Vũ khí hóa học được sử dụng phổ biến nhất từ thế kỷ 20, đặc biệt là trong hai cuộc đại chiến thế giới, trong chiến tranh Việt Nam và một số cuộc chiến khác. Loại vũ khí này là sử dụng chất hóa học gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ. Nó chính là một trong những loại vũ khí huỷ diệt lớn gây chết người hàng loạt.
Vũ khí hóa học sử dụng tại Syria nguy hiểm ra sao?
Một cuộc tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng chính phủ Syria vào thị trấn Douma nơi phiến quân chiếm đóng đã dẫn đến cuộc tấn công trừng phạt của liên quân ba nước Anh, Mỹ, Pháp.
Chính phủ Syria và đồng mình Nga phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công diễn ra đêm thứ Bảy tuần vừa qua, làm ít nhất 43 người tử vong, theo tờ Washington Post.
“Cuộc tấn công xấu xa và liều lĩnh đó đã khiến các bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em phải chịu đau đớn, họ thở thoi thóp để lấy không khí. Đó không phải là hành động của một con người, đó là tội ác của một con quái vật”, tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong một bài phát biểu hôm 13/4.
Sự huỷ diệt của vũ khí hóa học từng được sử dụng trong cuộc nội chiến Syria
Chương trình vũ khí hóa học của chính phủ Syria khởi động từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Syria được cho là một trong những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, không chỉ có các chất độc thần kinh như VX mà còn gồm cả những vũ khí gây bỏng như khí mù tạt.
- Vũ khí hóa học đáng chú ý nhất được sử dụng trong chiến tranh Syria là sarin. Sarin là chất độc thần kinh được phát minh bởi Đức Quốc Xã và bị cấm theo luật quốc tế năm 1997. Chất này nguy hiểm hơn 20 lần so với xyanua. Sarin đáng sợ ở chỗ không mùi, không vị, nhưng sẽ khiến nạn nhân bị ngạt và tử vong nhanh chóng sau khi tiếp xúc.
Chính phủ Syria được cho là đã sử dụng sarin trong một số đợt tấn công. Trong đó có cuộc tấn công Khan Sheikhoun năm 2017, cũng như cuộc tấn công ngoại ô Damascus đã giết hại 1429 người, theo ước tính của Nhà Trắng. - Khí clo cũng đã được sử dụng nhiều lần trong cuộc nội chiến. Mặc dù clo cũng được sử dụng trong công nghiệp và không phải luôn được coi là vũ khí hóa học. Tuy nhiên khi hít phải, khí clo sẽ phản ứng tạo thành acid HCl trong phổi và khiến nạn nhân “chết đuối” trên cạn do dịch tràn vào trong phế nang. Mặc dù độc tính của clo không bằng sarin nhưng cũng có thể gây chết người.
- Tổ chức Chống Vũ Khí Hóa Học (OPCW) đã cáo buộc quân đội IS sử dụng khí mù tạt trong các cuộc tấn công tại Syria. Khí mù tạt có sức sát thương lớn, gây nên những vết bỏng hóa học không chỉ trên da mà còn ở phổi và mắt. Loại khí độc này có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật, mù vĩnh viễn cho nạn nhân.
“Các vũ khí hoá học nguy hiểm vô song, không chỉ vì chúng gây ra những đau đớn kinh khủng, mà còn vì với một lượng nhỏ cũng có thể dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng”, Tổng thống Donal Trump nói trong một bài phát biểu về quyết định trừng phạt Syria.
Vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc tấn công Douma?
Các nhân chứng trong vụ nổ bom cuối tuần qua tại Douma đã mô tả mùi nặng giống mùi clo trong suốt cuộc tấn công, song một số cho biết tác động của loại khí này dường như mạnh hơn so với các cuộc tấn công tương tự trước đó.
Mohammed Marhoum – một nhân viên y tế quan sát thấy các triệu chứng chưa từng thấy trước đây, bao gồm co quắp, đồng tử bất thường và sùi bọt mép. “Chúng tôi tin rằng khí được sử dụng là khí clo và các loại khí khác”, ông nói với tờ Washington Post. Các chuyên gia cũng cho rằng tốc độ tử vong của nạn nhân cho thấy khả năng vũ khí hóa học được sử dụng là chất độc thần kinh. Nếu chỉ riêng khí clo thường sẽ cần thời gian lâu hơn để có tác dụng.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động đã tìm thấy những xy-lanh chứa khí màu vàng ở hiện trường. Các nghiên cứu mới đăng trên trang Belling Cat cho rằng những xi-lanh này chứa khí nén. Sarin là một chất lỏng, do đó xy-lanh chứa khí nén dường như không phải là phương thức phát tán sarin.
Các chuyên gia của OPCW tới hiện trường để tìm kiếm sự thật. Hiện chưa rõ đoàn sẽ có thể thu thập đủ bằng chứng hay không, vì các nhân chứng đã tản mát. Trong khi đó phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố “một lượng lớn thông tin cho thấy chế độ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tại khu vực Douma…vào ngày 7/4/2018”.
Vũ khí hóa học là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, sử dụng chất hóa học gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, cả hai phe tham chiến đều dùng khí độc làm chảy nước mắt, khí clo, khí photgen gây ngạt chứa trong chai, trong đạn pháo, đạn cối làm cho 1.360.000 người bị nhiễm độc vì hơi ngạt trong đó có 94.000 người chết.
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học đặc biệt là chất độc da cam gây hậu quả nặng nề đến tận ngày nay.
Theo báo quốc tế, khả năng sát thương của vũ khí hóa học được so sánh ngang hàng với vũ khí sinh học và bom nguyên tử. Tuy nhiên, vũ khí này gây kinh sợ không chỉ bởi khả năng hủy diệt, mà còn vì tác động kinh khủng của nó đến nạn nhân khi họ phải chịu nỗi đau đớn khủng khiếp, kéo dài trước khi chết. Chính vì thế, nhiều quốc gia đề nghị xây dựng luật quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học.
Năm 1993 tại Paris, Hiệp ước quốc tế liên quan đến việc cấm sản xuất, lưu trữ và sử dụng vũ khí hóa học được ký kết. Theo Hiệp ước, vũ khí hóa học bị cấm sử dụng “trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Đến nay, đã có 192 quốc gia thành viên Hiệp ước cam kết xóa bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.
Đại Hải