Theo Viện trưởng bệnh viện Đông Y Khang Hoa Đài Loan ông Trương Gia Bội, “Thời tiết mùa thu đi vào Phế Kinh, sự khô hanh dễ gây tổn thương Phế. Những người có thể chất khác nhau cần chú ý sức khỏe để không mắc các loại bệnh thường tái phát vào mùa này.

Mùa thu bắt đầu từ tiết lập thu và kết thúc vào trước tiết lập Đông. Phương Đông coi tiết Thu Phân là giữa mùa thu và là giai đoạn chuyển tiếp khí hậu. Sang thu, thời tiết mát dần, dương khí dần dần thu liễm lại, âm khí tăng lên. Trời thu trong vắt, mặt đất khô hanh, gió heo may thổi, vạn vật thành thục; đó là mùa quả chín, mùa gặt hái.

Đầu thu là giai đoạn chuyển tiếp từ nóng sang lạnh, lúc này trời vẫn còn nóng nhiều, thấp khí (độ ẩm) vẫn còn cao, nhiều khi vẫn còn giông bão. Nói chung, sau tiết Xử Thử trời mới bớt nóng (“Xử Thử” có nghĩa là hết nóng) và sau tiết Bạch Lộ, lượng mưa mới giảm, trời đất khô hanh. Đây cũng là lúc nóng lạnh chuyển đổi, ngày thường nóng đêm thường lạnh, cơ thể không thích ứng được sẽ rất dễ bị cảm mạo hoặc các bệnh cũ cũng dễ tái phát.

“Thời tiết mùa thu đi vào Phế Kinh, sự khô hanh của mùa thu dễ tổn thương Phế. (Ảnh: pinterest.com)

Mùa thu chuyển tiếp từ trạng thái tăng trưởng sang trạng thái thu nhập. Nhìn chung, thời tiết có đặc tính “thu liễm”, phép dưỡng sinh trong mùa thu là phải thuận theo cái khí thu liễm trong trời đất mà điều hòa thân thể. Theo viện trưởng bệnh viện Đông Y Khang Hoa ông Trương Gia Bội, “Thời tiết mùa thu đi vào Phế Kinh, sự khô hanh của mùa thu dễ tổn thương Phế. Những người có thể chất khác nhau cần chú ý  để không mắc các loại bệnh thường tái phát vào mùa này.

5 loại thể chất 5 loại triệu chứng khác nhau

Theo bác sỹ Đông y Trần Ngọc Quyên tới từ Bệnh viện Đại học Y Đài Bắc, người có thể chất khí hư vào mùa thu thân thể thường có các biểu hiện như khó thở, dễ đổ mồ hôi, mệt mỏi cần chú ý dễ mắc cảm mạo.

Những người sợ lạnh, chân tay luôn lạnh thuộc thể chất dương hư. Cần chú ý dễ mắc các loại bệnh về dạ dày đại tràng.

Những người gầy gò, luôn thấy khô miệng muốn uống nhiều nước, đại tiện khô và cứng, lòng bàn tay nóng, dễ đổ mồ hôi khi ngủ, thuộc thể chất âm hư. Vào mùa thu dễ bị ho khan (Có đờm mắc kẹt ở cổ họng không hết) ho lâu ngày, dễ bị táo bón.

Người có thể chất khác nhau có các triệu chứng khác nhau vào mùa thu

Những người mập, lượng đường trong máu cao, cholesterol cao thuộc thể chất đàm thấp, bình thường luôn thấy nhiều đờm, dễ cáu gắt buồn bực. Mùa thu cần chú ý dễ mắc các loại bệnh huyết áp cao, đường máu cao…
Những người thể chất khí uất thường yếu đuối, dễ bị các trạng thái cảm xúc ảnh hưởng tới sức khỏe, ngủ không ngon. Mùa thu dễ bị các bệnh như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.

Dưỡng sinh Đông y chú trọng cần thuận theo tự nhiên theo bốn mùa. Chăm sóc sức khỏe mùa thu cần chú ý đến một số vấn đề như sau:

Giáng hỏa khứ táo

Mùa thu có ba tháng, bắt đầu từ tiết Lập thu trải qua các tiết Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng và Lập đông, là mùa vạn vật thành thục, cây trái và mùa màng đến kỳ thu hoạch. Tiết thu, dương khí dần dần thu liễm bế tàng, âm khí từ từ tăng trưởng, thời tiết chuyển dần từ nóng sang lạnh, là giai đoạn quá độ của “Dương tiêu âm trưởng”. Lúc này, mưa ít gió nhiều, độ ẩm trong không khí giảm đi, “Táo” với đặc tính khô hanh là chủ khí. Thu táo dễ làm hao tổn chất dịch trong cơ thể gây nên các hiện tượng miệng, môi, mũi, họng đều khô, da dẻ khô ngứa thậm chí nứt nẻ, râu tóc không nhuận, đại tiện dễ táo. Khí táo mùa thu được phân ra ôn táo và lương táo.

Vào tiết khí Bạch lộ khi bắt đầu mùa thu nên sử dụng các loại thực phẩm có thể giáng hỏa khứ táo như đậu xanh, mật ong…

Bởi vậy vào tiết khí Bạch lộ khi bắt đầu mùa thu nên sử dụng các loại thực phẩm có thể giáng hỏa khứ táo như đậu xanh, mật ong… Bác sỹ Trương cũng chia sẻ, thời tiết này nên chú ý bổ sung nhiều nước hơn cho cơ thể để tránh khô hanh.

Tư âm nhuận Phế

Ăn uống vào mùa thu, trước hết cần phải tuân thủ nguyên tắc “Thu đông dưỡng âm”, “phòng táo giữ âm, tư thận nhuận phế”, nghĩa là nên bổ sung đầy đủ tân dịch và trọng dụng những thực phẩm có công dụng dưỡng âm nhuận táo. Có thể bổ sung những loại thực phẩm giúp Tư âm nhuận phế như mộc nhĩ trắng, mía, tổ yến, lê, vừng, ngó sen, sữa đậu nành, gạo nếp…

Theo Học thuyết Ngũ hành, vị chua vào Can, vị cay vào Phế. Phế thuộc Kim, Can thuộc Mộc. “Vạn vật thu thu, phế khí kim vượng”, nghĩa là, mùa thu vạn vật thu vào, khí kim ở Phế vượng thịnh. Nếu ăn uống nhiều đồ có vị cay thì sẽ trợ giúp cho phế khí khiến cho phế khí càng thịnh, phế kim khắc can mộc thái quá dẫn đến công năng của tạng Can bị rối loạn. Vì vậy, cổ nhân khuyên về mùa thu nên ăn uống “thiểu tân tăng toan” (ít cay nhiều chua), bổ sung nhiều thực phẩm có vị chua nhằm tăng cường chức năng của Can và phòng ngừa Phế khí quá thịnh hại đến Can và hạn chế thực phẩm có vị cay như hành, gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu…

Kiệm Tỳ dưỡng Vị

Mùa thu là giai đoạn quá độ từ nóng chuyển sang lạnh vì vậy không nên ăn quá nhiều đồ sống lạnh hoặc bổ béo khó tiêu dễ gây thương tổn Tỳ và Vị. Ăn uống bồi bổ nên điều hòa (bình bổ) vì thời tiết mát mẻ, âm dương tương đối cân bằng, đồ ăn thức uống không nên quá nóng và quá lạnh. Ví như về mùa hạ các loại dưa như dưa hấu, dưa chuột, dưa gang…là thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt tiêu thử mạnh, nhưng sau tiết Lập thu thì bất luận loại dưa nào dù ngon đến mấy cũng không nên ăn nhiều vì dễ làm cho dương khí của tỳ vị hư hao. Sách thuốc cổ đã viết: “Thu qua hoại đỗ” (mùa thu ăn dưa thì có hại cho đường tiêu hóa).

Theo cổ nhân, ăn cháo vào mùa thu rất có ích cho sức khỏe, nhất là vào tiết đầu thu khi khí trời vẫn còn nóng ẩm dễ gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa.

Theo sách Y học nhập môn, để bồi bổ tân dịch nên thường xuyên bổ sung các loại cháo như cháo bách hợp hạt sen, cháo hồng táo gạo nếp, cháo đường phèn, cháo sa sâm, cháo hoàng tinh… với phương thức “sáng sớm dùng cháo có tác dụng tốt cho quá trình trao đổi chất, lợi cho dạ dày, sinh tân dịch…”.

Theo cổ nhân, ăn cháo vào mùa thu rất có ích cho sức khỏe, nhất là vào tiết đầu thu khi khí trời vẫn còn nóng ẩm dễ gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa. Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: “Gạo tẻ vị ngọt tính bình, hợp với việc nấu thành cháo, cháo là một trong những đồ ăn bổ dưỡng tốt nhất”.

Ấn huyệt tăng cường sức khỏe

Massage một số huyệt vị cũng có thể hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và dưỡng sinh vào mùa thu. Theo tổng hợp ý kiến của hai vị bác sỹ Đông y, dưới đây là những huyệt vị đó:

Huyệt Hợp Cốc (Huyệt nằm ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ, người xưa gọi là huyệt hợp cốc. Khi mở rộng 2 ngón tay cái và ngón trỏ ra, bàn tay xòe rộng như miệng hổ, nên còn được gọi là hổ khẩu): Có thể tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu cảm mạo, ho khan.

Bấm huyệt hợp cốc có thể tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu cảm mạo, ho khan. (Ảnh: soha.vn)

Huyệt Tam Âm Giao (Huyệt ở vùng mặt trong của cổ chân. Tính từ đỉnh xương mắt cá trong, huyệt nằm cách vị trí bằng chiều rộng của 4 ngón tay): Có thể sinh thêm nhiều tân dịch, giảm thiệu miệng khô, táo bón…

Huyệt Túc Tam Lý (Nằm ở dưới đầu gối, cách hõm dưới ngoài xương bánh chè ba khoát ngón tay (ngang một bàn tay) và cách bờ xương ống chân một khoát ngón tay (khoảng 1,8 cm)): Có thể điều chỉnh chức năng dạ dày, đại tràng. Thường được dùng trong chữa các bệnh về đường tiêu hóa và một số bệnh toàn thân như liệt nửa người, thấp khớp, viêm đa khớp dạng thấp, đái tháo đường, suy nhược, thiếu máu, huyết …

Huyệt Nội Quan (Huyệt vị này nằm ở mặt trước cẳng tay, giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé. Để thấy rõ khe cơ, bạn nên gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào phía trong cho khe cơ nổi rõ. Huyệt Nội Quan nằm trên nếp gấp khớp cổ tay 2 thốn): Huyệt có tác dụng định Tâm, an thần, lý khí, trấn thống, thanh Tâm Bào.

Theo cw.com.tw
Kiên Định