôla Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá là nó vẫn khá rẻ khi so sánh với phương án thay thế là chạy thận khi phải tiêu tốn tới 70.000 đôla Mỹ mỗi năm.
Tại thời điểm hiện tại, kỹ thuật “khử độ mẫn cảm” có phạm vi ứng dụng lớn nhất ở lĩnh vực ghép thận. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu tự tin là nó cũng có thể thích hợp với những ca ghép gan và phổi. Tiến sỹ Segev diễn giải như sau: “Gan là bộ phận ít nhạy cảm với kháng thể nên nhu cầu về thủ thuật này sẽ ít hơn, nhưng trong trường hợp gan được hiến không tương thích với cơ thể, thủ thuật này hoàn toàn có thể được áp dụng. Với phổi, tôi chưa từng biết trường hợp nào sử dụng phương pháp này, nhưng trên lý thuyết thì nó có thể được thực hiện thành công”.
Tiến sỹ Segev bổ sung thêm, “Thường thì lúc trước các bệnh nhân sẽ nhận được câu trả lời là nội tạng của người tình nguyện hiến tặng không phù hợp với cơ thể và họ chỉ có thể đợi để cấy ghép khi một người hiến tạng phù hợp trong danh sách chết”. Để đối phó với tình trạng này, một phương án tạm thời đã được áp dụng những năm qua, được gọi là: trao đổi người hiến tạng. Những bệnh nhân không có nội tạng phù hợp để cấy ghép có thể trao đổi người tình nguyện hiến tạng với một bệnh nhân khác có người hiến tạng phù hợp với cơ thể họ. Với nhiều chuỗi các cặp ‘bệnh nhân và người hiến tạng’, điều này đã giúp ích phần nào trong công cuộc tìm kiếm người cấy ghép phù hợp.
Theo đánh giá của tiến sỹ Krista L. Lentine – giám đốc y tế của chương trình hiến tạng tình nguyện tại Trung tâm cấy ghép nội tạng Saint Louis, mặc dù quá trình trao đổi người hiện tạng có những thành công nhất định, nhưng các kháng thể sẽ vẫn tấn công hầu hết các quả thận được cấy ghép, vì vậy thủ thuật ‘khử độ mẫn cảm’ là sự lựa chọn tối ưu.
Ông Smith, một bệnh nhân đến từ thành phố New Orleans trước đây phải chống đỡ với căn bệnh thận mãn tính và nó đã tiến triển xấu khiến thận của ông ngừng hoạt động vào năm 2004. Người em dâu đã cứu sống ông bằng cách hiến tặng quả thận của mình, nhưng sau khoảng 6 năm rưỡi, nó đã bị đào thải. Ông buộc phải tiếp tục hành trình chiến đấu với bệnh tật cùng máy chạy thận. Phương pháp trị liệu này khiến cuộc sống của ông đảo lộn hoàn toàn, ông cho biết dù nó giúp ông sống tiếp nhưng giờ đây mọi thứ thật vô nghĩa khi ông phải ‘ôm’ máy chạy thận hàng tiếng đồng hồ, 4 ngày trong tuần.
Và rồi may mắn đã mỉm cười với ông khi một y tá gợi ý ông liên hệ trường đại học Johns Hopkins để hỏi về nghiên cứu “khử độ mẫn cảm”. Ông chia sẻ: “Tôi sẵn sàng làm tất cả mọi thứ”. Sau khi tìm hiểu, ông được biết mình đáp ứng đủ điều kiện để tham gia công trình nghiên cứu và giờ đây ông chỉ còn thiếu một người tình nguyện hiến thận.
Một ngày nọ, sau khi vợ ông Smith chia sẻ tình trạng hiện tại của chồng mình với một người bạn thân (bà Watkins) sống tại thành phố Augusta. Bà Watkins đã cảm thông với khó khăn mà gia đình bà Smith đang phải đối mặt và quyết định trao đổi vấn đề này nghiêm túc với chồng mình. Chồng bà và ông Smith cũng là hai người bạn thân từ lúc họ còn học Cao đẳng với nhau. Bà chia sẻ, “Chúng tôi cùng nhau bàn bạc, tìm hiểu và cầu chúa giúp chúng tôi đưa ra quyết định sáng suốt”. Cuối cùng, vợ chồng bà Watkins đã tán thành ý kiến: “Ít nhất thì về mặt đạo đức, chúng ta phải có trách nhiệm kiểm tra xem mình có đủ tiêu chuẩn tham gia ca cấy ghép không” và ông Watkins quyết định mình sẽ đăng ký kiểm tra sức khỏe trước, trong trường hợp ông không đạt tiêu chuẩn thì vợ ông sẽ thử vận may.
Ông Smith đã rất lo lắng cho người bạn già của mình và cảnh báo ông về việc hiến tặng một quả thận thực sự là một mất mát to lớn. Tuy nhiên, ông Watkins đã quả quyết nói rằng, “Tôi có thứ bạn cần, và không có gì to tát cả”. Dĩ nhiên, thật khó để tìm được nhiều điều to tát và cao cả như hành động của ông Watkins. Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng, nhưng ông vẫn mất đến 6 tháng để hoàn toàn hồi phục sau ca phẫu thuật. 4 năm sau, quả thận mà ông Smith nhận được từ người bạn tốt bụng vẫn hoạt động bình thường và ông đã quay lại với cuộc sống thường ngày.
Ông Smith chia sẻ, “Mỗi tối tôi đều cầu nguyện cùng vợ mình để cảm ơn Chúa đã gửi ông bà Watkins tới giúp đỡ tôi và mang món quà cuộc sống tới bên tôi”. Ông vô cùng biết ơn ông bạn già tốt bụng, vì “Nếu không ông Watkins không tặng tôi món quà này, chắc chắn giờ đây tôi đang ngồi trên ghế chạy thận”.
Theo The New York Times
Bình An
Xem thêm: