Chất độc được sử dụng trong vụ tấn công cha con cựu đại tá tình báo Nga được xác định là Novichok – chất độc thần kinh mạnh nhất con người từng tạo ra.
Ông Skripal, 66 tuổi, cùng con gái Yulia, 33 tuổi, hôm 4/3 tới nghĩa trang thăm mộ vợ ông là bà Liudmila vài giờ trước khi bị phát hiện bất tỉnh trên ghế băng ngoài trung tâm mua sắm thành phố Salisbury. Cơ quan chức năng bước đầu xác định 2 nạn nhân bị trúng một loại chất độc thần kinh nào đó do có các biểu hiện lâm sàng như: mắt trắng dã, mở trừng trừng, miệng sùi bọt, tê cứng toàn thân.
Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng ở Porton Down, Anh, đã thu thập các mẫu vật tại hiện trường và xác định loại chất độc khiến bố con cựu đại tá tình báo Nga, Skripal nguy kịch chính là Novichok, hợp chất từng được Liên Xô nghiên cứu và phát triển vào thập niên 1980, The Sun hôm 12/3 đưa tin.
Vì ra đời muộn hơn rất nhiều so với các chất độc thần kinh khác như VX hay sarin, nó được đặt tên Novichok, nghĩa là “tân binh” trong tiếng Nga. Novichok thường được dùng ở dạng bột mịn, với thành phần hóa học khác một chút so với VX và sarin, nhưng được cho là có khả năng gây chết người cao gấp 5-10 lần các tiền bối, đồng thời có thể chống lại các biện pháp chữa trị nhiễm độc thông thường.
Trong khi VX và sarin đã trở thành cái tên khá quen thuộc với báo giới sau khi được sử dụng trong hàng loạt các vụ tấn công quân sự và tấn công khủng bố suốt từ thập niên 40, thì đây là lần đầu tiên Novichok tham chiến.
Cũng như các loại chất độc thần kinh khác, Novichok thường gây nhiễm độc cho nạn nhân thông qua đường hô hấp hoặc hấp thụ qua da. Sau khi xâm nhập vào cơ thể nạn nhân, Novichok khiến tim đập chậm lại và đường thở bị co rút, làm nạn nhân tử vong vì ngạt thở.
Một bác sĩ Mỹ giải thích với ABC Science rằng tất cả các loại chất độc thần kinh như Novichok, VX hay sarin đều có cơ chế hoạt động giống nhau, đó là vô hiệu hóa acetylcholinesterase, loại enzyme xúc tác quá trình thủy phân chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin thành cholin và acid acetic. Đây là phản ứng cần thiết để các tế bào neuron thần kinh cholinergic phục hồi trở lại trạng thái nghỉ ngơi sau khi hoạt hóa.
Việc các tế bào thần kinh không được nghỉ ngơi khiến cơ thể nạn nhân nhanh chóng quá tải với các biểu hiện như đổ mồ hôi, nôn mửa, tăng cường bài tiết, sùi bọt mép, co giật. Vì tim và cơ hoành bị rối loạn hoạt động, nạn nhân sẽ bị co rút, tê liệt và ngạt thở.
Trúng độc Novichok khiến nạn nhân phải chịu những hậu quả vô cùng nặng nề. Khi sử dụng với liều cao, Novichok dễ dàng đoạt mạng nạn nhân trong vài phút, ở liều thấp hơn, Novichok gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho não bộ của họ.
Novichok còn nguy hiểm ở chỗ nó được coi là “vũ khí hóa học nhị phân”, nghĩa là nó được kết hợp từ hai thành phần vốn vô hại, nhưng trở thành chất độc chết người khi trộn lẫn vào nhau. Đặc tính này khiến Novichok rất dễ vận chuyển, xử lý và có thời gian bảo quản dài hơn so với các chất độc thần kinh khác.
Tuy có thành phần rất đơn giản và rẻ tiền, phương pháp bào chế Novichok lại vô cùng phức tạp và đòi hỏi những biện pháp an toàn đặc biệt, khiến các nhà khoa học Liên Xô phải mất gần một thập kỷ mới tạo ra được loại chất độc này.
“Những loại hóa chất này nguy hiểm đến mức không nhóm khủng bố nghiệp dư nào có thể chế tạo ra”, Andrea Sella, giáo sư ngành hóa vô cơ tại Đại học London nói. “Nó chỉ có thể được tạo ra trong các phòng thí nghiệm do chính phủ tài trợ”. Với việc phân tích các dấu vết hóa chất sót lại ở hiện trường, các nhà khoa học có thể xác định được phòng thí nghiệm nào đã tạo ra nó.
Một báo cáo năm 2014 của tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân cáo buộc Nga đang sở hữu hàng nghìn tấn Novichok cấp độ vũ khí. Sau vụ mưu sát Skripal, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho rằng chất độc “rõ ràng đến từ Nga” và cảnh báo nước này sẽ “có biện pháp đáp trả”. Điện Kremlin tới nay bác bỏ mọi sự liên quan đến âm mưu sát hại cựu đại tá tình báo từng bị kết tội phản quốc này.
Hoài Anh