Như một phép màu trên sân cỏ, bình xịt trên tay các nhân viên y tế có thể giúp các cầu thủ đang bị đau trên sân cỏ có thể ngay lập tức quay trở lại cuộc chơi. Nhiều người sẽ tự hỏi phép màu gì ẩn chứa trong chiếc bình thoạt nhìn đơn giản vậy?
Trong những trận túc cầu nảy lửa va chạm là điều khó tránh khỏi, sau va chạm các cầu thủ có thể bị chấn thương gây đau đớn. Sau vài giây cơn đau đỡ hơn họ có thể tiếp tục thi đấu, thuy nhiên có những lúc cơn đau không hề giảm đi, nhân viên y tế nhanh chóng sử dụng bình xịt lạnh giúp các cầu thủ giảm đau.
Chiếc bình xịt đó còn được gọi là bình xịt lạnh “ma thuật”, rất hay được dùng trong các môn thể thao thường xuyên có va chạm. Tác dụng kỳ diệu của bình xịt chủ yếu là nhờ một số thành phần làm đông lạnh, thông thường là Etyl clorua. Chất này có nhiệt độ sôi chỉ hơn 12 độ C. Do đó khi phun lên chỗ bị thương (có nhiệt độ khoảng 37 độ C) sẽ làm cho etyl clorua sôi và bốc hơi ngay lập tức, kéo theo nhiệt mạnh, làm cho da bị đông lạnh cục bộ.
Nguyên lý cũng tương tự như khi bạn mất cảm giác nếu cầm cục đá lâu trên tay, lúc này dây thần kinh cảm giác bị “tê” và không truyền được cảm giác đau lên não bộ, khiến cơn đau biến mất ngay tức khắc. Bên cạnh đó, cơn đau biến mất nhanh chóng còn là cú hích tâm lý giúp các cầu thủ thêm tự tin để tiếp tục thi đấu.
Như vậy bình xịt không giúp vết thương lành ngay lập tức, chấn thương vẫn còn và có thể nặng lên nếu cầu thủ tiếp tục đá, nhưng họ sẽ không cảm thấy đau. Nếu bình xịt tạo nhiệt độ quá thấp có thể gây tổn thương mô và càng làm chấn thương nặng hơn.
Ngoài ra, mất cảm giác đau đôi khi không phải là điều tốt. Nhờ có cảm giác mà chúng ta có thể nhận biết được mối nguy hiểm với cơ thể và nhanh chóng loại trừ. Ở những bệnh nhân mắc chứng không biết đau, họ có thể không biết tay chân bị chảy máu, khi mắc bệnh cũng khó phát hiện sớm, do đó thường có tuổi thọ thấp.
Tương tự, các cầu thủ không nhận thức được những diễn biến dưới làn da bị đông lạnh, nên dễ bị chấn thương thêm khi quay lại sân. Bởi vậy bình xịt lạnh “ma thuật” không phải là công cụ vạn năng. Các nhân viên y tế vẫn phải cân nhắc mức độ chấn thương để quyết định cầu thủ có thể tiếp tục thi đấu hay không.
Đại Hải