Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ước tính hiện nay Việt Nam có gần 13 triệu người tăng huyết áp, song chỉ hơn 50% số người mắc bệnh được phát hiện và 50% trong số đó được điều trị, giám sát. Bệnh tăng huyết áp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Để có được sự chuẩn bị và xử trí kịp thời tránh các biến chứng gây do ra tăng huyết áp, bạn nên trang bị những kiến thức cơ bản về căn bệnh này để nhận biết chính xác các triệu chứng của bệnh huyết áp cao.
Tăng huyết áp là gì ?
Tăng huyết áp là trạng thái máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Một người được xác định là bj bệnh này khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Đây là một căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù loà… Những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong.
Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người. Tuy nhiên đa số người mắc bệnh cao huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh.
Bạn có thể mắc bệnh cao huyết áp và không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi bạn gặp một cơn đột quỵ hoặc đau tim. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng”.
Choáng váng, nhức đầu
Đau đầu sẽ không xuất hiện trong trường hợp tăng nhẹ huyết áp mà là dấu hiệu đáng quan tâm hàng đầu khi huyết áp cao và đã trở thành ác tính (huyết áp tâm thu cao hơn 180 hoặc tâm trương cao hơn 110). Vì vậy, nhức đầu hay đau đầu không phải là triệu chứng đáng tin cậy để khẳng định một người có bệnh tăng huyết áp. Thay vào đó, hãy tới khám bác sĩ và biết số đo huyết áp của bạn.
Chảy máu mũi
Các chuyên gia y tế lưu ý rằng ở một số người trong những giai đoạn đầu bị tăng huyết áp có thể chảy máu cam nhiều hơn bình thường. Trong trường hợp nếu bạn bị chảy máu cam thường xuyên (nhiều hơn 1 lần/tuần) hoặc nếu nặng hơn khiến bạn không kiểm soát được, hãy đến cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Biểu hiện vết máu trong mắt
Đốm máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc thường xuất hiện phổ biến hơn ở những người có bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, nhưng không phải do những bệnh này gây ra các vết máu. Tuy nhiên, các bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện các tổn thương thần kinh thị giác ở người bệnh tăng huyết áp lâu ngày không được điều trị.
Tê hoặc ngứa ran ở các chi
Tăng huyết áp liên tục và không được kiểm soát sẽ khiến tê liệt các dây thần kinh, biểu hiện dễ nhận biết là tê hoặc ngứa ran ở các chi của bạn.
Chóng mặt, ù tai, hoa mắt
Đây là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp mà bạn không nên bỏ qua, nhất là khi dấu hiệu xảy ra đột ngột. Chúng làm bạn mất thăng bằng, gặp khó khăn trong đi bộ, bị ngất thậm chí là đột quỵ. Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.
Mất ngủ
Người huyết áp cao thường khó đi vào giấc ngủ, dễ mất ngủ hơn so với người huyết áp bình thường.
Đỏ mặt, buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn là một biểu hiện của bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác. Hiện tượng đỏ bừng mặt có thể xảy ra trong khi huyết áp của bạn cao hơn bình thường. Nhưng ngược lại, tăng huyết áp không phải là nguyên nhân gây đỏ bừng mặt. Do đó, bạn nên kiểm chứng chúng cùng với những triệu chứng đi kèm như nhìn mờ và khó thở.
Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp
Khi huyết áp tăng cao đến mức nguy hiểm (huyết áp tâm thu là 180 hoặc cao hơn hoặc tâm trương của 110 hoặc cao hơn) được gọi là tăng huyết áp ác tính, và điều trị y tế khẩn cấp là cần thiết. Một người bị tăng huyết áp ác tính có thể gặp: Nhức đầu nặng dai dẳng, lo âu nặng, đau ngực và khó thở. Khó thở làm cho lượng oxy trong máu bị tụt giảm, kích thích các thụ thể gửi tín hiệu đến não bộ. Sau đó, não bộ tiếp tục ra lệnh cho hệ thống động mạch co bóp mạnh hơn để tăng lượng oxy về tim và não, như vậy huyết áp của bạn có thể tăng lên đáng kể.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn không nên cố gắng tự chẩn đoán tăng huyết áp dựa trên các triệu chứng. Chẩn đoán xác định có bị bệnh tăng huyết áp hay không phải dựa trên những kết luận của chuyên gia sức khỏe. Có một loạt các triệu chứng có thể gián tiếp liên quan đến bệnh tăng huyết áp nhưng không phải do bệnh lý này trực tiếp gây ra.
Tùy vào cơ thể mỗi người mà có những dấu hiệu bệnh tăng huyết áp khác nhau. Rất nhiều người không phát hiện mình bị bệnh nên lời khuyên tốt nhất là mọi người nên đi khám bác sĩ định kỳ cho dù không có bất cứ triệu chứng tăng huyết áp nào rõ ràng.
BS. Thu Trang