“Những điều kiện đã hội tụ. Đại dịch có thể xảy ra trong nay mai” – Tiến sỹ Jonathan Quick của Tổ chức Y tế Thế giới cho hay. Ông lo ngại về một đại dịch có thể khiến 300 triệu người thiệt mạng trong vòng chỉ hai năm. Nhân loại gần như đang thụ động chờ đợi những đợt tấn công với lưỡi kiếm cùn và chiếc khiên cũ kỹ mỏng manh trên tay.
Thảm họa đang ở trước mắt
Đó là cảnh báo của TS. Jonathan Quick là một chuyên gia hàng đầu thế giới của WHO. Theo ông, điều khủng khiếp sắp đến: Một đại dịch toàn cầu có thể giết 33 triệu người trong 200 ngày đầu tiên.
Trong vòng 2 năm tiếp sau đó, hơn 300 triệu người trên toàn thế giới có thể bỏ mạng. Khi lên đến cực điểm, nguồn cung lương thực, y tế bị rối loạn và không đủ người sống để vận hành máy tính cùng các hệ thống năng lượng, kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ. Nạn đói và cướp bóc sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.
Nghe thật giống một bộ phim mô tả ngày tận thế nhưng lại chỉ cần thời gian để trở thành sự thật. Thủ phạm là virus cúm, một “sát nhân” tiềm năng có khả năng lây lan rộng và khó kiểm soát nhất từng được biết đến.
Là một tiến sỹ y học và là giám đốc nhiều chương trình toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sỹ Jonathan Quick tin rằng nhân loại đang đứng trước nguy cơ xuất hiện một đại dịch virus cúm rất nguy hiểm.
“Những điều kiện đã hội tụ. Đại dịch có thể xảy ra trong nay mai” Tiến sỹ Jonathan Quick cho hay.
Virus cúm gieo rắc nỗi kinh hoàng
Đã 100 năm trôi qua kể từ đại dịch cúm Tây Ba Nha lây nhiễm cho ⅓ dân số thế giới, lấy đi sinh mạng gần 100 triệu người. Đây vẫn còn là đại dịch cúm chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.
“Sau một thế kỷ, từ lịch sử và sinh học về virus cúm, chúng ta biết sẽ sớm có một đại dịch lớn khác trên toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng hiện nay đã quá hạn định rồi”, theo Tiến sỹ Jonathan Quick.
Chủng virus cúm kinh hoàng nhất nhân loại nhân loại nhận thức được cho đến nay – chủng H5N, hay virus cúm gia cầm – đến từ một loài động vật. Có thể nó đã lây sang người thông qua tiếp xúc với gia cầm bệnh bị giết tại một trang trại hoặc khu chợ ở Hong Kong.
Virus H5N1 lần đầu tiên khiến một người thiệt mạng năm 1997 tại Hong Kong. Từ năm 2003 đến đầu năm 2016, đã có 846 trường hợp nhiễm H5N1 trên 16 quốc gia
Số người nhiễm dường như không nhiều. Trên thực tế ở thời điểm hiện tại virus H5N1 không quá dễ lây. Điều đáng sợ là chủng virus này đã giết hơn một nửa số người nhiễm. Để so sánh, đại dịch cúm Tây Ba Nha năm 1918 có tỷ lệ tử vong chỉ trong khoảng từ 2-3%.
Điều này khiến H5N1 là một trong số các chủng virus nguy hiểm nhất mà các nhà khoa học từng đụng độ. Ở ngoài kia, virus H5N1 đang trôi nổi trong huyết quản gà và vịt. Trong khi đó, virus cúm lợn tiếp tục đột biến trong dòng máu của lợn và là mối đe dọa thường trực đối với con người.
Theo Tiến sỹ Jonathan Quick, nếu một chủng H5N1 mới, dễ lây lan xuất hiện và đi bám nhờ một hành khách không hay biết chuyện trên chuyến tàu thủy hay máy bay, nhiều khả năng một đại dịch mang tầm vóc thảm họa sẽ nhanh chóng xuất hiện. Nỗi kinh hoàng đến từ tỷ lệ tử vong cao, dễ lây lan của bệnh.
Bên cạnh đó bệnh nhân cúm thường chỉ nhận được chăm sóc y tế để hỗ trợ cơ thể người bệnh, thay vì “chữa” theo đúng nghĩa. Vắc-xin cúm được các chuyên gia coi là hy vọng của nhân loại. Thế nhưng virus cúm biến đổi khó lường, từ mùa cúm này sang mùa cúm khác. Các nhà sản xuất vắc-xin không thể dự đoán được chủng cúm nào sẽ xuất hiện chế tạo vắc-xin phòng bệnh có hiệu quả. Đó là một nguyên nhân khiến vắc-xin cúm có hiệu quả khá thấp hoặc thậm chí vô hiệu.
Có thể nói cho đến nay nhân loại gần như đang thụ động chờ đơi những đợt tấn công từ virus cúm với lưỡi kiếm cùn và chiếc khiên mỏng manh, cũ kỹ trên tay.
Nguồn gốc của đại dịch
Virus cúm người thường có xuất xứ từ thủy cầm, vì virus cúm gia cầm rất phổ biến ở loài thủy cầm.
Thỉnh thoảng, một virus ở chim hoang dã tiếp xúc với chủng khác ở trong các loài chim hay thậm chí là lợn. Các chủng virus khác nhau sau đó có thể trao đổi gen, hay nói cách khác là trao đổi những “kỹ năng” như dễ lây lan, nguy hiểm chết người.
Đâu đó ngoài kia, một virus cúm đang ngụp lặn trong dòng máu một con chim, dơi hoặc khỉ, lợn, chuẩn bị “nhảy” sang loài người.
“Khi sự trao đổi này tìm được cách “di trú” sang con người, thì chủng virus mới có thể giết chúng ta dễ dàng vì nó xa lạ với cơ thể người vốn không có chút miễn dịch nào”, theo Tiến sỹ Jonathan Quick. Kịch bản tương tự cũng từng xảy ra ở đại dịch cúm năm 1918.
100 năm sau, chúng ta tình cờ xây dựng môi trường tiến hóa và đào tạo virus thành “kẻ giết người hàng loạt”. Hình thức chăn nuôi siêu công nghiệp kiểu như các nhà máy hiện nay được xem như lò ấp sinh ra các chủng cúm nguy hiểm nhất.
“Các nhà máy nông nghiệp là một trong số những ứng cử viên tiềm năng gây nên đại dịch mức thảm họa”, Tiến sỹ Quick cho hay.
Tại đây hàng triệu động vật bị nhốt chung vào một nơi trong những điều kiện chẳng khác nào “lò ấp” cho đại dịch, khi tạo cơ hội cho virus tiếp xúc và trao đổi gen với các chủng virus khác.
Những trang trại khổng lồ là nơi sản sinh chủng virus cúm H1N1 nổi lên năm 2009 và giết hại ước tính lên đến gần nửa triệu người trên toàn cầu.
Các nhà khoa học lần theo gen của virus đến một trang trại nuôi lợn lớn ở Bắc California năm 1998. Ban đầu, virus chứa 3 gen cúm người. Trong vòng một vài tháng ở trang trại, nó tìm thêm được các đoạn gen của virus cúm gia cầm khác.
Lợn ăn hầu hết mọi thứ, vì vậy ruột của chúng là máy trộn các chủng cúm. Khi lợn ăn phân chim hoang dã ốm hay gà sống gần đó, chủng virus cúm trong hệ tiêu hóa có thể trao đổi chất liệu gen để tạo nên chủng mới. Đường ruột lợn có thể nhận thêm nhiều loại vi khuẩn từ những người mà chúng tiếp xúc.
Khi chủng cúm mới nhận được gen thích hợp thì chúng sẽ dễ dàng lây nhiễm cho người. Các trang trại chăn nuôi rất có thể là nơi sản sinh của đại dịch mới. Virus họ nuôi một ngày nào đó sẽ phản bội và giết hại người nuôi chúng.
Các trận đại dịch cúm có khuynh hướng xảy ra cứ vài thập niên một lần. Giới chuyên gia tin rằng trận dịch tiếp theo không phải là “nếu” mà là “khi nào”. Trong một tương lai nhìn thấy trước, dịch cúm sẽ tiếp tục là “bạn đồng hành” của con người. Chúng ta cần những bước đột phá, thậm chí là cải cách trong nhận thức, để sẵn sàng đối diện với những đại dịch cúm trong tương lai.
Tiến sỹ Jonathan Quick là giảng viên trường đại học Y Harvard, giám đốc Hội Đồng Sức Khỏe Toàn Cầu, một liên minh thành viên lớn nhất thế giới nhằm thúc đẩy các chính sách và trương trình giúp cải thiện sức khỏe trên toàn cầu.
Theo Dailymail
Đại Hải