Cơ thể chúng ta chủ yếu là nước. Mỗi tế bào cũng tràn ngập trong nước, giống như sống trong cảnh sông nước hiền hoà. Vậy mới hay cơ thể người như là một nhà máy thuỷ lực; và trái tim chính là chiếc bơm bền nhất trên thế giới, hoạt động ngày đêm không ngừng nghỉ suốt cuộc đời một người.
Để biết chắc một người đã chết hay chưa, người xưa đặt một tấm gương trước mũi họ. Nếu thấy hơi nước không đọng lại trên gương thì biết người ấy đã qua đời. Hơi nước thoát ra từ phổi, là chứng nhận cuối cùng của hoạt động sống.
Nước hiện hữu khắp nơi trong cơ thể sống
Cơ thể con người giống như một khối bọt biển, ở đàn ông, nước chiếm 64% khối lượng cơ thể, còn ở phụ nữ là 70%. Nước nuôi dưỡng và làm sạch cơ thể con người. Ngay cả tư duy của chúng ta cũng phụ thuộc vào nước: không có nước thì không có năng lượng nên không tạo ra sự hoạt động của hệ thần kinh.
Phương pháp dùng gương xác định cái chết kể trên rất khớp với sự thật: Trong tất cả những yếu tố cấu tạo nên con người chúng ta, nước giữ vai trò quan trọng nhất. Nó quan trọng trước hết do khối lượng.
Bình quân ở một người cân nặng 70 kg, cơ thể chứa khoảng 45 kg nước (gần bằng 2/3 thể trọng). Ở não, nước chiếm tỷ lệ 85%, ở da 70%; tim: gần 80%. Ngay cả ở xương – biểu tượng của sự rắn chắc trong cơ thể cũng có tỷ lệ nước lên tới 20%. Ở nơi rắn nhất là răng cũng có nước, chiếm 0,2%.
Nước len lỏi qua những “đường ống” khác nhau, hiện diện trong hệ thống mạch máu, lan tỏa khắp cơ thể. Hệ thống này gồm 160 triệu động mạch nhỏ, 500 triệu tiểu tĩnh mạch và 5 tỷ mao mạch, tổng cộng 940 km ống dẫn đã đưa máu đến khắp cơ thể.
Nhưng nước không chỉ hiện diện trong quá trình ấy, chúng băng qua các mạch máu, đặc biệt là các mao mạch xốp (chiếm diện tích khoảng 300 m2 trên toàn cơ thể) và du hành trong những lối quanh co li ti giữa các tế bào. Sau cùng, chúng thẩm thấu qua màng tế bào để vào bên trong tế bào.
2/3 lượng dịch của cơ thể (chủ yếu là nước) ở bên trong các tế bào – gọi là dịch nội bào, 1/3 còn lại bên ngoài các tế bào gọi là dịch ngoại bào. Mô kẽ chứa 80% dịch ngoại bào, 20% kia lưu thông trong huyết tương.
Vai trò sinh lý của nước trong cơ thể người
Những dòng nước ấy giữ chức năng trọng yếu trong cơ thể con người. Trước hết, qua mạng mạch máu hay bạch huyết, nước đưa năng lượng đến các cơ quan nội tạng để chúng có thể hoạt động. Nói cách khác, nước chuyên chở thức ăn (mỡ, đường) đến các bắp thịt.
Như thế, nước giống “kẻ chở thuê” và là kẻ chở thuê tài ba. Bởi trong khi vận chuyển, nước đồng thời chế biến những nguyên liệu chúng đem đi. Nước tham gia chuyển hóa thức ăn, biến chúng thành năng lượng sẵn sàng để cơ thể con người sử dụng.
Kế đó, nước loại các chất thải qua nước tiểu, mồ hôi và cả hơi thở. Sau cùng, nước cũng giữ nhiệm vụ vận hành những yếu tố bảo vệ cơ thể con người: các bạch huyết bào (bạch cầu).
Nước cũng tham gia hệ thống điều hòa nhiệt độ thông qua sự bài tiết mồ hôi. Khi con người đổ mồ hôi, nước sẽ bay hơi, hấp thụ năng lượng trên bề mặt da. Nếu không có hiện tượng này, cơ thể sẽ chịu tác động của một sức nóng quá độ, rất có hại.
Nhưng khả năng tuyệt vời nhất của nước là mang lại sự sống cho trí suy tưởng của con người; nó là nguồn gốc của tư tưởng. Nước giúp hệ thần kinh, nhất là não, hoạt động. Nhờ sự hiện diện của nước, nhiều nguyên tử phân thành ion mang điện, giúp dẫn truyền các luồng xung động thần kinh.
Nước mềm mại nhưng nâng đỡ cả cơ thể
Nước có một chức năng vô cùng quan trọng khác, ít người nhớ đến, đó là tạo nên cấu trúc cho cơ thể. Cơ thể được hợp thành bởi một lượng vô cùng lớn các tế bào, mỗi tế bào có một màng bao bọc. Nước tác động lên hình dạng của tất cả những bộ phận này. Không có nước, các tế bào sẽ biến dạng, vẹo vọ đi, cấu trúc bị lung lay.
Nước cũng rất cần thiết cho hoạt động của các enzym. Không có nước, enzym sẽ mất hình dạng và do đó không thể hoàn thành chức năng của chúng. Hậu quả là tế bào sẽ chết.
Mất nước cơ thể sẽ héo mòn
Nước là yếu tố sống còn của cơ thể con người nên nó cần được gìn giữ với số lượng hầu như không đổi. Điều này được bảo đảm trước tiên ở thận, nó thải nhiều hay ít chất lỏng tùy thuộc vào nhu cầu cơ thể. Nếu cơ thể thiếu nước, máu trở nên đặc hơn, thận được báo động nên lượng nước tiểu sẽ giảm đi.
Nếu sự thiếu nước trở nên trầm trọng hơn, sự hợp tác tại chỗ sẽ khởi phát: thận gửi đến gan tín hiệu cấp cứu. Qua trung gian với một thông điệp khác, tín hiệu cấp cứu sẽ đến tuyến thượng thận, cơ quan này ra lệnh cho thận thu hồi muối và do đó thu cả nước.
Còn nếu sau khi mồ hôi đổ nhiều, mức độ nước thiếu hụt nặng hơn thì lần này, não sẽ can thiệp. Được báo động, tuyến yên sẽ tiết ra hoóc môn gây co mạch. Chất này kích thích thận phải hạn chế hơn nữa sự thải nước tiểu. Ruột, nhất là ruột già, sẽ hợp tác trong quá trình “chống hạn” nói trên. Cơ quan này rút nước trong phân, ít hay nhiều tùy lệnh của tuyến yên. Để bổ sung, cơ thể đốt cháy một số đường để giải phóng nước.
Thường khi không được thiếu nước quá 3 hay 4 ngày, cơ thể sẽ gặp những rối loạn trầm trọng. Sau 15 ngày không có nước, tế bào sẽ không thể hoạt động được nữa và hiểm họa sẽ ập đến.
Hoàng Kỳ tổng hợp
Xem thêm:
- Video: Đạo của nước
- Nguồn gốc giọt nước mắt và 12 bí ẩn thú vị khác về cơ thể người
- Những trải nghiệm cận tử qua câu chuyện đầy nước mắt của cha con ông giáo: thật sự là kì tích!
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.