Cây rau bợ hay còn gọi là cỏ bợ, cỏ tần, tứ diệp thảo, điền tự thảo, dạ hợp thảo… mọc dại khắp nơi ít được mọi người chú ý đến nhưng thực ra lại có thể làm nên những bài thuốc dân gian rất kỳ diệu cho người tiểu đường, sỏi thận, tiêu viêm, giải độc…

Rau bợ có tên khoa học là Marsilea quadrifolia L., thuộc họ Tần (Marsileaceae), bộ Dương xỉ (Hydropterides). Rau bợ mọc hoang ở những nơi ẩm hay ở dưới nước, có thân rễ bò mảnh, mang từng nhóm 2 lá một, cuống lá dài 5-15cm.

Dân gian vẫn dùng cỏ bợ vừa làm rau ăn, vừa có thể làm thuốc chữa bệnh. Cỏ bợ có thể ăn sống, xào, luộc hoặc nấu canh với tôm, tép… Khi dùng làm thuốc, người ta thường hái toàn cây về, dùng tươi, sao vàng sắc uống, hoặc phơi khô dùng dần.

Tác dụng của cây cỏ bợ

Theo Đông y: Cỏ bợ có tính mát; vị ngọt, hơi đắng. Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, tiêu sưng, nhuận gan, sáng mắt, trấn tĩnh. Dân gian thường hái về sắc đặc uống để giải nhiệt và thông tiểu tiện, chữa bạch đới, khí hư, mất ngủ… Có nơi còn giã cây tươi, ép lấy nước uống chữa rắn độc cắn, bã đắp lên những chỗ sưng đau, sưng vú, tắc tia sữa…

1. Cỏ bợ chữa tiểu đường

Theo lương y Hư Đan, sử dụng cỏ bợ để chữa trị tiểu đường là kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian từ lâu nay và cũng được ghi chép trong một số sách thuốc, có thể sử dụng theo 2 cách:

Trà thuốc: Dùng cỏ bợ khô 15-20g (hoặc 30-40g tươi), nấu nước uống trong ngày; dùng theo từng đợt 15-20 ngày, giữa các đợt nghỉ 5-7 ngày.

Thuốc bột: Dùng cỏ bợ khô, qua lâu nhân – 2 thứ liều lượng bằng nhau; tán mịn, trộn đều; ngày dùng 3 lần, mỗi lần 8-12g, hòa với sữa uống; hoặc trộn bột thuốc với sữa hoàn thành viên, hàng ngày uống 3 lần, mỗi lần 12-15g.

Qua lâu còn có tên là “dưa trời”, “dưa núi”, “hoa bát”, “vương qua” (tên gọi ở miền Bắc), “dây bạc bát”, “bát bát trâu” (tên miền Nam), người Tày gọi là “thau ca”, tên khoa học là trichosanthes kirilouvi Maxim, thuộc họ bí (Cucurbitaceae).

2. Chữa viêm gan, viêm thận hai chân phù thũng

Cỏ bợ 20-30g sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc này còn có tác dụng chữa mắt đỏ đau do phong hỏa.

3. Chữa sốt rét

 

Cỏ bợ 50-6g, sao vàng, sắc với nước uống trước khi lên cơn khoảng 2-3 tiếng. Cũng có thể dùng cỏ bợ vò nát nhét vào lỗ mũi để phòng lên cơn sốt.

4. Chữa thổ huyết

Cỏ bợ tươi 60g, gan vịt 1 cái; tất cả cùng giã nát, thêm nước vào đun sôi lên uống.

5. Chữa ung nhọt, đầu đinh

Cỏ bợ tươi 1 nắm, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh rồi dùng băng cố định lại, ngày thay thuốc 2 lần.

6. Tăng cường chuyển hóa gan, trị rôm sảy

Rau bợ 20g, lá sen non 30g tất cả nấu canh ăn hằng ngày.

Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, mát can thận, an thần hạ áp, trị sang nở, rôm sảy, mày đay, rối loạn chuyển hoá chức năng gan…

7. Thanh nhiệt giảm viêm

Cỏ bợ 50g, rau muống 50g tất cả đem nấu canh, dùng trong 7 – 10 ngày hoặc đến khi hết phù.

Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giảm viêm, lợi niệu, tiêu phù, thích dụng trong các trường hợp phù viêm thận cấp và mạn tính, viêm bàng quang, phù do suy tim, phù do tỳ trợ vận kém …

8. Thông tiểu, bài sỏi

Cỏ bợ 100-200g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt uống liên tục 7- 10 ngày có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, cường thận, mạnh bàng quang, thông niệu đạo, bài sỏi.

Sỏi thận giúp lợi tiểu, tiêu viêm và hỗ trợ bài sỏi (Ảnh: Internet)

Thích hợp cho người mắc sỏi thận, sỏi bàng quang và niệu quản, trị tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu không thông trong viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu, mẩn ngứa, mày đay, rôm sảy…

9. An thần, ngủ ngon

Rau bợ 30-50g, lá vông non 20g, tất cả đem nấu canh ăn 5-7 ngày.

Bài thuốc có tác dụng  nâng cao chính khí, an thần gây ngủ, thư giãn thần kinh, nhuận tràng. Dùng trong các trường hợp: suy nhược thần kinh, làm việc trí óc căng thẳng, đau đầu mất ngủ, táo bón, trĩ nội, trĩ ngoại…

Ngoài ra, cỏ bợ dùng nấu với cua đồng, ăn như canh có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, an thần, bồi bổ cơ thể, kích thích quá trình tổng hợp, phát triển, tái tạo tế bào xương. Tốt cho những người gãy xương, loãng xương, trẻ em còi xương, chậm phát triển chiều cao, thiếu canxi, mới ốm dậy, suy nhược cơ thể…

Lưu ý: Rau bợ có tính hàn nên những người tỳ, vị hư nhược hay tỳ thận dương hư có các biểu hiện như lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng, ăn uống tích trệ, ậm ạch khó tiêu, chân tay lạnh nên thận trọng khi dùng.

Minh Thành tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.