Nếu bạn vô tình bị nhựa cây Sui bắn vào mắt sẽ bị viêm sưng có khi gây mù, nếu nhựa dính vào vết thương hay phần da bị trầy sẽ gây ngộ độc, nhịp tim chậm, ngừng tim. Tuy nhiên con người đã sử dụng độc tố này, trong y học nó cũng được dùng làm thuốc.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây Sui còn gọi là cây thuốc bắn, có danh pháp khoa học là Antiaris toxicaria, thuộc họ Dâu tằm Moracaceae. Đây là cây gỗ lớn có thể cao tới 30 mét, phân bố ở các vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi, châu Úc. Ở Việt Nam, cây Sui mọc nhiều ở vùng miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và một số tỉnh như Quảng Trị, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Thân cây Sui trưởng thành có đường kính lên tới 40 cm, có gốc lớn, vỏ cây màu xám nhạt. Lá hình elip dài 7 – 19 cm và rộng 3 – 6 cm, cả 2 mặt đều nhám.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá, cùng gốc, hoa đực mọc tụ trên một đế hoa phồng phồng khum lên, quanh đế hoa có tổng bao gồm nhiều hàng lá bắc, hoa cái mọc đơn độc trên một đế cũng có tổng bao. Quả thịt dài 18mm, dày 12mm, hạt hình trứng, dài 13mm, rộng 8mm
Cây phát triển nhanh và đạt tới kích thước trưởng thành trong vòng 20 năm.
Độc tính cực mạnh của cây Sui
Cây Sui chứa chất độc cardenolides glycoside nổi tiếng được dùng để tẩm cho mũi tên và phi tiêu. Vì thế ở đảo Java của Indonesia, cây Sui được gọi là Xuy cũng có nghĩa là “độc” hoặc còn mang các biệt danh như “lính gác”, “sứ giả”.
Ở Trung Quốc, loài cây này được cho là cực kỳ nguy hiểm với tên gọi cây Mũi Tên, bởi vì trước đây người Trung Quốc cổ đại đã lấy chất độc của cây Sui tẩm vào đầu mũi tên dùng trong săn bắn và chiến tranh. Dân gian tương truyền rằng, nếu ai trúng độc cây Mũi Tên này thì sẽ chết sau 7 bước leo lên dốc hay 8 bước đi xuống dốc hoặc 9 bước đi trên đường bằng.
Một khi bị trúng tên, người này sẽ lập tức bị ngộ độc, các triệu chứng rầm rộ và rất nhanh, các cơ giãn ra trong đó có cơ tim, nhịp tim chậm dần và ngừng tim. Người nhão, mềm, mắt nhắm nghiền và mặt xanh tái.
Nếu trong lúc đi rừng không biết cây này mà chặt làm dấu đường đi hay vô tình nghịch chơi dùng dao đẽo vỏ, bẻ cành làm chất nhựa trắng tiết ra dính vào tay chân mà vô tình đụng phải vết thương, bắn vào mắt thì có thể nhiễm độc, bị mù mắt. Khi bị nhựa cây Sui bắn vào mắt hay dây vào vết thương cần nhanh chóng rửa sạch mủ, khẩn trương đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Ứng dụng trong y học
Mặc dù có độc tố khủng khiếp nhưng hiện nay cây sui đang được Y học ứng dụng vào bào chế một số loại thuốc trị sốt, trợ tim, huyết áp cao... Nhựa mủ của cây Antiaris toxicaria chứa các glucosid, a, b và g – antiarin, antioresin, toxicarin và chất béo. Nhựa mủ với các glucosid có tác dụng mạnh lên tim tương tự như các glucosid của cây trúc đào.
Hạt của cây sui có vị đắng và có tác dụng hạ sốt rất tốt.
Ứng dụng trong đời sống hàng ngày
Cây Sui thường mọc hoang nhất là vùng núi, toàn thân cây Sui có nhiều nhựa màu trắng rất độc. Bà con thường dùng nhựa độc để làm đạn tẩm vào tên độc săn bắn thú rừng.
Nhưng có một điều thú vị là những con thú bị chết vì tên độc này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người ăn thịt chúng.
Tuy nhiên chăn Sui sẽ là một tấm đắp ấm áp đối với bà con dân tộc ít người trong mùa đông giá lạnh ở phía Bắc. Sau khi băm vỏ cây sui lấy nhựa phần bã được chế biến thành sợi để làm chăn đắp hay may quần áo, hoặc làm túi đựng các đồ vật.
Hoàng Kỳ tổng hợp
Xem thêm:
- Truyền thuyết về cây thuốc quý 7 lá 1 hoa 7; giải độc, chữa ung thư được tìm thấy ở Việt Nam
- Dâu tằm: Một cây thuốc bổ tuyệt diệu và mỹ phẩm trời cho;
- Tinh hoa Đông y: Trị bệnh tận gốc phải trị từ tâm
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.